MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PMI tháng 8 vượt 50 điểm tháng thứ 9 liên tiếp

Các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục cải thiện trong tháng 8 và được hỗ trợ bằng mức tăng nhanh hơn của việc làm và tồn kho hàng mua.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng Purchasing Managers’ Index (PMI) toàn phần của ngành sản xuất Việt Nam – một chỉ số tổng hợp đo lường kết quả hoạt động của ngành sản xuất đã tăng từ 51,9 điểm trong tháng 7 lên 52,2 điểm trong tháng 8 cho thấy các điều kiện hoạt động cải thiện nhẹ và chỉ cao hơn một chút so với tháng trước.

Sức khỏe của lĩnh vực sản xuất đã tăng trong suốt chín tháng qua. Các điều kiện kinh doanh được cải thiện ở mức độ mạnh hơn mặc dù cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng đều tăng yếu hơn.

Sản lượng của các nhà sản xuất hàng hóa đầu tư cơ bản tăng, nhưng sản lượng trong lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa trung gian lại giảm.

Các nhà sản xuất Việt Nam đã tăng nhanh số lượng nhân công trong tháng 8, và lần tăng này là lần tăng nhanh nhất kể từ tháng 12/2013.

Tình trạng tăng mua hàng góp phần làm tăng tồn kho hàng mua khi có các báo cáo tăng hàng dự trữ.

Trên thực tế, tốc độ tăng là ở mức kỷ lục của lịch sử khảo sát, tương đương với tốc độ tăng trong tháng 5/2015.

Tốc độ tăng chi phí đầu vào vẫn mạnh khi có các báo cáo tăng chi phí nguyên vật liệu.

Trong khi đó, các nhà sản xuất tiếp tục giảm nhẹ giá cả đầu ra trong tháng 8, là tháng giảm thứ ba liên tiếp.

Ở những nơi giá cả giảm, các thành viên nhóm khảo sát cho biết đã phải chiết khấu giá bán để bảo đảm có đơn đặt hàng mới.

Giá cả đầu ra đã giảm trong lĩnh vực hàng hóa trung gian, nhưng lại tăng trong lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa đầu tư cơ bản.

Cuối cùng, tồn kho hàng thành phẩm tiếp tục giảm trong tháng 8, từ đó kéo dài thời kỳ giảm hiện nay thành tám tháng.

“Dữ liệu PMI của Việt Nam kỳ mới nhất lại có vẻ như không cùng chiều. Dữ liệu nói chung là tích cực, với tốc độ tăng việc làm và tồn kho hàng mua đặc biệt mạnh. Mặt khác, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới lại tăng với tốc độ yếu hơn, và điều này cho thấy nhu cầu khách hàng đã có những dấu hiệu yếu đi. Nhân tố góp phần dẫn đến tình trạng này là các công ty thường giảm giá cho khách hàng để bảo đảm có công việc mới”, ông Andrew Harker, chuyên gia tại IHS Markit, bình luận.

IHS Markit hiện đang dự báo GDP Việt Nam tăng tưởng 5,85% trong năm 2016.

Theo Thảo Mai

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên