Nước mắt người thân của hiệp sĩ bị đâm tử vong: “Con thích bắt cướp giống cha, nhưng giờ con ngã xuống rồi..."
Người cha đã rất tự hào vì đứa con trai giống mình, thích tham gia trấn áp kẻ xấu, trộm cướp. Khi con trai không may ngã xuống, ông không khỏi đau xót. Người thân của "hiệp sĩ" Nam cần một thời gian dài để chấp nhận và hàn gắn vết thương này.
- 15-05-2018Vợ sắp cưới của hiệp sĩ bị cướp đâm tử vong: “Tôi cũng muốn giữ người yêu bên mình, nhưng bắt cướp là lựa chọn và đam mê của anh Nam"
- 14-05-2018Vợ sắp cưới của "hiệp sĩ" Nguyễn Hoàng Nam khóc ngất bên linh cữu của chồng
- 14-05-2018Con trai của hiệp sĩ bắt cướp bị đâm chết: "Từ nay bố sẽ không còn đón con đi học về, chở con đi chơi nữa hả mẹ?"
Con trai thích làm việc trượng nghĩa như cha
Sáng 15/5, căn nhà nhỏ ở xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) bao trùm một nỗi buồn vô hạn. Nhiều người thân, bạn bè của "hiệp sĩ" Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi) đã đến thăm, tiễn anh lần cuối khi biết được anh đã ngã xuống sau khi xả thân bắt cướp.
Đêm đó, anh Nam cùng các anh em trong đội "hiệp sĩ" quận Tân Bình tham gia bắt băng trộm cướp xe SH trên đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 3) nhưng không may bị những đối tượng này tấn công. Anh Nam và anh Nguyễn Văn Thôi (quê Bình Định) tử vong, còn 3 "hiệp sĩ" khác bị thương.
Nhiều người đến viếng đám tang chàng "hiệp sĩ" trẻ, trong đó có các cơ quan ban ngành, đoàn thể.
Em gái của anh Nam bật khóc nức nở tại đám tang anh trai.
Khi linh cữu hiệp sĩ Nam được đưa về nhà để an táng thì những người dân quê lần lượt kéo đến thắp nén hương cho chàng trai trẻ dũng cảm quên mình vì việc nghĩa.
Cúi đầu cảm ơn những người đến viếng hiệp sĩ Nam, vẻ mặt khắc khổ sau những đêm dài thức trắng của người đàn ông ngoài 50 tuổi vẫn lộ rõ. Đó là bố Nam, ông tên Hoàng – từng là dân phòng và tham gia bảo vệ an ninh trật tự, trấn áp tội phạm. Nhiệt huyết của người cha đã thôi thúc anh Nam, cho anh niềm tin và đam mê để tham gia bắt cướp, giữ bình yên cho xã hội.
Ông Hoàng cho biết con trai giống tính mình, thích làm việc trượng nghĩa.
Trò chuyện với mọi người đến viếng con trai, ông Hoàng tự hào nói: "Con giống tôi, thích tham gia trấn áp kẻ xấu, cướp giật nên giờ nó cũng làm "hiệp sĩ". Nhưng giờ nó ngã xuống, không còn nữa sao tôi xót xa quá, đau lòng lắm khi nghĩ đến con".
Từ lúc nghe tin con trai mất, ông như chết lặng vì không tin được sự thật. Ông Hoàng nói: "Tôi vừa giận con, vừa thương con. Giận vì nó đã không biết bảo vệ mình, tôi cũng thường nhắc nó có làm gì cũng vừa phải để giữ lại mạng sống. Nhưng càng thương nó, thì thương luôn cái tính nghĩa hiệp mà nó có được. Nó cũng như những "hiệp sĩ" khác, ngã xuống để đổi lấy sự bình yên cho thành phố, người làm cha như tôi cũng tự hào. Mong con hãy yên nghỉ, mọi việc trong nhà đã có cha lo liệu".
Ông Hoàng cho biết, sau khi đón linh cữu Nam về quê nhà an táng, rất nhiều bà con láng giềng, cơ quan ban ngành từ đại diện Bộ Công an, Quân đội,... đến chia buồn, phúng điếu khiến gia đình ông rất xúc động.
Đại diện Bộ tư Lệnh Quân khu 7 đến chia buồn cùng gia đình "hiệp sĩ" Nam.
Người cha tâm sự: "Tôi chỉ mong sau sự việc lần này, quý lãnh đạo cần tạo điều kiện nhiều hơn nữa để hỗ trợ những Nhóm, đội Săn bắt cướp khu vực về mặt tinh thần, trang thiết bị để bắt cướp. Đặc biệt là những kỹ năng tự vệ, tránh những sự việc đáng tiếc như của thằng Nam".
"Nó bảo đi đến tối rồi về, nhưng nó nói dối, nó có về nữa đâu..."
Trong khi đó, đứng dựa vào vách tường vì quá đau đớn sau khi mất con, bà Lâm Thị Nhung (50 tuổi) không giấu được nước mắt khi nhắc đến con trai. Hai đêm liền kể từ lúc Nam gặp nạn, bà Nhung chưa một giây phút nào có thể chợp mắt.
Suốt đêm 13/5, bà túc trực trong bệnh viện rồi đến lúc chờ nhận thi thể con, nước mắt bà Nhung như đã cạn khô.
Cha mẹ của anh Nam khóc ngất lúc đưa thi thể anh về nhà.
Theo người mẹ, anh Nam là con trai ngoan, có hiếu. Biết con trai tham gia đội "hiệp sĩ" bắt cướp rất nguy hiểm, cũng nhiều lần khuyên bảo con trai đừng theo nữa nhưng vì đam mê của con, vợ chồng bà Nhung không cản được.
"Đến giờ tôi vẫn không thể tin được nó đã mất. Chiều hôm đó nó còn bảo tôi đi đến tối rồi về, vậy mà nó nói dối tôi, nó có về nữa đâu", bà Nhung nghẹn ngào xót xa.
Về quá khứ của con, bà Nhung chia sẻ, từ nhỏ nó đã yêu thích làm "hiệp sĩ". Lúc đó, bà có bảo anh Nam rằng mẹ sợ cảnh con bắt cướp lắm nhưng anh bảo với mẹ là không sao. Đến khi lớn lên, anh Nam làm "hiệp sĩ" thật thì cha mẹ không đồng ý nhưng vì đam mê của con cũng chấp nhận.
Đại diện Công an tỉnh Đồng Nai thừa uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Công an - thượng tướng Tô Lâm đến viếng, chia buồn cùng gia đình "hiệp sĩ" Nam.
Anh Nam là đứa con trai duy nhất của gia đình, sau "hiệp sĩ" còn một người em gái 22 tuổi. Cũng vì cuộc sống khó khăn, sau khi học hết cấp 3, Nam lên Sài Gòn học nghề rồi làm tài xế. Cả gia đình ông bà thuê trọ sống ở quận Gò Vấp. Từ đây, anh Nam bén duyên với các anh em trong đội "hiệp sĩ" quận Tân Bình để bắt cướp, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân.
"Mới đây, nó còn hứa là sau khi lấy vợ, nó sẽ không tham gia bắt cướp nữa. Nhưng giờ nó đi mất rồi...", bà Nhung nói như khóc.
Đến sáng 15/5, Công an TP.HCM thông báo chính thức đã tạm thời bắt được 2 nghi phạm liên quan đến vụ việc trên.
Thời Đại