MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Lý Quý Trung tiết lộ lý do vì sao Phở 24 không tốn một đồng quảng cáo nhưng vẫn là huyền thoại được nhớ mãi

29-11-2019 - 08:56 AM | Doanh nghiệp

Bằng phương pháp Marketing đánh vào sợi dây tình cảm với khách hàng, ông Lý Quý Trung đã đưa thương hiệu Phở 24 đi vào tiềm thức của người tiêu dùng mà không cần tốn đến một đồng quảng cáo nào.

Dù ông Lý Quý Trung đã bán đứt thương hiệu Phở 24 do mình gầy dựng vào năm 2011 nhưng mỗi khi nhắc đến thị trường phở tại Việt Nam khách hàng vẫn nhớ đến vị doanh nhân đặc biệt này.

Xuất hiện tại chương trình YBA Share - Chuyện chưa bao giờ kể do Hội doanh nhân trẻ TP.HCM tổ chức mới đây, ông Lý Quý Trung đã tiết lộ về phương pháp Marketing giúp Phở 24 thành công dù cho chi phí quảng cáo không phải là yếu tố quyết định. Ông Trung khẳng định, Phở 24 không hề áp dụng phương pháp Marketing cao siêu hay bí kíp gì đặc biệt mà tất cả đều nhấn mạnh vào cách thức xây dựng sợi dây gắn kết với khách hàng. Trong đó bao gồm cách xây dựng mối quan hệ cộng đồng, mối quan hệ báo chí, quan hệ khách hàng… thông qua sợi dây tình cảm.

Những việc làm đơn giản như rót một ly nước, bắt tay cảm ơn khách hàng hay đôi khi là một cái cúi chào chân thành… cũng được coi là cách làm Marketing.

"Sau nhiều năm người ta vẫn có 1 cái tình cảm với Phở 24 đó là nhờ vào những hoạt động của công ty và người lãnh đạo. Cho đến khi tôi điều hành Aka Furniture Group, tôi vẫn áp dụng phương pháp xây dựng sợi dây tình cảm một cách vô hình giữa thương hiệu công ty và danh hiệu cá nhân. Nói về Marketing thì phương pháp này rất thâm thúy và bền vững. Cách mà tôi thích là lúc nào người lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải là người xây dựng thương hiệu năng nổ nhất. Không ai nói về thương hiệu, sản phẩm của mình tốt bằng chính mình", ông Lý Quý Trung giãi bày.

Cũng theo cha đẻ Phở 24, lý thuyết Marketing thì rất nhiều, có đầy trên sách vở nhưng người chủ cần phải nắm được cốt lõi của nó là đi xây dựng sợi dây tình cảm. Những hành động đơn giản, bình thường nhưng đôi khi lại có khả năng lấy lòng khách hàng nhiều hơn là một chiến dịch Marketing bài bản.

Để nhấn mạnh điều này, ông Lý Quý Trung kể lại câu chuyện khi đến làm việc tại một ngân hàng ở Việt Nam vào giờ nghỉ trưa sau nhiều năm sinh sống tại Úc. Khi đó, tất cả mọi người đang ăn cơm và ngưng mọi hoạt động. Vì cần giải quyết gấp nên ông Trung năn nỉ nhân viên giúp đỡ. Lúc này, người quản lý dù không hề biết ông Trung là khách hàng có thẻ VIP vẫn khựng lại vài giây rồi lập tức buông đũa, nhờ thêm vài người nữa và tiến lại quầy hỏi ông Trung cần gì để giúp.

Ông Trung quá sức bất ngờ, vì cũng đang cần gấp nên tiện nhờ luôn một số việc nhưng đội ngũ nhân viên ngân hàng vẫn hết sức nhiệt tình dù cho bị phá ngang bữa cơm.

"Họ không nhận ra tôi là ai, không nhận ra mình có thẻ Vip hay gì đó nhưng vẫn hỗ trợ hết mình. Lúc đó tôi nghĩ sao mà dịch vụ cao cấp quá. Trong khi ở Úc thì không bao giờ, không bao giờ có chuyện bạn vô ngân hàng vào giờ nghỉ mà họ làm cho mình. Riêng trường hợp ngày hôm đó có thể chỉ là sự giúp đỡ giữa con người với nhau nhưng đó chính Customer Service. Tự nhiên tôi có nhiều ngân hàng như có cảm tình với ngân hàng đó liền", ông Trung nhớ lại.

Theo vị doanh nhân này, Marketing suy cho cùng chỉ là là thứ rất đời thường, không đao to búa lớn, là xây dựng sợi dây tình cảm giữa thương hiệu và công ty với khách hàng, đó là cốt lõi của Marketing mà không một thương hiệu nào có thể bỏ qua. Nhiều người nghĩ Marketing là đao to búa lớn, thuê người giỏi về trả lương thật cao là được nhưng quên cái gốc của nó thì cũng thất bại.

Trở lại câu chuyện trải nghiệm tại ngân hàng vào giờ nghỉ trưa, theo ông Trung đó có thể là sự tình cờ nhưng nếu những hành động đó mà được tiêu chuẩn hóa, được chiến lược hóa thành một dịch vụ công ty thì rất hiệu quả.

"Tất cả nhà hàng tôi mở ra, kể cả 2 tiệm ăn nhỏ bên Úc đều nhấn mạnh cái này, đó là chú trọng thái độ phục vụ của nhân viên. Đặc biệt là với những người khách cuối cùng trong nhà hàng. Lẽ thương, người khách cuối cùng ở nhà hàng thường mang cảm giác hơi tội lỗi vì làm kéo dài thời gian của nhân viên nhưng đúng ra họ là khách hàng quý giá nhất, giờ đó họ còn đến ăn ủng hộ. Nếu tôi có mặt ở đó tôi sẽ ra bắt tay cảm ơn và đưa họ ra cửa, đó là cách Marketing, là xây dựng thương hiệu", ông Trung nói.

Ngoài ra, ông Trung cũng ấn tượng với câu nói của ông Đặng Lê Nguyên Vũ khi lý giải về việc mua nhiều xe ô tô để đi làm từ thiện. Theo ông Trung, có thể đây là việc làm bị nhiều người cho là vô lý nhưng đây cũng là cách mà ông Vũ đánh vào phương pháp Marketing bằng tình cảm.

"Ông Vũ nói ‘tôi mua nhiều xe nhưng xe vẫn còn đó, làm như vậy để người ta thương mình, ủng hộ mình và mua cafe cho mình’. Chi tiết đó, nội dung đó đúng hay sai thì bàn tính sau nhưng đó cũng là cách xây dựng thương hiệu. Rõ ràng ông Vũ đã nghĩ đến cách xây dựng tình cảm với người dùng. Có thể chúng ta không đồng ý nhưng đó là cách xây dựng phương pháp Marketing vô cùng quan trọng mà doanh nghiệp không nên bỏ qua", ông Trung phân tích.

Cũng theo ông Trung, trong ngành bán lẻ thì vai trò của ông chủ là vô cùng quan trọng. Kể cả khi đã triển khai chương trình nhượng quyền thương hiệu thì bản thân người chủ cũng phải có tiếng nói mới giữ được thương hiệu lâu dài.

Điển hình như Phở 24, dù cho đã nhượng quyền nhưng ông Trung đều hùn tiền trong tất cả các tiệm chứ không giao hết cho người quản lý. Khi đó, người chủ sẽ đội 2 cái nón, nón thứ nhất là nhà nhượng quyền, thứ 2 là người trong cổ đông. Có như vậy người chủ mới sâu sát được rằng cửa tiệm đó có làm đúng như trong hợp đồng nhượng quyền để không gây ảnh hưởng đến thương hiệu.

"Nếu mình không tham gia thì không thể nắm được đối tác báo cáo có chuẩn hay không, tiếng nói của mình cũng không có. Thậm chí mình là cổ đông nhưng nhỏ hơn đã khó nói rồi, trong khi đó môi trường ở Việt Nam luật nhượng quyền còn khá lỏng lẻo.

Tôi đội nón cổ đông, đội thêm nón của nhà nhượng quyền nhưng đôi khi tiếng nói còn không đủ mạnh. Tôi đã từng phải mua lại những cửa hàng với giá gấp đôi vì người ta làm tệ quá. Nhưng trong bán lẻ, khi mình chấp nhận làm mô hình nhượng quyền ở Việt Nam thì phải chấp nhận, sáng tạo ra mô hình mới và thay đổi dần", ông Lý Quý Trung nhấn mạnh.


Tường Vy

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên