MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phải tạo được thị trường mua bán nợ với sự tham gia của các thành phần kinh tế

07-06-2017 - 11:27 AM | Tài chính - ngân hàng

Nếu tài sản bảo đảm là bất động sản thì các doanh nghiệp bất động sản và người dân sẽ quan tâm. Nếu tài sản bảo đảm là chiếc xe hơi thì các hãng xe hơi Uber, Taxi, Grab và người dân cũng sẽ quan tâm.

Sáng nay, 7/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Theo đại biểu Phạm Phú Quốc, đoàn TP.HCM, tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế là 5.500 ngàn tỷ và nợ xấu chiếm 10,08%. Qua thời gian từ 2012 đến 2016 toàn hệ thống đã xử lý được 611.000 tỷ nợ xấu, trong đó tổ chức tín dụng xử lý được 55,4% và VAMC 44,6%.

Về bản chất VAMC chỉ là nhà kho tạm giữ nợ xấu, vì chi phí trích lập dự phòng và áp lực chồng tiền mặt vẫn thuộc về các tổ chức tín dụng, nhưng VAMC đã cho thị trường thấy rõ được tổng thể bức tranh nợ xấu của nền kinh tế. Các công ty quản lý tài sản VAMC thuộc các tổ chức tín dụng chủ yếu chỉ làm nhiệm vụ đảo nợ để đảm bảo chỉ số an toàn vốn của các tổ chức tín dụng.

Việc được trong nợ xấu của nền kinh tế nước ta là có được tài sản bảo đảm, bán một ngân hàng hay bán một tổ chức tín dụng rất khó, vì khi bán cho nước ngoài thì đụng trần tỷ lệ nắm giữ của nước ngoài, mà đối với các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp trong nước thì nguồn lực nhỏ lẻ không đủ sức để mua, nếu bán từng món nợ xấu có tài sản bảo đảm để lành mạnh thị trường là hướng đi phù hợp và cấp thiết.

Theo vị đại biểu này, vấn đề phải tạo được thị trường mua bán nợ với sự tham gia của các thành phần kinh tế của dân. Nếu tài sản bảo đảm là bất động sản thì các doanh nghiệp bất động sản và người dân sẽ quan tâm. Nếu tài sản bảo đảm là chiếc xe hơi thì các hãng xe hơi Uber, Taxi, Grab và người dân cũng sẽ quan tâm. Thị trường sẽ không chỉ dành cho các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng mà các thành phần kinh tế khác đều tham gia và những gói nợ xấu thật sự khi thị trường khó xử lý thì có thể giao cho VAMC.

Vì bản chất chi phí trích lập dự phòng vẫn thuộc các tổ chức tín dụng, ngân sách không thể tham gia xử lý thị trường nợ xấu mà phải để cho thị trường tự xử lý và tự quyết định. Có thể họ lấy kinh nghiệm của Hàn Quốc sau khi gom và phân loại các nhóm nợ xấu thì Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu và trái phiếu này được đảm bảo bởi tài sản đảm bảm để thu hút vốn của xã hội xử lý nợ xấu.

Theo ông Quốc, cần thiết có được nghị quyết của Quốc hội để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên về phạm vi điều chỉnh, bên cạnh các tổ chức tín dụng, ngân hàng, đề nghị bổ sung quỹ đầu tư phát triển địa phương. Vì quỹ đầu tư phát triển địa phương cũng hoạt động như tổ chức tín dụng và cũng có nợ xấu.

Ngoài ra tại Điều 7, quyền thu giữ tài sản đảm bảo, về nội dung phải có thỏa thuận và quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong hợp đồng bảo đảm. Điều này chỉ đúng khi hợp đồng được ký trước khi Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực, vì theo Điều 301 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý. Như vậy, sẽ bất lợi cho tổ chức tín dụng nếu phải điều chỉnh ký phụ lục hợp đồng nhưng người đang giữ tài sản đảm bảo không đồng ý ký điều chỉnh phụ lục hợp đồng, vấn đề sẽ không được xử lý. Nghị quyết cũng cần thừa nhận một cách đầy đủ quyền của chủ sở hữu hợp pháp của các tổ chức tín dụng phù hợp với Khoản 6, Điều 320 của Bộ luật dân sự.

Về thủ tục rút gọn là cần thiết nhưng theo đại biểu Phạm Phú Quốc Chính phủ cần hướng dẫn đồng bộ với Bộ luật dân sự và phối hợp với cơ quan công quyền khi thực hiện thu giữ tài sản vì nếu 2.000 giám đốc ngân hàng, hội sở và chi nhánh hoặc tổ chức bộ máy đi xử lý, thu giữ tài sản thì vừa không khả thi và vấn đề trật tự, an toàn xã hội sẽ có vấn đề. Ở Điều 10, xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản, điều kiện đặt ra là phải đảm bảo được 3 điều kiện; dự án phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không tranh chấp và chưa bị thu hồi.

"Tôi đề nghị quy định nên hướng tổ chức xử lý nợ được quyền chuyển dự án bất động sản nguyên căn nguyên cư và thủ tục pháp lý tới đâu thì có giá thị trường quy định tới đó. Còn nếu đặt vấn đề đủ 3 điều kiện là được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không tranh chấp và chưa bị thu hồi thì vấn đề này cũng khó xử lý nợ xấu đối với các dự án bất động sản. Và để hạn chế nợ xấu trong thời gian tới, đòi hỏi lương tâm, năng lực của cán bộ làm công tác tín dụng, nợ xấu phải được quản lý và giám sát, xử lý chặt chẽ, Chính phủ và Ngân hàng nhà nước cần định hướng tín dụng, phục vụ cho chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế, tránh bơm vốn cho bong bóng bất động sản để có thể dẫn đến rủi ro tăng nợ xấu, đổ vỡ dây chuyền cho nền kinh tế", ông Phạm Phú Quốc phát biểu.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên