"Pizza hủ tiếu" - món ăn được cấp bằng sáng chế độc nhất của gia đình 3 thế hệ làm hủ tiếu tại miền Tây, thu về chục triệu mỗi ngày, giúp nuôi con đi du học Mỹ
Theo đánh giá từng nguyên liệu thì "Pizza hủ tiếu" lẽ ra sẽ chẳng đặc biệt nhiều nếu như nó không được làm từ chính sợi hủ tiếu lò nhà chú Sáu Hoài.
- 01-10-2020Từ kẻ vô gia cư, bị mẹ ghét, em lừa, gặp vô số vận xui, đến người xây dựng đế chế Domino’s Pizza chỉ với 77 USD
- 12-08-2020Quy tắc '2 bánh pizza' và họp trong im lặng – những bí kíp giúp Jeff Bezos trở thành người giàu nhất hành tinh
Món ăn dưới đây chưa hẳn đã chứng minh được hết thảy những sự sáng tạo trong ẩm thực của người miền Tây nhưng chắc chắn là một trong những "đơn cử" đáng gờm bởi nó từng khiến không ít du khách ấn tượng và phải… xao xuyến.
À mà câu chuyện không chỉ đơn giản như việc giới thiệu một món ăn lạ…
Chú Huỳnh Hữu Hoài (chú Sáu, 55 tuổi) - chủ lò hủ tiếu Sáu Hoài giới thiệu về sản phẩm của gia đình mình.
NGHĨ RA "PIZZA HỦ TIẾU" MANG VỀ THU NHẬP CHỤC TRIỆU MỖI NGÀY
Tìm về làng nghề hủ tiếu truyền thống có hàng chục năm tuổi, chúng tôi chọn lò hủ tiếu Sáu Hoài làm điểm dừng và tại đây được chú Huỳnh Hữu Hoài (chú Sáu, 55 tuổi) - chủ lò cung cấp rất nhiều thông tin giá trị.
Hiện tại lò hủ tiếu Sáu Hoài là nơi duy nhất được thành phố Cần Thơ cấp bằng sáng chế món "Pizza hủ tiếu" trứ danh miền Tây. Thay vì làm đế bánh bằng bột mì như cách làm pizza chính thống, nơi đây dùng hủ tiếu làm đế, chính vì thế mà tên gọi "Pizza hủ tiếu" cũng ra đời.
Chú Huỳnh Hữu Hoài (chú Sáu, 55 tuổi) - chủ lò hủ tiếu Sáu Hoài.
Sợi hủ tiếu sau khi ra lò sẽ được mang đi chiên theo từng nắm. Theo chú Sáu, muốn chiếc pizza có đế giòn phải chiên trong chảo ngập dầu nóng và vừa ngả vàng là phải vớt ra để tránh đế bánh bị cháy.
Đế bánh sẽ làm liên tưởng nhiều đến mì xào giòn hoặc mì chiên của người Hoa thế nhưng tất cả đều không phải khi topping của "Pizza hủ tiếu" khác hoàn toàn với các món trên. Sau khi đế bánh chín, nhân công lò sẽ cho bên trên một lớp trứng chiên, sau đó là thịt khìa, rau sống, đậu phộng giã, hành phi, cuối cùng tùy theo khẩu vị của từng người mà khi ăn người ta sẽ cho bên trên nước tương hoặc tương ớt. Từng rụm bánh vừa thơm, vừa béo, giòn tan khi kết hợp với thịt khìa, trứng chiên những tưởng rất dễ ngậy nhưng khi cho một ít hành ngò lại khiến mọi thứ hòa hợp và vừa miệng vô cùng.
Sợi hủ tiếu dai được chiên trong chảo dầu đến khi ngả vàng sẽ được vớt ra và cho bên trên hành lá.
Pizza hủ tiếu có phần topping là thịt, trứng chiên, đậu phộng, hành phi, ngò.
"Pizza hủ tiếu" vốn dĩ chẳng có lịch sử phức tạp, nó được anh Huỳnh Ngọc Diệp - con trai của chú Sáu Hoài nghĩ ra và được thử nghiệm tại lò từ khoảng 3 năm trước. Anh Diệp còn được biết đến là học trò của cô Phan Tôn Tịnh Hải - nghệ nhân danh tiếng trong giới ẩm thực, từng khiến hàng triệu người nể phục với tác phẩm "Phượng Hoàng Vũ" vào năm 2012.
"Trước khi thằng Diệp đem món Pizza hủ tiếu về, doanh thu trung bình một ngày tầm 3-4 triệu, còn bây giờ doanh thu cả ngày có thể lên đến 7-8 triệu, có khi lên chục mười mấy", chú Sáu tiết lộ.
Món pizza hủ tiếu lừng danh.
Như bao nhà nghề trong vùng, lò hủ tiếu Sáu Hoài vốn dĩ chỉ tồn tại dựa trên nghề làm hủ tiếu truyền thống nhưng nhờ tinh thần cầu thị và sự sáng tạo vô hạn mà lò phát triển vượt bậc. Trong khi người miền Tây còn hạn chế "Tây hóa" ẩm thực truyền thống thì có lẽ chú Sáu cho rằng kết hợp vẫn là phương thức tốt nhất để bám và phát triển nghề đã nuôi sống gia đình hơn 40 năm.
Gia đình chú Sáu Hoài có bốn thành viên, 3 trong số đó gắn bó với lò, riêng con cả là anh Huỳnh Ngọc Diệp - người đã nghĩ ra món "Pizza hủ tiếu" hiện tại đang du học chuyên ngành du lịch ở Mỹ. Theo đánh giá từng nguyên liệu thì "Pizza hủ tiếu" lẽ ra sẽ chẳng đặc biệt nhiều nếu như nó không được làm từ chính sợi hủ tiếu lò nhà chú Sáu Hoài.
"Pizza hủ tiếu" giờ được hút chân không và đóng gói.
LÒ HỦ TIẾU HƠN 40 NĂM TUỔI CHO RA HƠN 300KG HỦ TIẾU MỖI NGÀY, NUÔI SỐNG GIA ĐÌNH 3 THẾ HỆ, 1 NGƯỜI CON DU HỌC MỸ
Nếu nói về hủ tiếu đặc biệt ở lò của chú Sáu thì đầu tiên phải nhắc rằng, hủ tiếu dai của người Việt hiện tại được sáng tạo dựa trên nguyên bản từ sợi hủ tiếu mềm của người Hoa đầu tiên được đưa đến Mỹ Tho vào thế kỷ 17. Và nếu như ở miền Bắc có món phở Hà Nội mang đậm bản sắc văn hóa Việt thì hủ tiếu cũng không khác, nó cũng được xem là một món ăn đơn cử tiêu biểu của người dân miền Tây.
Tráng bánh được xem là công đoạn cần nhiều kỹ thuật nhất.
Ngày trước nguyên liệu bột chính là thứ sáng giá nhất khi người ta so sánh sự khác biệt giữa hủ tiếu người Hoa và hủ tiếu của người miền Tây. Hủ tiếu người Hoa làm từ bột gạo còn người Việt sẽ làm hủ tiếu dai từ bột lọc, thế nhưng theo thời gian cộng hưởng ẩm thực vùng miền, nguyên liệu làm hủ tiếu không còn quan trọng nữa thay vào đó người ta sẽ dùng cái tên suy ra từ nguyên liệu làm sợi hủ tiếu để gọi như: hủ tiếu dai, hủ tiếu mềm, hủ tiếu tươi,... Ở chỗ chú Sáu cho ra lò là hủ tiếu dai, sợi được làm từ bột lọc.
Bánh hủ tiếu sau khi tráng chín sẽ được đem phơi.
Công đoạn cắt sợi có sự "vào cuộc" của máy móc tân tiến nên sợi hủ tiếu thành phẩm vừa đều vừa đẹp.
"Cái sợi hủ tiếu nó quan trọng nhất là công đoạn làm bột với tráng bánh. Làm bột thì mỗi nhà có một công thức khuấy bột riêng, nhưng sợi hủ tiếu phải ra màu trắng đục. Hạt gạo phải nõn. Mình làm thủ công để lấy cái tinh bột, tráng thì phải đều tay không để nổi bong bóng, sau đó đem ra phơi và cuối cùng là cắt hủ tiếu thành sợi", chú Sáu cho biết.
Trên bếp lửa là 3 lò nhôm với phần miệng có đường kính khoảng hơn trăm centimet được bọc kín bằng vải mùng, bên dưới vải là nước. Trước khi tráng bánh để làm hủ tiếu người ta sẽ để nước sôi, hơi nước bốc lên phía trên tấm vải mùng và làm chín lớp bột đã tráng sẵn trên mặt vải. Canh cho đến khi lớp bột này chín rồi người ta dùng một cái chày sau đó để chày nương theo mặt bánh mà lấy bánh lên và phơi theo rạp. Tất cả những công đoạn ấy cứ diễn ra từ sáng đến chiều tối. Cứ thế mà lò của chú Sáu cho ra đời khoảng 350kg hủ tiếu mỗi ngày.
Sợi sau khi cắt sẽ được đem phơi và tiến hành đóng gói, hút chân không.
"Một ngày bình quân lò chú bán ra khoảng 350kg hủ tiếu, giá thì hủ tiếu tươi 40.000đ/kg, hủ tiếu khô 40 đến 50.000đ/kg (đã hút chân không), hủ tiếu pizza 50.000đ/kg. Ở đây thì có hủ tiếu đủ màu từ màu cam của gấc, màu tím hoa đậu biếc, màu lá dứa, màu củ dền, thanh long... Từ khi thử màu này màu kia chú thấy khách cũng khá ưng bụng, khách mua về làm quà biếu đi xa nên chú cũng hỗ trợ hút chân không cho khách, nó cũng giúp làm cái sản phẩm của mình có giá trị hơn", chú Sáu tâm sự.
Nhờ việc kết hợp làm du lịch, "cách tân" lại lò hủ tiếu theo nhiều phương diện, cho khách đến và trải nghiệm trực tiếp nghề truyền thống của gia đình mà chú Sáu Hoài vừa có thể giữ nghề vừa có thể giúp rất nhiều học sinh, sinh viên trong vùng được làm việc trong một môi trường du lịch miệt vườn lý tưởng.
Con trai chú Sáu hiện tại đang là du học sinh chuyên ngành Du lịch ở Mỹ. Ngẫm lại có lẽ sẽ rất dễ thấy nếu thời điểm nào đó gia đình chú Sáu muốn phát triển lò hủ tiếu truyền thống này thì chuyện không còn nằm ở thời thế nữa mà nằm ở tầm nhìn và sự sáng tạo. Đơn cử như món "Pizza hủ tiếu" tại lò này giờ đã có hàng đóng gói, hút chân không, bên trên có in sẵn thông tin thương hiệu về lò hủ tiếu gia truyền! Theo lời chú Sáu kể, anh Diệp là người có tác động lớn nhất đến cơ ngơi du lịch của gia đình. Cụ thể năm 2013, được đà phát triển dựa trên mô hình anh Diệp vạch ra, chú Sáu đã đầu tư thêm về mảng homestay, vườn sinh thái, kết hợp với trải nghiệm làm hủ tiếu, thưởng thức tại chỗ món "Pizza hủ tiếu" thần thánh, thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước.
Lò hủ tiếu của chú Sáu Hoài cho khách trải nghiệm làm hủ tiếu trực tiếp.
Pháp luật và bạn đọc