MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Đặc khu có tính chất và nhiệm vụ đặc biệt nên cán bộ cũng phải đặc biệt

"An ninh, toàn vẹn lãnh thổ được gắn với phát triển đặc khu kinh tế như thế nào?" là một trong số những câu hỏi đại biểu chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Chiều 6/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là thành viên Chính phủ cuối cùng ngồi "ghế nóng" trả lời chất vấn trước Quốc hội. Phần trả lời của ông Huệ sẽ khép lại 3 ngày hỏi – đáp tại Nghị trường.

Một trong số những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn Phó Thủ tướng liên quan đến câu chuyện về đặc khu kinh tế.

Theo đó, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) hỏi Phó Thủ tướng về tiêu chí đối với Chủ ịch đặc khu.

"Nếu Quốc hội thông qua Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Chính phủ có tiêu chí nổi trội gì về việc chọn cán bộ, đặc biệt là chức danh Chủ tịch?", ông Thân hỏi.

Trả lời, Phó Thủ tướng cho biết đặc khu là nơi có tính chất và nhiệm vụ đặc biệt do đó chắc chắn cán bộ cũng phải đặc biệt. Theo dự luật, việc lựa chọn người đứng đầu là Chủ tịch đặc khu với quy trình chặt chẽ theo hướng: Chủ tịch tỉnh giới thiệu, Bộ Nội vụ thẩm định, HĐND bầu và Thủ tướng phê chuẩn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói: "Tôi nghĩ chắc chắn sẽ chọn được người đủ đức, đủ tài".

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) lại yêu cầu Phó Thủ tướng phân tích, đánh giá về mức độ phát triển của 3 đặc khu sẽ tác động như thế nào với địa phương, vùng lập đặc khu. Bên cạnh đó, ông cũng đặt câu hỏi cho Phó Thủ tướng về vấn đề an ninh quốc phòng, toàn vẹn lãnh thổ đất nước theo thời gian 10 năm, 100 năm và lâu hơn nữa.

Đối với vấn đề này, ông Huệ cho biết trên thế giới việc thành lập các đặc khu là nơi thử nghiệm thể chế, tạo sự tăng trưởng. Ông nhấn mạnh dự luật này vẫn đang được thảo luận, tính toán các khả năng, các vấn đề liên quan đến kinh tế, an ninh.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định việc ra đời của 3 đặc khu cũng không ảnh hưởng đến sự phát triển của Hà Nội và TP. HCM – là hai đầu tàu động lực kinh tế của cả nước và 7 vùng kinh tế động lực khác.

"Hà Nội và TP.HCM bao giờ vẫn là đầu tàu, động lực của cả nước dù có đặc khu hay không. 7 vùng kinh tế trọng điểm vẫn tiếp tục được tập trung cơ chế chính sách, phát huy thế mạnh của các vùng này, làm lan tỏa các địa phương và vùng khác. Việc ra đời các đặc khu kinh tế không ảnh hưởng quan điểm phát triển, nguồn lực trung ương, địa phương tới 2 đầu tàu và 7 vùng trọng điểm này", ông Huệ nói.

Tuy nhiên, đại biểu Anh Trí không hài lòng với câu trả lời này và giơ biển xin tranh luận tiếp. Nhắc lại câu hỏi của mình, ông yêu cầu Phó Thủ tướng đưa ra một vài phát thảo về phát triển kinh tế xã hội tại 3 đặc khu cùng mối quan hệ tương quan với an ninh quốc phòng theo thời gian.

Trước chất vấn này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Quốc hội đang bàn bạc về dự thảo Luật, nên để có câu trả lời cần phải có nghiên cứu chặt chẽ hơn.

"Xin đại biểu cho phép Phó thủ tướng trả lời bằng văn bản", bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói.


N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên