MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó thống đốc Đào Minh Tú: Tín dụng đen khiến nhiều bà con rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí hết sức đau lòng

17-10-2020 - 10:02 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo Phó Thống đốc, nhiều bà con nghĩ đến ngân hàng là rất khó khăn, nhiều thủ tục, nhưng thực tế các thủ tục vay vốn ngân hàng rất đơn giản, dễ dàng, lãi suất thấp nếu bà con có nhu cầu vay vốn phục vụ tiêu dùng, sản xuất kinh doanh chính đáng.

Sáng ngày 17/10 tại Lạc Thuỷ - Hoà Bình, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Bộ Công an tổ chức Hội nghị tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen.

Phát biểu tạihội nghị, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, nhu cầu tín dụng của bà con hiện tại rất lớn, nhưng chưa thể tiếp cận nhiều với ngân hàng. Nhiều bà con nghĩ đến ngân hàng là rất khó khăn, nhiều thủ tục. Trong khi đó lại có nhiều người lợi dụng chuyện khó khăn, hiểu biết chưa đầy đủ của bà con để phát triển tín dụng đen, cho vay với lãi suất "cắt cổ"khiến cho bà con rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí hết sức đau lòng.

Thực tế các thủ tục vay vốn ngân hàng rất đơn giản, dễ dàng, lãi suất thấp nếu bà con có nhu cầu vay vốn phục vụ tiêu dùng, sản xuất kinh doanh chính đáng (chứ không phải vay để ăn chơi, lô đề, cờ bạc). Thời gian qua ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu phục vụ đời sống của người dân, doanh nghiệp. Về phía Bộ công an cũng đã triệt phá nhiều ổ nhóm cho vay tín dụng đen, góp phần giữ bình yên cho xã hội.

Các giải pháp mà ngành ngân hàng đã thực hiện như sửa đổi quy định về cho vay của công ty tài chính tiêu dùng; cơ cấu lại nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19; điều chỉnh lộ trình áp dụng các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng; chỉ đạo NHCS hoàn thiện phương án mở rộng cho vay tiêu dùng...Hiện NHNN đang làm đầu mối xây dựng đề án cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động của fintech trong lĩnh vực ngân hàng; thí điểm áp dụng mobile money; chỉ đạo các TCTD mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, giảm lãi suất, đơn giản hoá thủ tục hành chính nhằm giúp người dân tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức...

Với nhiều giải pháp đồng bộ, hệ thống ngân hàng đã và đang đẩy tăng được tín dụng tới các vùng nông thôn - nơi dễ phát sinh hoạt động tín dụng đen. Cụ thể trong 9 tháng đầu năm tín dụng đạt 8,69 triệu tỷ đồng thì tín dụng nông nghiệp, nông thôn đạt 2,12 triệu tỷ đồng với 14,17 triệu khách hàng còn dư nợ, chiếm 24,67% tổng dư nợ của nền kinh tế và tăng 5% so với cuối năm 2019. TÍn dụng tiêu dùng, phục vụ đời sống của người dân đạt hơn 1,71 triệu tỷ đồng (tính đến cuối tháng 8), chiếm 19,98% dư nợ của nền kinh tế, tăng 2,37% so với cuối năm trước. 

Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, trong thời gian tới ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành và triển khai các giải pháp để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất kinh doanh và các nhu cầu chính đáng của người dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen. 

Cụ thể, một là sẽ chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, đơn giản quy trình nghiệp vụ vay vốn tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất ưu đãi; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay.

Hai là, chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách về tín dụng đến người dân một cách hiệu quả. Ba là, tăng cường truyền thông về chính sách tín dụng đến người dân nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen. Bốn là, tăng kiểm tra, giám sát các TCTD, kịp thời phát hiện các vi phạm liên quan đến tín dụng đen để xử lý hiệu quả.

Để góp phần hạn chế tín dụng đen, nhất là tại nông thôn, theo Phó thống đốc, bên cạnh các giải pháp của ngành ngân hàng đưa ra thì cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương. Vì vậy các bộ ngành liên quan cần phối hợp để quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm tăng cường nhận thức của người dân về phương thức, thủ đoạn, tác hại của tín dụng đen; có các giải pháp để phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ, có chế tài đủ sức răn đe đối với các đối tượng tham gia đường dây, có hành vi phạm pháp liên quan đến tín dụng đen.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên