MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chống nhập lậu gia cầm: Khó vẫn phải "triệt"!

06-05-2013 - 16:28 PM |

Trong khi dịch cúm gia cầm chưa xử lý được, công tác phòng chống nhập lậu gia cầm vừa có bước tiến triển thì cơ quan quản lý lại phát hiện thêm tình trạng nhập lậu trứng gia cầm từ Trung Quốc.

Điều này lại dấy lên những lo ngại mới về dịch bệnh, cũng như ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước.

Từ cái khó của người tiêu dùng…

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước có trên 11.000 đơn vị hành chính cấp phường, xã. Nếu bình quân mỗi đơn vị này có 1 chợ thì cả nước có trên 11.000 chợ. Chỉ riêng Hà Nội, hiện có khoảng 1.042 chợ (chưa bao gồm các chợ cóc, chợ tạm), 417 siêu thị, cửa hàng kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm và 4.194 nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể sử dụng sản phẩm này.

Như vậy có thể thấy hàng ngày, sức tiêu thụ trứng và thịt gia cầm rất lớn. Cái khó của người tiêu dùng là không biết phân biệt đâu sản phẩm gia cầm sạch, đủ tiêu chuẩn chất lượng, nên chỉ mua theo kinh nghiệm hoặc “niềm tin”. Còn đối với trứng gà, vịt, nhìn bề ngoài rất giống nhau, vì vậy, họ sẽ chọn mua ở hàng nào bán rẻ hơn, nhất là khi giá trứng đang tăng cao.

Theo quy định, thực phẩm tươi sống phải được kiểm dịch trước khi bán ra, tức là phải có dấu của cơ quan thú y, nhưng điều này xem ra chỉ có ý nghĩa với một số doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, uy tín, có tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng. Trong khi đó, ở các chợ, con dấu này cũng trở nên vô nghĩa bởi nhiều lý do “tế nhị” khác. Thậm chí đã có tình trạng cơ quan thú y đưa dấu cho doanh nghiệp tự đóng (!?).

… Đến cái khó của cơ quan quản lý

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Thủy - Phó giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh - thừa nhận, mặc dù lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với các ban, ngành (biên phòng, công an, thú y)... tích cực triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vụ vi phạm nhưng không xuể.

Lý do cơ bản nhất vẫn là lợi nhuận từ việc kinh doanh buôn bán gia cầm nhập lậu quá lớn, vì vậy, bọn buôn lậu hoạt động ngày càng có tổ chức, đa dạng và tinh vi, thậm chí liều lĩnh, lại được sự “tiếp tay” bởi người kinh doanh hám lợi vùng biên giới nên hoạt động phòng chống càng khó khăn. Không hiếm tình trạng, đối tượng bị lực lượng chặn bắt thì dùng tiền mua chuộc, nếu không được sẽ chống trả, tẩu thoát. Lực lượng phòng chống buôn lậu quá mỏng, thiếu phương tiện, trang thiết bị phát hiện, nên khó kiểm soát, trong khi bọn buôn lậu vận chuyển hàng thường hoạt động về đêm.

Cuộc chiến chưa hồi kết

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm và nhập lậu gia cầm, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2088/QĐ-TTg ngày 27/12/2012 về việc phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, với mục tiêu đến hết năm 2013, cơ bản chấm dứt tình trạng nhập lậu gia cầm. Ngay sau đó, các cơ quan từ trung ương đến địa phương đã tích cực triển khai và cơ bản đã hạn chế được tình trạng này. Tuy nhiên, nếu không duy trì thường xuyên và có các giải pháp hữu hiệu thì công tác chống nhập lậu còn gặp nhiều khó khăn.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng nên sửa đổi, bổ sung các văn bản luật, nâng cao mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát; đồng thời vận động hộ kinh doanh tại các chợ biên giới ký cam kết không buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu; khuyến khích chăn nuôi trong nước. Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân nên mua sản phẩm gia cầm sạch, có nguồn gốc, xuất xứ, tem nhãn rõ ràng thông qua hệ thống cửa hàng thực phẩm, tuy nhiên, cần có những quy định để doanh nghiệp, tư thương không lợi dụng tăng giá vô tội vạ.

Hiện các chế tài xử phạt tại Việt Nam vẫn chưa đủ sức răn đe, đơn cử như việc tạm giữ phương tiện không được quá 60 ngày, mức phạt hành chính đối với hành vi buôn lậu tối đa là 20 triệu đồng. Nên chăng cần có một “cơ chế riêng” cho việc xử lý vi phạm, ít nhất là trong giai đoạn "nóng" này.

Theo Đình Dũng

khanhnt

Báo công thương

Trở lên trên