MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phí thẻ ngân hàng!

25-11-2016 - 17:16 PM | Tài chính - ngân hàng

Hiện, người dùng thẻ ngân hàng Việt Nam đang bị các nhà băng bắt gánh quá nhiều loại thuế, phí với mỗi tài khoản.

Không chỉ vậy, các loại thuế, phí mà nhiều ngân hàng đang áp đặt cho người dùng thẻ thuộc dạng cao nhất thế giới, trong khi bình quân thu nhập đầu người của Việt Nam chỉ ở mức trung bình. Chỉ tính riêng khoản chi phí phát hành thẻ thì người dùng cũng đang phải chịu mức gấp 5 lần các nước trên thế giới (trung bình ở Việt Nam là 5 USD/thẻ, trong khi thế giới chỉ 1 USD/thẻ).

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, tính đến hết năm 2015, Việt Nam có số lượng thẻ nội địa được các ngân hàng phát hành đã ở mức hơn 100 triệu thẻ, trong khi dân số là hơn 90 triệu người. Như vậy trung bình mỗi người dân Việt Nam đã sở hữu nhiều hơn 1 thẻ ngân hàng. Con số trên không làm người ta ngạc nhiên, bởi trong những năm trở lại đây các ngân hàng đua nhau phát hành thẻ với số lượng tăng đến chóng mặt. Nếu năm 2010 số lượng thẻ chỉ ở mức 31 triệu thì đến 2015 con số này đã tăng gấp hơn 3 lần.

Lẽ ra, số lượng thẻ ngân hàng phát hành càng nhiều thì phải là sự kiện đáng mừng, bởi điều đó cho thấy cuộc sống của người dân đã ngày càng văn minh, hiện đại hơn, mọi thanh toán giao dịch đều có thể thông qua thẻ ngân hàng không cần mang theo tiền mặt trong người dẫn đến các nguy cơ mất an toàn. Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng “nhẹ gánh”, dễ dàng hơn trong khâu quản lý của mình. Tỷ dụ như nếu người dân nào cũng có tài khoản ngân hàng thì việc “phạt nguội” của lực lượng CSGT há chẳng phải dễ dàng hơn rất nhiều hay sao?

Với số lượng hàng trăm triệu thẻ ngân hàng như hiện nay nghe có vẻ như chúng ta đang tiến vào kỷ nguyên số, tới lúc không cần thiết dùng đến tiền mặt trong mọi giao dịch nữa. Song, đáng tiếc là đó chỉ là con số ảo, không thực sự phản ánh được cuộc sống của người dân, cũng không hề giúp ích bao nhiêu cho các cơ quan quản lý nhà nước. Nói như vậy bởi trong số hơn 100 triệu thẻ thì chỉ có khoảng 70 triệu thẻ hoạt động thực tế, mà 70 triệu thẻ đó lại chỉ là tài khoản của hơn 20 triệu người.

Cũng đúng thôi khi mà chỉ hơn 20 triệu người sở hữu tới gần 70 triệu thẻ ngân hàng, bởi với những người “có điều kiện” thì việc trong ví có tới 3-4 thẻ ngân hàng, chịu mức thuế, phí hàng tháng lên tới vài trăm nghìn đồng, thậm chí cả triệu đồng thì cũng có đáng gì. Song, với những người làm công ăn lương, với công nhân, nông dân và đại bộ phận các tầng lớp nhân dân thì mức thuế, phí mà các ngân hàng hiện đang áp đặt cũng là một gánh nặng.

Có một số chuyên gia ngân hàng đã từng chỉ ra rằng, ngoài phí phát hành thẻ cao gấp 5 lần các nước trên thế giới, khi sử dụng chủ thẻ ngân hàng còn phải chịu hàng loạt các chi phí có liên quan khác như phí in bản sao kê, phí rút tiền ATM, phí đổi ngoại tệ, phí thường niên... Do vậy, nhiều người bày tỏ sự bức xúc, không đồng tình, thậm chí không muốn dùng thẻ ngân hàng mà muốn nhận lương, bằng “tiền tươi, thóc thật”.

Tính toán của chuyên gia kinh tế cho thấy, với thu nhập bình quân của các nước trên thế giới vào 20.000 USD/người/năm thì mức thu thuế, phí thẻ mà các ngân hàng Việt Nam đang áp dụng cũng đã là cao, chứ đừng nói đến thu nhập bình quân người dân Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 2.000 USD/người/năm. Chẳng thế mà một chuyên gia ngân hàng từng khẳng định: Bất cứ một loại phí nào từ 3.000 đồng trở lên cũng là quá cao so với lương khoảng 2-3 triệu/tháng của nhiều người dân. Còn nữa, trong bối cảnh hiện nay cả lãi suất cho vay và lãi suất huy động tiền gửi đều có xu hướng giảm mạnh thì lãi suất cho vay qua thẻ vẫn đang ở mức rất cao, khiến chủ thẻ khó mà chịu cho thấu.

Trong khi các nhà băng đua nhau thu thuế, phí thì chất lượng dịch vụ thẻ lại chưa đạt yêu cầu. Cách đây chỉ 1-2 tháng thôi, dư luận đã phải “sôi” lên vì có một số chủ thẻ ngân hàng vô cớ bị mất tiền trong tài khoản do an ninh bảo mật chưa hiệu quả. Còn cứ đến ngày lễ, ngày Tết thì người lao động khó mà rút được tiền từ các cây ATM vì hỏng, vì hết tiền...

Một nền kinh tế mà người dân phải chịu quá nhiều thuế, phí cho các tài khoản ngân hàng sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới chính sách điều hành tiền tệ chung. Trong khi Chính phủ đang chủ trương xây dựng một nền kinh tế không dùng tiền mặt, gánh nặng thuế phí có thể khiến người dân khó thực hiện chủ trương này và hướng tới sử dụng tiền mặt nhiều hơn. Hậu quả tất yếu là cơ quan quản lý nhà nước sẽ rất khó kiểm soát được dấu vết, đường đi của dòng tiền nếu người dân chuyển sang sử dụng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động buôn lậu, rửa tiền...

Không chỉ bị ảnh hưởng tới điều hành tiền tệ vĩ mô, việc khiến người dân chọn giải pháp dùng tiền mặt sẽ khiến Chính phủ đối mặt với nguy cơ thất thu thuế, thâm hụt ngân sách và nhiều hệ lụy xấu khác phát sinh. Cái gì quá cũng không tốt. Vậy nên các ngân hàng cũng nên có sự điều chỉnh, đừng để người dân điêu đứng, cũng đừng để Chính phủ khó quản lý, kiểm soát tiền tệ.

Theo Lê Anh Đức

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên