MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu nông lâm thủy sản đối mặt với khó khăn "kép"

17-11-2015 - 14:10 PM |

Chỉ còn hai tháng nữa là hết năm 2015, nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn chứng kiến sự giảm sút. Mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản năm nay với 32 tỷ USD có lẽ sẽ không thành công.

Nhiều chuyên gia cho rằng với một thời gian dài ngành nông nghiệp luôn phải đối mặt khó khăn “kép” thì khó có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu cũng như tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng.

Khó khăn “kép”

Trong 5 năm gần đây, mặc dù chịu tác động mạnh của suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính thế giới khiến thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, nhất là những thị trường lớn bị tác động lại là thị trường chủ lực của nông lâm thuỷ sản Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, EU... nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản luôn tăng trưởng khích lệ.

Đặc biệt, năm 2014, ngành nông nghiệp đã có thắng lợi “kép” là sản lượng tăng, giá tăng, thị trường thuận lợi. Bởi vậy, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt kỷ lục với 30,86 tỷ USD. Nhưng từ cuối năm 2014 đến hết quý 1/2015, xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam đã trải qua một đợt suy giảm dài bất thường. Sang quý 2/2015, xuất khẩu có chút khởi sắc trở lại nhưng sau đó lại có xu hướng suy giảm.

Lý giải nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu của ngành sụt giảm, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng có hai lý do chính mà ngành gọi là khó khăn “kép” khiến ngành có kim ngạch xuất khẩu 10 tháng giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước (đạt 24,61 tỷ USD). Đó là thời tiết và thị trường. Cụ thể, ảnh hưởng của El Nino đã gây tác động lên sản xuất trồng trọt và thủy sản. Đây cũng là hai lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao trong tăng trưởng của ngành đều gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, tỷ giá hối đoái của một số ngoại tệ mạnh (đặc biệt là euro) biến động theo hướng không thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Thị trường Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam cũng điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ nên đã tác động tiêu cực tới xuất khẩu. Đó còn là chưa kể đến các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản... vừa giảm nhu cầu nhập khẩu vừa tăng cường nhiều biện pháp rào cản kỹ thuật.

Ngoài ra, nguồn cung các mặt hàng nông sản toàn cầu tăng, lượng tồn kho cao ở nhiều nước khiến cạnh tranh gay gắt. Trong khi sức tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu vẫn còn yếu tạo sức ép giảm giá. Đặc biệt, là mặt hàng lương thực, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn trong việc ký kết các đơn hàng mới. Đơn cử như mặt hàng gạo, bà Nguyễn Thị Hồng cho hay nhu cầu và sự tham gia thị trường nông sản của các quốc gia mới như Myanmar, Campuchia, trở thành những đối thủ cạnh tranh xuất khẩu gạo lớn hơn rất nhiều so với vài năm trước.

Tương tự như vậy, thủy sản cũng đã chịu tác động mạnh từ nguồn cung thế giới cao cũng như sự biến động của các đồng ngoại tệ. Qua 10 tháng, thủy sản xuất khẩu vẫn giảm 17,7% (đạt gần 5,37 tỷ USD). Trong đó, mặt hàng chủ lực xuất khẩu trong thủy sản là tôm đã có sự giảm sút mạnh 27%.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đồng USD tăng mạnh, khiến cho các nước đổ xô xuất khẩu tôm sang Mỹ. Các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu tôm với Việt Nam như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Trung Quốc... phá giá đồng tiền mạnh đã có lợi thế xuất khẩu hơn vào Mỹ.

Hay mặt hàng càphê, đến thời điểm này, Việt Nam đã chính thức bước vào niên vụ mới 2015-2016, nhưng tình hình tiêu thụ và xuất khẩu càphê vẫn khá trầm lắng. Thông tin về hạn hán dự báo kéo dài ở Brazil cũng không đủ sức kéo được giá càphê đi lên dù lượng càphê tồn kho của nông dân và thương nhân Việt Nam đang ở mức cao và vụ thu hoạch mới đang bắt đầu.

Chịu tác động mạnh của thị trường thế giới, không chỉ trong năm nay, từ năm trước, cao su đã không còn là mặt hàng có sự tăng trưởng dương. Khối lượng xuất khẩu cao su luôn tăng nhưng kim ngạch thu về lại luôn đi xuống. Lượng tồn kho cao su thiên nhiên cao đã khiến giá cao su trên thị trường thế giới giảm mạnh.

Với tình hình hiện nay, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đánh giá, kim ngạch xuất khẩu năm sau giảm so với năm trước là câu chuyện bình thường của tất cả các quốc gia. Không thể trông chờ vào kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm sau luôn cao hơn năm trước, bởi đây là những mặt hàng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: nhu cầu, thời tiết, tỷ giá. Với bối cảnh khó khăn như vậy, ngành nông nghiệp vẫn có được kim ngạch xuất khẩu như vậy là thành tích và cầu giảm sẽ còn kéo dài có thể đến quý 2/2016.

Sản xuất theo tín hiệu thị trường

Do ảnh hưởng của El Nino, nhiều nước đang rất khó khăn trong sản xuất lúa gạo, đặc biệt như Thái Lan cũng đang phải đối mặt với tình trạng này. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, nguồn cung lương thực từ nay đến cuối năm là khó khăn. Nắm bắt được xu hướng đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Trồng trọt hướng dẫn các địa phương tăng gieo trồng lúa vụ Thu Đông. Thông thường các năm trước chỉ gieo cấy khoảng 700.000ha, nhưng vụ này năm nay đạt khoảng 830.000ha; sản lượng lúa cả năm sẽ đạt 45,2 triệu tấn.

Sản lượng này không chỉ đáp ứng được các hợp đồng xuất khẩu gạo tăng thêm mới ký mà còn có thể tăng trưởng xuất khẩu nữa. Đây là cơ hội để nông dân tăng thêm thu nhập cũng như doanh nghiệp tăng trưởng xuất khẩu. Hy vọng qua đây, tăng trưởng của ngành nông nghiệp sẽ tăng hơn so với dự báo, cải thiện sự tăng trưởng của ngành trong năm 2015, bà Nguyễn Thị Hồng kỳ vọng.

Hiện hiệu quả của ngành lúa gạo chưa cao, nhưng nhìn nhận một cách tổng thể, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Để phát huy được lợi thế đó, cần phải rà soát, điều chỉnh lại về cơ cấu mùa vụ, đặc biệt phải phát triển những giống vừa có năng suất cao nhưng có chất lượng cao hơn. Hỗ trợ nông dân áp dụng các gói giải pháp về kỹ thuật để vừa tăng năng suất, nhưng lại giảm giá thành và phát triển một cách bền vững. Cùng với đó là phát triển các khâu khác trong chuỗi giá trị như chế biến, bảo quản và tiêu thụ để đạt được hiệu quả kinh tế tổng hợp cao hơn, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái.

Không chỉ gạo, tín hiệu khởi sắc của mặt hàng thủy sản đã bắt đầu thấy rõ hơn do các nhà nhập khẩu đang tăng cường nhập hàng để dự trữ và phục vụ nhu cầu các lễ hội cuối năm. Điển hình như thị trường lớn nhất nhập khẩu tôm Việt Nam là Mỹ bắt đầu có tín hiệu tốt. So với hai quý đầu năm, quý 3 xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ đã có sự tăng trưởng hơn. Chỉ tính riêng tháng Chín, xuất khẩu tôm sang Mỹ đã tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, thủy sản Việt Nam đang xuất khẩu sang 120 quốc gia. Nhưng các doanh nghiệp vẫn cần đẩy mạnh tiếp cận tốt các thị trường, đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường đặt ra.

Việc phát triển xuất khẩu thủy sản hơn nữa phụ thuộc vào năng lực doanh nghiệp Việt Nam trong đàm phán để có các hợp đồng cạnh tranh với các đối thủ ở thị trường đó như thế nào. “Khi vào được chợ rồi nhưng có bán được hàng không điều này phụ thuộc vào doanh nghiệp,” ông Nguyễn Như Tiệp nhấn mạnh.

Trước khó khăn chồng chất trong xuất khẩu nông lâm thủy sản, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết ngành đang điều hành sản xuất thông qua tín hiệu thị trường. Thị trường không thuận lợi, có khó khăn, phải cạnh tranh lớn thì cần hạn chế sản lượng ở mức nhất định để tăng chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để có thể cạnh tranh hiệu quả cần phải tập trung cao hơn việc phát huy những lợi thế; trong đó phát triển những sản phẩm Việt Nam có khả năng cạnh tranh tương đối cao như lúa gạo, càphê, cao su, cá, tôm, hồ tiêu, hạt điều. Nhưng để phát huy được một cách có hiệu quả những sản phẩm đó, chúng ta phải tập trung vào việc tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết và làm cơ sở để thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất các ngành hàng đó./.

 

Theo Bích Hồng

Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên