Phố Wall nói không với Donald Trump!
Lần đầu tiên, Phố Wall phản đối một ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng Hoà.
- 01-11-2016Hai "tiểu thư" nhà Donald Trump giúp cha tranh cử
- 28-10-2016Dù có trở thành Tổng thống hay không, Donald Trump cũng thắng lớn!
- 27-10-2016Ai ủng hộ Donald Trump?
Theo truyền thống, Phố Wall luôn đứng về phía Đảng Cộng Hoà, bởi phe bảo thủ tại Mỹ, phần lớn là thành viên Đảng Cộng Hoà, thường đề xuất mức thuế thấp, hỗ trợ thương mại tự do và giảm bớt các quy định kinh doanh. Nhưng trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, Phố Wall đang đi ngược lại truyền thống nhiều năm của mình.
Theo kết quả thăm dò các nhà quản lý quỹ đầu tư của Ngân hàng Merrill Lynch vào tháng 10 vừa qua, Donald Trump trở thành tổng thống chính là một trong những mối đe doạ lớn nhất tới thị trường tài chính.
Một nghiên cứu của Justine Wolfers từ Đại học Michigan và Eric Zitzewitz từ Đại học Dartmouth chỉ ra rằng sau cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên, khả năng bà Hillary Clinton giành chiến thắng đã tăng lên 6 điểm trên các thị trường đặt cược. Đồng thời, sau cuộc tranh luận đầu tiên, thị trường chứng khoán tăng điểm, trong khi đó, giá vàng và Trái phiếu kho bạc (hai loại tài sản đem lại lợi nhuận khi các nhà đầu tư sợ rủi ro) lại giảm.
Nghiên cứu kết luận thị trường tài chính đang trông đợi nền kinh tế trong và ngoài nước phát triển dưới sự lãnh đạo của bà Hillary thay vì ông Trump.
Ông Trump khác xa hình mẫu truyền thống của Đảng Cộng Hoà; và đây chính là điều khiến các nhà đầu tư lo lắng.
Nếu ông Trump giành chiến thắng, không một ai có thể chắc chắn được ông sẽ đưa ra những quyết định gì về cả chính sách kinh tế và ngoại giao. Nguyên nhân không chỉ bởi vì những tuyên bố của ông rất mơ hồ và không nhất quán; mà còn bởi đội ngũ cố vấn chính sách của ông cũng không hề giống những đội ngũ cố vấn thường thấy của các ứng viên tranh cử tổng thống trước đây. Vì vậy, rõ ràng, ủng hộ ông Trump chính là bước vào một vùng đất đầy rủi ro.
Một loạt tuyên bố của ông Trump trong quá trình tranh cử cũng khiến các nhà đầu tư “đau đầu”. Về thương mại, ông Trump đe doạ sẽ huỷ bỏ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ và tiến hành nhiều biện pháp mạnh trước nguy cơ gián đoạn kinh tế của Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông cũng tuyên bố sẽ mạnh tay trục xuất nhóm dân di cư bất hợp pháp - điều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lực lượng lao động của Mỹ.
Chưa hết, ông Trump còn thể hiện mong muốn rút lui (hoặc ít nhất là tái đàm phán) khỏi các liên minh phòng thủ của Mỹ - một hành động có thể gây ra nhiều rủi ro địa chính trị.
Các nhà đầu tư cũng lo lắng về thái độ của ông Trump với nữ thống đốc Jenet Yellen của Cục Dự Trữ Liên Bang (FED). Ông Trump từng ám chỉ sẽ bổ nhiệm một ứng viên cứng rắn hơn vào vị trí này khi nhiệm kỳ của bà Yellen kết thúc vào tháng 1 năm 2018 hoặc thậm chí là sớm hơn. Rõ ràng, các nhà đầu tư không hứng thú gì với viễn cảnh FED sẽ thắt chặt các chính sách hay bất cứ điều gì đe doạ đến hoạt động độc lập của FED.
Tất cả những yếu tố trên đều sẽ không chỉ ảnh hưởng đến thị trường tài chính nước Mỹ, mà còn tới cả thị trường tài chính toàn cầu.
Tất nhiên, nguy cơ không chỉ đến từ phía ông Trump. Việc Đảng Dân Chủ kiểm soát Nhà Trắng, Thượng Viện và Hạ Viện cũng có thể tác động tiêu cực tới thị trường. Cụ thể, quyền lực trong tay những thành viên chủ chốt trong Đảng như ông Bernie Sanders hay bà Elizabeth Warren, những người ủng hộ việc tăng thuế và áp dụng nhiều quy định hơn, sẽ được tăng cường.
Theo quan điểm của thị trường, kịch bản ít tổn hại nhất chính là bà Hillary giành chiến thắng nhưng quyền kiểm soát Nghị Viện vẫn thuộc về Đảng Cộng Hoà. Theo bà Kate Moore của tập đoàn quản lý quỹ đầu tư BlackRock, chính phủ phân chia quyền lực sẽ có tác động tích cực tới kinh tế. Không chỉ vậy, kịch bản này còn có thể tạo ra một yếu tố kích thích tài khoá nhẹ có lợi cho thị trường.
Theo nhà phân tích Michael Zezas tại ngân hàng Morgan Stanley, những ứng cử viên tổng thống có kiến thức cơ bản về thuế doanh nghiệp thường ủng hộ những kế hoạch khuyến khích doanh nghiệp chuyển thu nhập nước ngoài về trong nước và hạn chế khấu trừ thuế các khoản thanh toán lãi suất.
Điều này cho thấy “Tổng thống” Hillary Clinton, người luôn sẵn sàng hợp tác với Đảng đối lập ngay từ khi còn là nghị sĩ, có thể đạt được thoả thuận với các Viện do Đảng Cộng Hoà kiểm soát về vấn đề giảm thuế để loại bỏ các khoản khấu trừ.
Cuối cùng, dù ông Trump có ý định giảm thuế cho người giàu và tăng giá cả hàng hoá ảnh hưởng đến người nghèo (thông qua áp dụng thuế quan lên các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc), nhưng trong mắt các nhà đầu tư phố Wall, ông luôn là một người theo chủ nghĩa đại chúng.
Ngược lại, mặc dù bà Hillary đã lên kế hoạch tăng thuế thu nhập và thắt chặt xử lý thuế thặng dư vốn, nhưng ngay từ đầu, bà đã được đánh giá là ứng cử viên của Phố Wall. Các kế hoạch của bà đều thể hiện đúng những quan điểm của Đảng Dân Chủ.
Thị trường tài chính rõ ràng không hề mong đợi ông Trump giành chiến thắng. Bỏ phiếu cho ông Donald Trump là điều mà không một nhà đầu tư nào muốn làm.