MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành chăn nuôi - nỗi lo yếu thế trong tiến trình hội nhập

17-05-2015 - 22:15 PM |

Ngành chăn nuôi tuy đã bước đầu triển khai kế hoạch tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, song vẫn bị đánh giá là ngành tương đối yếu thế, nhất là trong giai đoạn hội nhập sâu đang đến rất gần.

Thực tế, trong năm 2014, nước ta đã nhập 181.534 con bò, trâu sống từ Australia và Ấn Độ, và kim ngạch nhập khẩu 2 loại gia súc này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Nước ta không chỉ nhập khẩu nhiều một số loại gia súc do thiếu nguồn giống tốt ở trong nước, mà hiện thịt đông lạnh nhập khẩu đã phủ kín các phân khúc thị trường, vì giá thành sản xuất thịt của các nước trên đang rẻ hơn Việt Nam 25 - 35%. Các chuyên gia dự đoán, khi Việt Nam tham gia các FTA, thì các loại sản phẩm chế biến từ chăn nuôi hay các loại thịt nhập khẩu sẽ ồ ạt tràn vào, cạnh tranh trực tiếp, mạnh mẽ với hàng nội địa.

Trong khi, những hạn chế, yếu kém trong chăn nuôi vẫn chưa thực sự được quan tâm khắc phục và chưa có chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt, thức ăn sử dụng trong chăn nuôi chủ yếu là nhập khẩu, làm cho chi phí thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức khá cao. Theo thống kê, trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu của nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu ước đạt 1,16 tỷ USD, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2014.

Bên cạnh đó, hệ thống chuỗi cung ứng thức ăn chăn nuôi trong nước lại tương đối phức tạp, phải qua nhiều tầng trung gian. Chẳng hạn, giá bán thức ăn nuôi tôm đến tay người nuôi hiện ở mức khoảng 33.000 đồng/kg, trong khi, giá giao ngay của các nhà máy sản xuất chỉ khoảng 28.000 đồng/kg, thấp hơn 20% so với mức giá đến tay người nuôi. Trong khi đó, thức ăn chiếm đến 45 - 55% giá thành, nên theo tính toán sơ bộ, với mỗi kilogram thức ăn, giá thành sản phẩm đã bị đội thêm 10%.

Chia sẻ về hạn chế của hệ thống cung ứng thức ăn chăn nuôi hiện nay, nhiều xã viên của một hợp tác xã cho biết, giá thức ăn chăn nuôi các hộ cá thể mua từ các đại lý cấp 2 cao hơn nhiều so với mua từ hợp tác xã. Ví dụ, cám tập ăn trọng lượng 25kg cho lợn con, cùng chủng loại hợp tác xã bán cho xã viên với giá là 422.000 đồng/bao, mua qua đại lý phải trả 450.000 đồng nếu trả ngay, còn trả chậm sẽ phải mua với giá 460.000 đồng/bao.

Do vậy, người chăn nuôi phải chịu mua với giá chênh lệch từ 28.000 - 38.000 đồng/bao cám. Không chỉ thức ăn, khâu cung ứng thuốc thú y phục vụ ngành chăn nuôi cũng còn tồn tại không ít hạn chế.

Được biết, các đại lý thuốc thú y hiện đang được doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thuốc chiết khấu đến 30% hoa hồng. Người chăn nuôi là đối tượng phải gánh chịu khoản chi này cho các đại lý do khâu cung ứng nhiều tầng nấc. Có thể thấy, đây chính là điểm hạn chế lớn làm giảm sức cạnh tranh cũng như lợi thế của sản phẩm chăn nuôi nội địa so với nhiều nước khác.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, trong giai đoạn hội nhập sâu rộng tới đây, ngành chăn nuôi trong nước sẽ phải đối mặt với không ít thách thức lớn. Ví dụ như, do quy mô sản xuất còn nhỏ nên nước ta có khả năng cạnh tranh thấp trong chăn nuôi gà, kể cả gà thịt và gà đẻ trứng. Đối với chăn nuôi lợn, tuy có ưu thế là người tiêu dùng trong nước vẫn có thói quen sử dụng thịt tươi, song hướng tiêu dùng này lại có khả năng sẽ thay đổi nhanh chóng. Nếu người dân chuyển dần sang việc sử dụng thịt đông lạnh do nhịp sống thay đổi nhanh, cần tiết kiệm thời gian chế biến... thì chăn nuôi gà hay lợn trong nước sẽ bị yếu thế so với hàng hóa nhập khẩu.

Thêm vào đó, bước vào hội nhập sâu, ngành chăn nuôi trong nước còn phải chịu cạnh tranh mạnh mẽ từ nhiều quốc gia khác có nhiều lợi thế hơn về kỹ thuật chăn nuôi, năng suất lao động, cộng với giá thức ăn chăn nuôi rẻ hơn và mức lãi suất tín dụng ưu đãi phát triển ngành cũng thấp hơn. Thời gian qua, tuy nhiều chính sách ưu đãi tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được Nhà nước ban hành nhưng mức lãi suất hiện vẫn cao hơn so với nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn là 7%, dài hạn là 10-11%/năm; trong khi tại nhiều nước khác, mức lãi suất dành cho chăn nuôi chỉ ở mức 6%/năm, thậm chí có nước 4%/năm.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu không sớm có các biện pháp ứng phó phù hợp, khả năng bị thu hẹp của sản xuất chăn nuôi trong nước là điều dễ nhìn thấy. Nói cách khác, Việt Nam sẽ có thể sớm trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của các nước khác trong khu vực và thế giới. Để vững vàng hơn trong hội nhập, ngành chăn nuôi cần nhanh chóng tập trung cải thiện chất lượng giống thông qua phổ biến giống chất lượng cao, chọn lựa giống nhập khẩu phù hợp; quản lý chặt chẽ việc sử dụng thức ăn chăn nuôi, tăng cường đầu tư hơn nữa cho công tác thú y, nhất là hoạt động cung ứng thuốc thú y...

Đồng thời tập trung tăng chất lượng, thúc đẩy hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước nhằm tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi để cải thiện, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, với sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm; nâng tầm thương hiệu sản phẩm chăn nuôi trong nước đáp ứng yêu cầu khu vực và trên thế giới.

Theo Hoàng Giang

PV

Đại biểu nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên