MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Bão” giảm giá gạo xuất khẩu: Người trồng lúa tiếp tục “úa”...

05-08-2015 - 14:50 PM |

Thời điểm cuối tháng 7 đầu tháng 8.2015, giá gạo xuất khẩu đột ngột giảm trên phạm vi toàn cầu. Ngoại trừ Ấn Độ vẫn “giậm chân tại chỗ”, nhiều “cường quốc” xuất khẩu gạo như Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Campuchia đang hứng trọn "cơn bão" giảm giá.

Trũng trong trũng

Thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Thông tin (Sở NNPTNT Đồng Tháp) cho biết, hiện giá gạo xuất khẩu tại nhiều quốc gia đang giảm bình quân 5-10USD/tấn so tuần trước.

Cụ thể gạo Thái Lan loại 5% tấm và gạo thơm Hommali (đặc sản) giảm 5 USD/tấn so tuần trước, hiện dao động 365-377 và 860 - 870 USD/tấn. Còn gạo Pakistan lại giảm đến 10 USD/tấn, hiện gạo 5% tấm còn 345-355 USD/tấn. Trong khi đó, gạo Việt Nam, tuy chỉ giảm 5 USD/tấn, nhưng vẫn tiếp tục ở mức thấp nhất thế giới. Cụ thể, gạo loại 5% tấm chỉ còn 335-345 USD/tấn.

Đáng nói là giữa lúc giá gạo thế giới đang “trũng” thì gạo Việt lại tiếp tục là trũng trong trũng này. Đến đầu tháng 8.2015, gạo Việt Nam thấp hơn gạo cùng loại của Campuchia bình quân 100 USD/tấn (đối với gạo 5% tấm) và 350 USD/tấn (đối với gạo thơm).

Đây chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm. Thực tế cho thấy gạo xuất khẩu Việt Nam đang trên đà “lao dốc” cả về số lượng lẫn giá bán. “Trong tháng 7.2015, Việt Nam xuất khẩu được 213.619 tấn gạo với giá bình quân là 380USD/tấn, giảm 65% về lượng và giảm 12USD/tấn so tháng 7.2014”, Thạc sĩ Tuyên cho biết.

Thời tiết khó vẫn chưa “ló” cửa… dễ

Thời tiết bất thường đã và đang gây bất lợi cho việc gieo trồng lúa tại nhiều quốc gia.

Tại Indonesia, hạn hán đã ảnh hưởng đến 111.000/14 triệu ha diện tích trồng lúa. Trong khi đó, theo Nha Khí tượng - Thiên văn Philippines, quốc gia này đang đối mặt với El Nino bằng hoặc thậm chí vượt qua cường độ của El Nino 1997-1998 được gọi là "El Nino của thế kỷ 20”. Được biết, đợt El Nino 1997-1998, có đến 70% diện tích Philippines bị khô hạn, thiếu nước tưới…

Tuy nhiên theo ông Tuyên, những khó khăn từ thời tiết này không đồng nghĩa cánh cửa tiêu thụ gạo trong vụ hè thu ở ĐBSCL sẽ rộng mở khi mà chính phủ nhiều quốc gia đã triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ tích cực và thiết thực.

Tại Indonesia, Chính phủ đã phân bổ 2,8 nghìn tỷ Rupiah (208 triệu USD) để hỗ trợ ngành lúa gạo như đã từng bảo vệ thành công 102.000ha lúa thoát khỏi hạn hán trong thời gian từ tháng 10.2014 – 7.2015. Còn ở Philippines, Bộ Nông nghiệp đang phát triển bộ giống chịu hạn cũng như tăng cường đầu tư chuyển giao quy trình canh tác hiện đại cho nông dân để hướng tới giảm lượng nhập khẩu lúa gạo trong năm.

“Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Philippines đạt sản lượng 19,683 triệu tấn lúa niên vụ 2015-2016, tăng gần 1 triệu tấn so niên vụ 2014-2015” - Thạc sĩ Tuyên cho biết.

Trong khi đó, theo các chuyên gia kinh tế, việc giá dầu trên thế giới tiếp tục giảm giá, sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng tăng giá lương thực để cung cấp cho việc sản xuất nhiên liệu sinh học. Điều này cho thấy cánh cửa đầu ra của hạt lúa hè thu Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng, đang hẹp thêm. Vì vậy, những người làm công tác xuất khẩu gạo cần có nhiều kế hoạch kinh doanh khôn ngoan hơn nữa mới có thể đưa nông dân trồng lúa ĐBSCL chìm sâu trong điệp khúc của hạt lúa: Đến mùa là “úa”...

 

Theo LỤC TÙNG

Lao động

Trở lên trên