MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông chủ ngân hàng, thế kẹt giữa lợi ích người bỏ vốn và người làm công

25-04-2017 - 15:57 PM | Tài chính - ngân hàng

Đã có cổ đông chất vấn thẳng thừng lãnh đạo ngân hàng nếu không làm cho ngân hàng tốt lên thì hãy từ chức và cho rằng cần có sự hài hòa giữa lợi ích người bỏ vốn và người làm công.

Đến thời điểm này, đã có khá nhiều ngân hàng tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 như LienVietPostBank, ACB, VPBank, Techcombank, Bắc Á, VietinBank, SCB, OCB, HDBank, KienLongBank, TPBank, PGBank, Eximbank, BIDV.

Bao giờ, khi nào?

Tất cả các Đại hội đều được tổ chức thành công tốt đẹp nhưng đằng sau đó vẫn là nỗi buồn đọng lại trên các gương mặt của các cổ đông nhỏ lẻ ra về. Nỗi thất vọng của họ là một lần nữa phải nghe điệp khúc "Năm nay chúng ta sẽ không chia cổ tức".

Họ là những người bỏ vốn vào ngân hàng hàng chục năm, có những người đầu đã bạc, giọng nói đã run run nhưng vẫn tâm huyết phát biểu trước Đại hội, gửi gắm những đóng góp xây dựng cho ngân hàng phát triển.

"Nhiều năm qua chúng tôi bỏ vốn vào ngân hàng nhưng không được một đồng lãi nào. Ngân hàng nói sau khi đảm bảo hết nghĩa vụ tài chính, trích lập đầy đủ các quỹ ngân hàng mới được phép chia cổ tức. Chúng tôi cứ đợi tái cấu trúc xong thì lâu lắm không biết khi ấy có còn có trên cõi đời này không?", một cổ đông lớn tuổi, tóc đã bạc trắng đầu chia sẻ xót xa.

Đó là cổ đông của những ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc, tình hình tài chính còn khó khăn chủ trương là không chia cổ tức tuy nhiên có ngân hàng làm ăn vẫn có lãi, thậm chí là lãi nghìn tỷ, gấp đôi năm trước nhưng cổ tức vẫn là 0 đồng.

Vấn đề nữa mà nhiều cổ đông quan tâm đó là khi nào cổ phiếu ngân hàng được lên sàn. Theo họ, niêm yết lên sàn để họ có thể tất toán số cổ phiếu dễ dàng hơn. Cũng có cổ đông đề nghị HĐQT và cổ đông lớn mua lại vốn của cổ đông nhỏ lẻ.

Cổ đông dường như đã quá quen với cú pháp trả lời của các lãnh đạo ngân hàng: Sẽ niêm yết vào thời điểm thích hợp. Câu trả lời họ mong muốn thế nào là thời điểm thích hợp, thích hợp là bao giờ?

Theo các lãnh đạo ngân hàng, việc lên sàn còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, khi thị trường chứng khoán minh bạch thì niêm yết mới phản ánh được sức khỏe chính xác của doanh nghiệp. Tình hình thị trường diễn biến chưa thuận lợi, cổ phiếu TCTD chưa được sự quan tâm nên ngân hàng nhận thấy việc niêm yết cổ phiếu thời điểm này khó mang lại sự gia tăng giá trị cho cổ đông. Do đó, quyết định chưa thực hiện niêm yết.

Cần có sự hài hòa giữa lợi ích người bỏ vốn và người làm công

Có cổ đông ngân hàng cho rằng nhân sự hiện quá đông, tiền để trích quỹ khen thưởng và quỹ lương rất nhiều, làm tốn kém thêm chi phí, trong khi năng suất lao động thua ngân hàng khác?

Hàng loạt cổ đông đều tỏ thái độ không bằng lòng khi quyền lợi của cổ đông không được lưu ý trong khi thù lao cho lãnh đạo, quỹ lương, quỹ khen thưởng phúc lợi của ngân hàng đều tăng trưởng qua các năm.

Đã có cổ đông chất vấn thẳng thừng lãnh đạo ngân hàng nếu không làm cho ngân hàng tốt lên thì hãy từ chức và cho rằng cần có sự hài hòa giữa lợi ích người bỏ vốn và người làm công.

Trước những thắc mắc này, đại diện NHNN đã phân trần quỹ khen thưởng phúc lợi nhằm động viên tinh thần cán bộ công nhân viên ngân hàng. Từ đó, để họ nỗ lực làm việc và gắn với trách nhiệm, hoạt động ngân hàng được giữ an toàn. Điều quan trọng ở đây là đảm bảo hài hòa quyền lợi cổ đông cũng như đảm bảo hoạt động chung của ngân hàng. Trong bối cảnh hiện nay không thể giải quyết hài hòa tất cả. Có những ngân hàng yếu kém đi lên nên cần phải chấp nhận không đạt được mục tiêu này nhưng phải đạt được yếu tố khác để duy trì sự ổn định.

"Việc chia cổ tức không phải do ngân hàng quyết được, chúng tôi cũng là cổ đông, chúng tôi cũng không có cổ tức nhưng nhìn bối cảnh kinh tế, cả thị trường khó khăn, các ngân hàng khác cũng vậy, chúng ta cần nhìn đại cục. Chúng tôi làm ngày làm đêm mà vẫn bị cổ đông trách thì rất buồn", lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ mong nhận được sự thông cảm của cổ đông.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên