OPEC+ tăng sản lượng "vô nghĩa", nỗ lực của Tổng thống Biden có thành "công cốc"?
Trong tuyên bố được đưa ra sau hội nghị trực tuyến diễn ra hôm 3/8, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) dự kiến tăng sản lượng dầu thêm 100.000 thùng/ngày.
Mức tăng "vô nghĩa"
Theo hãng tin Reuters, đây là mức tăng mà các nhà phân tích cho rằng "vô nghĩa", bất chấp những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden công du tới Ả Rập Xê Út để yêu cầu OPEC bơm thêm dầu ra thị trường để hỗ trợ Mỹ và nền kinh tế toàn cầu.
Theo Reuters, mức tăng này chỉ tương đương 0,1% nhu cầu toàn cầu, mặc dù có nhiều đồn đoán trong những tuần qua rằng chuyến đi của ông Biden tới Trung Đông và việc Washington đồng ý bán hệ thống phòng thủ tên lửa cho Riyadh và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sẽ mang lại nhiều dầu hơn cho thị trường thế giới.
Raad Alkadiri - giám đốc điều hành về năng lượng, khí hậu và tính bền vững của Eurasia Group - cho biết: "Điều đó thật là vô nghĩa. Từ quan điểm vật lý, nó chỉ là một đốm sáng bên lề. Nếu là động thái chính trị, nó gần như là một sự xúc phạm".
Dữ liệu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho thấy, mức tăng 100.000 thùng/ngày là một trong những mức tăng nhỏ nhất kể từ khi hạn ngạch của OPEC được đưa ra vào năm 1982.
"Đây là mức tăng nhỏ hơn nhưng vẫn là tăng", Amos Hochstein - cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng của Bộ Ngoại giao Mỹ - nói với CNN.
Ông Hochstein cho biết, OPEC đã đưa ra mức tăng lớn hơn vào hai trong ba tháng trước đó.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta đã tập trung nhiều hơn vào lợi nhuận cuối và điều đó đang làm giảm giá dầu trên thị trường", ông Hochstein nói và cho biết thêm rằng, giá xăng tại Mỹ đã giảm xuống dưới 4 USD/gallon (1 gallon tương đương 3,8 lít).
Mức tăng 100.000 thùng/ngày là một trong những mức tăng nhỏ nhất kể từ khi hạn ngạch của OPEC được đưa ra vào năm 1982. Ảnh: Reuters
Theo Reuters, OPEC trước đây từng tăng sản lượng dầu thêm khoảng 430.000-650.000 thùng/ngày mỗi tháng, để bù đắp nguồn cung thiếu hụt sau quyết định cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày vào năm 2020. Quyết định cắt giảm lịch sử này được đưa ra hồi tháng 4/2020, để hỗ trợ ngành năng lượng toàn cầu rơi vào cảnh thiếu hụt nhu cầu trầm trọng vì đại dịch COVID-19.
Tuy vậy, OPEC cũng gặp khó khăn để hoàn thành mục tiêu do hầu hết các thành viên đã hết tiềm năng sản xuất sau nhiều năm ít đầu tư nâng cao năng suất.
Kết hợp với sự gián đoạn liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine từ tháng 2/2022, việc thiếu nguồn cung dự phòng cũng gây sức ép lên thị trường năng lượng và làm gia tăng lạm phát toàn cầu.
Hàn gắn quan hệ
Với việc lạm phát của Mỹ ở mức cao nhất trong 40 năm và tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden đang bị đe dọa trừ khi giá xăng giảm, ông Biden đã đến Riyadh vào tháng trước để hàn gắn mối quan hệ với Ả Rập Xê Út, vốn đã đổ vỡ sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi cách đây 4 năm.
Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman - người bị tình báo phương Tây cáo buộc đứng sau vụ sát hại Khashoggi, mặc dù ông đã phủ nhận - cũng đã đến Pháp vào tháng trước như một phần trong nỗ lực tái thiết quan hệ với phương Tây.
Ngày 2/8, Washington đã phê duyệt việc bán hệ thống tên lửa phòng thủ trị giá 5,3 tỷ USD cho UAE và Ả Rập Xê Út, nhưng vẫn chưa bỏ lệnh cấm bán vũ khí tấn công cho Riyadh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman trong chuyến công du Trung Đông hồi tháng 7. Ảnh: Reuters
OPEC cho biết trong một tuyên bố rằng, do năng lực khai thác dầu đã đến ngưỡng giới hạn nên phải hết sức thận trọng để đối phó với vấn đề gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng.
OPEC cũng cho biết, tình trạng thiếu đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng sau năm 2023.
Một nguồn tin giấu tên từ OPEC cũng cho biết, nhu cầu hợp tác với Nga là một phần của nhóm OPEC rộng lớn hơn. Và quyết định tăng sản lượng lần này là để xoa dịu nước Mỹ và mức tăng cũng không quá lớn khiến Nga phải lo lắng.
Trí thức trẻ