ODA không chỉ nhằm tăng GDP
Nguồn vốn ODA của Nhật sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới với quan điểm là hỗ trợ các nước đang phát triển nhưng không chỉ nhằm thúc đẩy tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội...
- 11-05-2018Dự án hơn 47.000 tỷ đồng cho đường sắt đô thị TP.HCM: Vì sao vốn ODA giải ngân chậm?
- 10-05-2018Trưởng đại diện JICA Việt Nam: Việc chậm thanh toán cho các dự án vốn vay ODA ngày càng trở nên trầm trọng
- 03-05-2018Rà soát dự án ODA chưa có trong kế hoạch đầu tư trung hạn
Theo ông Tetsuo Konaka, Trưởng đại diện JICA Văn phòng Việt Nam, việc thực thi các dự án từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản đã có tiến bộ trong năm qua.
Theo dự thảo Nghị định Về quản lý sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến, cơ quan này đề xuất khu vực tư nhân được tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài. Là cơ quan cung cấp vốn ODA, JICA sẽ cung ứng nguồn vốn này cho những doanh nghiệp tư nhân như thế nào, thưa ông?
Việc này liên quan hoạt động đầu tư tài chính ra nước ngoài của JICA, trong đó có việc cho vay với các doanh nghiệp tư nhân nước ngoài.
Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động trong 3 lĩnh vực được ưu tiên. Một là, lĩnh vực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Hai là hỗ trợ đối tượng người nghèo. Ba là biến đổi khí hậu. Để được vay vốn ODA, doanh nghiệp tư nhân phải thuộc một trong ba lĩnh vực nói trên.
Bên cạnh đó, khác với đối tượng đi vay là Chính phủ, doanh nghiệp tư nhân có rủi ro trả nợ cao hơn bởi vì khi hoạt động sản xuất - kinh doanh không thuận lợi, doanh nghiệp có thể bị phá sản.
Do đó, các khoản vay ODA dành cho doanh nghiệp tư nhân sẽ được xét duyệt kỹ càng, đặc biệt là xem xét tình trạng tài chính của doanh nghiệp đó.
Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân cũng có thể tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tài chính khác và các ngân hàng.
Các hình thức cho vay này không ràng buộc doanh nghiệp Việt Nam phải liên doanh với doanh nghiệp Nhật Bản hoặc sử dụng nguyên vật liệu của Nhật Bản.
Dù không có quy định cứng này nhưng chúng tôi là cơ quan của Nhật Bản nên nếu doanh nghiệp Việt Nam có sự kết hợp, hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản hoặc hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam góp phần thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam thì sẽ được ưu tiên hơn.
Thêm vào đó, chúng tôi không giới hạn hạn mức cho vay với khoản vay này và có trường hợp chúng tôi sẽ kết hợp với các tổ chức tài chính khác như IFC, ADB để cùng cung cấp khoản vay.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đang xây dựng nghị định sửa đổi Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức công - tư (PPP) nhằm tháo những nút thắt để có thể triển khai hiệu quả nhiều dự án PPP. Theo ông, để hình thức đầu tư PPP có hiệu quả, việc xây dựng văn bản này cần chú trọng những nội dung gì?
Việc xem xét quy định pháp lý với PPP là cần thiết. Tuy nhiên, nếu không có những văn bản hướng dẫn thực thi một cách hiệu quả thì việc thực hiện cũng không dễ dàng.
Đáng chú ý, PPP là hợp tác công - tư với sự tham gia của Chính phủ và tư nhân, do đó, cần chỉ rõ Chính phủ và tư nhân phải có trách nhiệm gì, nếu sự phân công không rõ ràng thì khó thực hiện.
Trong quá trình xây dựng cơ chế mới, việc chúng ta cân nhắc thấu đáo trước khi đưa ra văn bản mới là cần thiết. Tuy nhiên, nếu chỉ ngồi một chỗ và suy nghĩ đầy đủ thì không thể làm hết được.
Thế nên, một cách làm có thể hiệu quả là cứ làm thử rồi thu nhận phản hồi đánh giá để điều chỉnh thì tốt hơn. JICA là một tổ chức quốc tế nhiều kinh nghiệm, do đó, nếu có điểm nào cần lưu ý về nội dung này thì chúng tôi sẽ đóng góp ý kiến.
Được biết, trước khi sang Việt Nam đảm nhận vị trí Trưởng đại diện Văn phòng JICA, ông đã từng công tác tại Văn phòng JICA ở Trung Quốc và Ấn Độ. Ông từng chia sẻ, số vốn vay ODA Nhật Bản của Ấn Độ đã giảm nhiều và Trung Quốc không còn sử dụng vốn ODA Nhật Bản. Theo ông, đến thời điểm nào thì Việt Nam sẽ không phải vay vốn ODA của Nhật Bản nữa?
Bản chất nguồn vốn ODA của JICA là hỗ trợ các nước đang phát triển và mong muốn các nước này sẽ tiến đến giai đoạn không cần dùng vốn ODA mà vẫn phát triển. Với Việt Nam, chúng tôi cũng mong muốn như vậy nhưng không biết đến khi nào mới thành hiện thực.
Quan điểm của JICA là việc hỗ trợ vốn ODA không chỉ nhằm tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội mà cần nhìn nhận sự hỗ trợ này ở góc độ rộng hơn. Tăng trưởng kinh tế có thể kéo theo nhiều hệ lụy như môi trường.
Do đó, việc sử dụng nguồn vốn này có thể góp phần cải thiện môi trường. Nghĩ như vậy có thể thấy, thời gian của nguồn vốn ODA tại Việt Nam có thể còn dài nữa.
Trung Quốc có điểm tương tự với Việt Nam là các thành phố lớn là nơi tập trung nhiều người dân có đời sống tương đối sung túc. Tăng trưởng kinh tế giúp đời sống người dân ở những vùng này cải thiện rõ rệt song người dân ở các vùng địa phương khác vẫn nghèo.
Vì vậy, sự hỗ trợ của chúng tôi không dừng lại ở việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng phần cứng mà chúng tôi sẽ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ mới.
Một điểm cần lưu ý nữa là các nước đang phát triển dễ rơi vào tình trạng bẫy thu nhập trung bình và chúng tôi mong muốn Việt Nam thoát khỏi tình trạng này.
Ngoài ra, trong nỗ lực hạn chế gia tăng nợ công của Chính phủ Việt Nam, việc cho doanh nghiệp tư nhân vay cùng với cho Chính phủ vay có thể là giải pháp cho vấn đề nợ công.
Vneconomy