Không tiêu thụ được nông sản: Nguyên nhân từ nhiều phía
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong cuộc trao đổi với chúng tôi.
-
Trước mắt là cứu doanh nghiệp đã. Cứu được doanh nghiệp là đảm bảo được ổn định kinh tế
-
Hai năm tới Đà Nẵng sẽ bị âm nguồn thu
Thưa ông Nguyễn Đức Kiên, trong phiên thảo luận sáng nay (8/6), một số đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến vấn đề đầu ra cho nông sản. Ông có nhận xét như thế nào về mối quan tâm này?
Sáng nay, đã có 29 lượt đại biểu thảo luận về vấn đề kinh tế - xã hội năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015. Hầu hết các đại biểu đều tập trung hoặc có một phần đánh giá về tình hình sản xuất nông nghiệp, đặc biệt về thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp nước ta trong những tháng vừa qua.
Trong đó, nổi lên hai vấn đề. Một là, việc tiêu thụ hàng hóa của nông nghiệp đối với các thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Vấn đề thứ hai là vấn đề chất lượng của mặt hàng nông sản của Việt Nam. Việc này thể hiện rất rõ ràng, Quốc hội của chúng ta vẫn là Quốc hội đại diện cho 65% là nông dân cả nước.
Tại cuộc thảo luận sáng nay, một số đại biểu đã đưa ra cảnh báo về thách thức đối với ngành nông nghiệp khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại mà chúng ta đã ký kết. Để giải quyết những lo lắng này, chúng ta cần có những giải pháp như thế nào?
Những thách thức trong quá trình hội nhập, đối với Việt Nam đây là lần đầu tiên gặp phải, cho nên chúng ta có nhiều bỡ ngỡ trong việc hoạch định những chính sách và đưa ra những biện pháp quyết liệt để xử lý. Nhưng chúng ta có thể thấy, những khó khăn trong việc không tiêu thụ được nông sản bắt nguồn từ cả hai phía: từ phía nông dân và phía cơ quan Việt Nam và quốc tế.
Phía quốc tế có thể lấy ví dụ về hành tím của Sóc Trăng. Tổng thống Indonesia và các cơ quan chức năng Indonesia đã đề nghị không nhập hành tím của Việt Nam để họ tự trồng và tự cung ứng. Nhưng ngược lại, phía Việt Nam, chúng ta không tổ chức liên kết những người nông dân để trở thành sản xuất lớn. Vấn đề thứ hai trong nội địa là chúng ta không tổ chức được phương thức tổ chức sản xuất tập thể. Vì không tổ chức phương thức sản xuất tập thể, chúng ta để từng người nông dân phải “lăn” ra thị trường và như vậy, chúng ta sẽ bị yếu thế.
Ở phần cuối của phiên thảo luận sáng nay, đại biểu Mai Hữu Tín đã đưa ra một số thông tin khá mới về sự chênh lệch số liệu kim nghạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Vấn đề chênh lệch số liệu thống kê chính thức của Tổng cục Thống kê Trung Quốc và Tổng cục Thống kê Việt Nam không phải đến hôm nay chúng ta mới biết. Phía cơ quan của Quốc hội đã tiếp cận thông tin này ngay từ cuối kỳ họp năm 2014 của Quốc hội.
Chúng tôi đã có những giám sát để thực hiện và không phải ngẫu nhiên, trong kỳ họp thứ 9 này, Quốc hội đưa ra thảo luận để sửa đổi toàn diện Luật Thống kê của chúng ta ban hành năm 2003. Giữa hai con số thống kê chứng tỏ một điều, công tác quản lý Nhà nước của chúng ta, đặc biệt là quản lý về kinh tế ở đường biên đang có vấn đề. Chúng ta cần có biện pháp tổng thể để tổ chức lại đời sống của người dân như kiến nghị của đại biểu quốc hội để tổ chức lại sản xuất ở khu vực đường biên, vừa có tính chất ổn định đời sống vừa có tính chất bảo vệ biên giới, đồng thời phát triển kinh tế xã hội.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!