OECD dự đoán GDP Việt Nam đạt 6,3% trong năm 2016
Tăng trưởng ngắn hạn ở ASEAN giữ ở mức trung bình, Việt Nam sẽ đạt 6,3% trong năm 2016 và 6,1% trong năm 2017, Báo cáo Cập nhật Triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ 2016 của OECD cho biết.
- 01-06-2016Dịch vụ logistics Việt Nam chiếm 20,9% GDP cả nước
- 20-05-2016GDP quý 2 sẽ vọt qua 6%?
- 16-05-2016Du lịch đóng góp 6,6% GDP quốc gia
Mặc dù tăng trưởng toàn cầu vẫn trì trệ, các nền kinh tế thuộc khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ vừa phải trong ngắn hạn, báo cáo Cập nhật Triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ 2016 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết tại hội nghị được tổ chức ở Hà Nội ngày 14/6/2016.
Mức tăng GDP thực tế của các nước châu Á mới nổi được dự đoán ổn định ở mức 6,4% trong năm 2016 và 6,3% trong năm 2017. Hoạt động kinh tế thực trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN 10) được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình là 4,9% trong năm 2016. Nền kinh tế Ấn độ dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 7,4%, trong khi quá trình tái cân bằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ khiến kinh tế quốc gia này dừng lại ở mức 6,5% trong năm 2016. Nhìn chung, nhu cầu nội địa sẽ là động lực chính của tăng trưởng kinh tế trong khu vực, báo cáo cập nhật cho biết.
Môi trường bên ngoài không thuận lợi là rủi ro tiềm ẩn đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á, cũng như Trung Quốc và Ấn Độ. Khu vực này đang phải đối mặt với thác thức do triển vọng tăng trưởng yếu từ các nền kinh tế OECD, suy giảm kinh tế ở Trung Quốc và những biến động tài chính gần đây tại các thị trường mới nổi. Tăng trưởng xuất khẩu còn yếu. Những cú sốc từ khí hậu, bao gồm cả tác động từ hạn hán do hiện tượng El Nino, đang ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong khu vực.
Năm 2016 là cột mốc quan trọng cho hội nhập khu vực của các nền kinh tế mới nổi châu Á, sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào tháng 12/2015. Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC đến năm 2025 đưa ra gần đây nhấn mạnh đến các giải pháp chiến lược cho cộng đồng này trong giai đoạn 2016-2025. Các giải pháp này bao gồm khuyến khích thương mại bằng việc giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn các rào cản về thủ tục và tăng cường kết nối sâu hơn nữa giữa các nước thành viên. Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA) sẽ được xây dựng thành một công cụ pháp lý để hỗ trợ các nỗ lực hiện hữu nhằm tự do hóa ngành dịch vụ. Ngoài ra, ASEAN đang có những bước đi quan trọng trong việc biến khu vực thành một thị trường đầu tư chung, cũng như cải thiện chính sách và luật cạnh tranh trong khối. Cho đến nay, tiến bộ trong việc thực hiện các chính sách cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng vẫn chưa đồng đều giữa các nước thành viên.
Các quốc gia ASEAN có những ưu tiên chính sách khác nhau, do khác biệt từ thách thức trong nội bộ lẫn bên ngoài. Ví dụ như Indonesia và Thái Lan đang tập trung đầu tư vào phát triển nông thôn và giáo dục để giảm bất bình đẳng và thúc đẩy đầu tư. Việt Nam tiếp tục quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước. Malaysia và Singapore nỗ lực nâng cao năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Philippines cố gắng tạo thêm việc làm và thúc đẩy cải cách pháp lý để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Campuchia vừa công bố chiến lược phát triển nông nghiệp và du lịch mới. Lào tiếp tục phát triển ngành năng lượng để tăng xuất khẩu điện. Myanmar đang xây dựng quy tắc đầu tư mới để thu hút FDI nhiều hơn. Trong bối cảnh tăng trưởng chậm ở Trung Quốc, còn đó những thách thức liên quan đến dư thừa năng suất và rủi ro môi trường cần được giải quyết. Trong khi đó ở Ấn Độ, những khoản đầu tư cho giáo dục đại học và nâng cao hiểu biết tài chính được ưu tiên, theo ghi chú chính sách quốc gia từ bản báo cáo cập nhật.
Báo cáo Triển vọng kinh tế 6 tháng cho khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ là một phần của chương trình Khu vực Đông Nam Á thuộc OECD. Chương trình này hướng tới thúc đẩy trao đổi các thông lệ tốt và học hỏi lẫn nhau giữa các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia OECD và ASEAN.
Infonet