MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trực tiếp chỉ đạo xây dựng Đề án mô hình kinh tế chia sẻ

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2018 mới được ban hành, cùng với việc thống nhất xây dựng Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ, Chính phủ đã phân công Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng Đề án này.

Nghị quyết 13 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2018 vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 8/2/2018. Trong Nghị quyết này, Chính phủ đã có chỉ đạo đối với việc xây dựng Đề án mô hình kinh tế chia sẻ. Theo đó, Chính phủ đã thống nhất xây dựng Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ.


Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ; phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan dự báo xu hướng thế giới, vận dụng phù hợp với tình hình Việt Nam, tổ chức xây dựng Đề án, bảo đảm tính khoa học, khả thi, đúng hướng; báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 6/2018.

Đồng thời, Chính phủ cũng phân công Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ.

Cũng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2018, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tham mưu, đề xuất việc tổ chức một số hội nghị chuyên đề toàn quốc để bàn giải pháp đối với những vấn đề trọng tâm, then chốt trong bối cảnh hội nhập và phát triển đất nước như: năng suất lao động, công nghiệp 4.0, kinh tế chia sẻ…; đồng thời tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp đã được đề ra từ các hội nghị trước, tạo chuyển biến thực chất trong việc đưa cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2018.

Trước đó, thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 8/2 cho hay, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2018 diễn ra mới đây, Bộ KH&ĐT đã báo cáo các thành viên Chính phủ về sự cần thiết xây dựng Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ, trong bối cảnh các quy định pháp luật “hầu như còn bỏ ngỏ” đối với mô hình kinh tế này.

Theo Bộ KH&ĐT, kinh tế chia sẻ là khái niệm mới xuất hiện trong thời gian gần đây và gắn với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ số. Đến nay có nhiều định nghĩa và cách hiểu khác nhau nhưng theo cách hiểu phổ biến nhất, mô hình kinh tế chia sẻ là một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ dùng chung giữa các cá nhân, hoặc không phải trả tiền hoặc không trả một khoản phí, với tính chất điển hình là thông qua các công cụ Internet. Đây là một phương thức kết nối mới giữa người mua (người dùng) và người bán (người cung cấp) đối với một hoạt động kinh tế.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cũng cho biết, hiện nay có hai loại hình dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ đang mở rộng quy mô ở nước ta là dịch vụ vận tải trực tuyến (như Uber, Grab) và dịch vụ chia sẻ phòng Airbnb. Theo một ước tính, có khoảng 6.500 cơ sở tham gia Airbnb ở Việt Nam tính đến tháng 6/2017.

Ngoài ra, tại Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều loại hình dịch khác như dịch vụ cung cấp nền tảng cho phép người dùng tự xây dựng tour Việt Nam cung cấp cho khách du lịch thế giới (Trippme), cung cấp ứng dụng điện thoại kết nối người dùng với các nhà cung cấp dịch vụ như sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng… (Rada); dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ điển hình như cung cấp nền tảng kết nối bên cho vay và người đi vay như huydong.com…

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trực tiếp chỉ đạo xây dựng Đề án mô hình kinh tế chia sẻ - Ảnh 1.

Bộ KH&ĐT cho rằng, trong khi xu thế ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh là không thể đảo ngược thì vấn đề quan trọng với Việt Nam hiện nay là làm thế nào để khai thác tối đa điểm mạnh của mô hình kinh tế chia sẻ, đồng thời hạn chế tới mức thấp nhất những bất cập (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Bộ KH&ĐT nhận định: nhìn chung sự phát triển của các dịch vụ này trong thời gian vừa qua còn mang tính tự phát, trong khi các cơ quan quản lý còn khá lúng túng trong việc xác định bản chất và cách thức quản lý mô hình này. Hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh của nước ta như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Giao dịch điện tử… và các quy định về thuế hiện nay hầu như còn bỏ ngỏ đối với mô hình kinh tế chia sẻ.

Riêng trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định 24 năm 2016 về Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Đây được coi là văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến dịch vụ vận tải theo bản chất của kinh tế chia sẻ.

Về thuế, hiện nay Bộ Tài chính coi dịch vụ phần mềm kết nối của Uber là "bộ phận cấu thành của dịch vụ vận tải" và đã có công văn hướng dẫn thu thuế với loại hình này theo mức thuế suất 3% như với dịch vụ vận tải.

Bộ KH&ĐT cho rằng, trong khi xu thế ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh là không thể đảo ngược thì vấn đề quan trọng với Việt Nam hiện nay là làm thế nào để khai thác tối đa điểm mạnh của mô hình kinh tế chia sẻ, đồng thời hạn chế tới mức thấp nhất những bất cập.

Mục tiêu của Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ là đề xuất giải pháp phát triển các loại hình kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ theo hướng tạo môi trường kinh doanh bình đẳng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong nền kinh tế ở Việt Nam.

Tại phiên họp, Bộ KH&ĐT cũng đã đề xuất cấu trúc của Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ, với dự kiến Đề án sẽ gồm có 3 phần chính, trong đó phần 1 tập trung đánh giá thực trạng mô hình kinh tế chia sẻ và khung khổ pháp lý, chính sách; phần 2 đề xuất một số giải pháp phát triển các loại hình kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ tới năm 2025; và phần 3 về tổ chức thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho bộ, ngành, địa phương.

Theo M.T

ICTnews

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên