Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung Ương Triệu Tài Vinh: 4.0 không chỉ là cách mạng công nghệ mà quan trọng hơn là cách mạng về thể chế
Ông Triệu Tài Vinh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương kêu gọi: "Mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi doanh nghiệp và mỗi người dân cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, linh hoạt, tạo điều kiện cho phát triển".
- 02-10-2019Chủ tịch Rạng Đông xin Bộ Khoa học Công nghệ hỗ trợ để đầu tư sản xuất đèn led vì sức khỏe và hạnh phúc con người
- 02-10-2019Người Việt “ngụp lặn” trong hàng loạt ứng dụng thanh toán số, vì sao Samsung Pay luôn khác biệt với phần còn lại?
- 02-10-2019ADB và DHD ký thỏa thuận cung cấp nguồn điện mặt trời nổi quy mô lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được hình thành trên nền tảng cải tiến của cuộc cách mạng số nhưng với công nghệ mới như robot, trí tuệ nhân tạo, IoT, công nghệ nano, công nghệ sinh học,... Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh, tạo ra những thay đổi sâu sắc trong đời sống xã hội. Nhiều ngành nghề truyền thống sẽ mất đi, bị triệt tiêu và thay vào đó là những mô hình kinh doanh mới.
Phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề Chuyển đổi số ngành sản xuất hướng tới sản xuất thông minh trong khuôn khổ Industry 4.0 Summit, ông Triệu Tài Vinh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nói: "Thời gian để tạo ra sản phẩm ở phòng thí nghiệm đến thời gian tạo ra sản phẩm để bán trên thị trường sẽ được rút ngắn. Lợi thế cạnh tranh đang chuyển dần về khâu cuối của chuỗi giá trị, đó không còn là việc tạo ra hàng hóa hay dịch vụ mà là thu thập, khai thác và tạo ra quan hệ tương tác với khách hàng".
Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, đến nay đất nước vẫn đang đi theo mô hình công nghiệp hóa kiểu cũ với tư duy và thể chế quản lý cũ, nên tốc độ phát triển kinh tế chậm, năng lực cạnh tranh thấp và đổi mới sáng tạo chưa mạnh.
Ông Vinh cho rằng, kinh tế nước ta tăng trưởng chủ yếu còn phụ thuộc vào yếu tố vốn, tài nguyên thiên nhiên và lao động trình độ thấp, dẫn đến chất lượng tăng trưởng không cao. Đây là áp lực để cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, nhất là vấn đề thể chế kinh tế, kết cấu hạ tầng và đổi mới công nghệ.
Việc ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam nếu chúng ta quyết tâm đổi mới tư duy và xây dựng chiến lược phát triển.
Về nguồn nhân lực của cuộc cách mạng 4.0, cần có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong thị trường lao động theo hưởng chuyển từ nhân lực giá rẻ chất lượng thấp sang nhân lực chất lượng cao, cơ cấu lao động hiện đại sẽ có thay đổi khác biệt so với sản xuất truyền thống. Đổi mới công nghệ và tăng cường sử dụng robot vào quá trình sản xuất là xu hướng tất yếu, song cũng là thách thức lớn với doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời đây cũng là nguyên nhân tạo ra phân hóa giàu nghèo xã hội.
Đổi mới sáng tạo sẽ là động lực chủ yếu của tăng trưởng phát triển trong thời gian tới, đồng thời là nhân tố quyết định những tiến bộ xã hội, là yếu tố làm thay đổi nhanh cách thức tổ chức kinh tế. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo vào việc quản trị và sử dụng hiệu quả khoa học công nghệ cao đã hoán chuyển kinh tế thế giới sang một trình độ mới, với phương thức quản trị mới.
Việt Nam đã và đang hội nhập, tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động quốc tế, trong đó sẽ xuất hiện thêm các công thức quản lý xuyên biên giới. Việc xuất khẩu hàng loạt các sản phẩm vô hình như phần mềm, nội dung số, công nghệ thông tin đã làm thay đổi cách thức quản lý. Chính vì vậy, việc tuân thủ các quy định quốc tế và quản lý các hoạt động này trở nên phức tạp. Xuất hiện các vấn đề mới về sở hữu đòi hỏi nhà nước và các cơ quan quản lý phải có phương thức quản lý hiệu quả.
Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cách mạng 4.0, xác định đây là nhu cầu tất yếu khách quan, là mục tiêu chiến lược đặc biệt quan trọng vừa cấp bách, vừa phức tạp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Ông Vinh nhấn mạnh: "4.0 không chỉ là cuộc cách mạng công nghệ mà quan trọng hơn là cuộc cách mạng về thể chế, yêu cầu đổi mới tư duy quản lý kinh tế, quản trị kinh doanh và quản lý xã hội. Mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi doanh nghiệp và mỗi người dân cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, linh hoạt tạo điều kiện cho phát triển".