MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông nghiệp, thủy sản khởi sắc nhờ lúa gạo và cá tra

06-06-2018 - 11:19 AM | Thị trường

Trung Quốc đứng đầu về nhập khẩu gạo nhưng giá trị xuất khẩu giảm nhẹ, bù lại, một thị trường lâu nay không nhập khẩu là Indonesia lại mở cửa mua gạo.

Theo báo cáo của bộ phận phân tích SSI Retail Research thuộc công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết trong tháng 5/2018, hưởng lợi từ diễn biến thời tiết và thị trường xuất khẩu thuận lợi, ngành nông nghiệp tiếp tục có tăng trưởng khả quan.

Năng suất lúa đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước tính đạt 68,9 tạ/ha, tăng 6,3 tạ/ha so với vụ đông xuân 2017. Trong đó, Kiên Giang là tỉnh có năng suất cao nhất đạt 10,5 tạ/ha, tiếp đến là Đồng Tháp 9,9 tạ/ha, Long An 5,3 tạ/ha. Năng suất tăng đã giúp sản lượng lúa đông xuân của ĐBSCL đạt 10.8 triệu tấn, tăng 954 nghìn tấn (tương đương 9.7%) trong khi diện tích lúa giảm nhẹ do xâm nhập mặn vùng cuối nguồn.

Xuất khẩu gạo tháng 5 đạt 600 nghìn tấn và 460 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu gạo 5 tháng lên 2.8 triệu tấn và 1.56 tỷ USD, tăng 20% về lượng và 51% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá gạo xuất khẩu của Việt nam cuối tháng 5 với loại 5% tấm đã tăng lên 460-465 USD/tấn, mức cao nhất 4 năm một phần nhờ nhu cầu nhập khẩu tăng và một phần nhờ chất lượng gạo xuất khẩu đã cải thiện sau một thời gian chuyển đổi giống lúa. 

Trung Quốc đứng đầu về nhập khẩu gạo nhưng giá trị xuất khẩu giảm nhẹ, bù lại, một thị trường lâu nay không nhập khẩu là Indonesia lại mở cửa mua gạo.

Giá trị xuất khẩu gạo của Việt nam sang Indonesia 4 tháng tăng vọt, gấp 333 lần so với cùng kỳ (từ 0,5 triệu USD lên 180 triệu USD). Một số thị trường khác cũng có mức tăng cao là Iraq tăng 16 lần, Malaysia 3 lần, Gana tăng 42%. Gần đây Việt nam tiếp tục trúng thầu 300 nghìn tấn gạo cho Indonesia, 130 nghìn tấn cho Philippines và 50 nghìn tấn gạo chất lượng cao cho Hàn Quốc, hứa hẹn một kết quả khả quan của sản xuất lúa gạo trong quý 2.

Nông nghiệp, thủy sản khởi sắc nhờ lúa gạo và cá tra - Ảnh 1.

Tương tự như lúa gạo, thị trường xuất khẩu ổn định đã giúp thúc đẩy ngành thủy sản, cụ thể là nuôi trồng, chế biến tôm và cá.

Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 5 năm 2018 ước đạt 700 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2018 lên 3,1 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017. 

Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 4 tháng đầu năm 2018, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Hà Lan (60%), Trung Quốc (27%), Anh (27%), Đức (26%) và Hàn Quốc (21%).

Giá cá tra duy trì ở mức cao (giữa tháng 5 đạt mức kỷ lục 32.000 - 33.000 đồng/kg) đã kích thích nguồn cung. Sản lượng cá tra tháng 5 ước tính 104 nghìn tấn, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm, cao nhất nhiều năm (cùng kỳ 2017 chỉ tăng 3,8%). Khu vực có sản lượng tăng cao là An Giang với 33%, Cần Thơ là 10%. Trung Quốc vẫn là thị trường chính của cá tra Việt nam, chiếm khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu.

Nuôi tôm nước lợ thuận lợi về thời tiết nên sản lượng tôm sú tháng 5 ước tính đạt 23 nghìn tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm. Sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 32 nghìn tấn, tăng 16.4%. 

Tuy nhiên giá tôm lại đang giảm liên tục. Vào cuối tháng 5 giá tôm thẻ chân trắng đã giảm 20% - 30% so với đầu năm và hiện ở mức thấp nhất 2 năm. Nguyên nhân của giá tôm giảm được cho là do cung tăng và áp lực cạnh tranh từ tôm Ấn độ, Thái lan. Sang quý 3, khi lượng thả nuôi và nguồn cung của Ấn độ, Thái lan giảm trong khi nhu cầu tôm ở các thị trường chính vẫn ổn định, giá tôm có thể tăng trở lại, tạo tăng trưởng tốt hơn cho ngành tôm.

Ngọc Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên