MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PTT Vương Đình Huệ: Sau 31/12 sẽ “bêu tên” doanh nghiệp không niêm yết dù đã đủ điều kiện

07-12-2016 - 13:21 PM | Doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng không thực hiện báo cáo thông tin theo quy định tại Nghị định 87, không niêm yết dù đã đủ điều kiện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết cần công khai những doanh nghiệp này trước công luận trước khi có chế tài xử lý.

Bộ Tài chính kiến nghị cho DNNN thoái vốn ở ngân hàng

Tại hội nghị triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DNNN diễn ra chiều 6/12, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết hiện nay việc thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN khi đầu tư vào ngân hàng, tổ chức tài chính đang khó khăn, trong đó chủ yếu tồn đọng ở lĩnh vực ngân hàng, các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán về cơ bản đã thoái xong vốn.

Đây cũng là một trong 5 lĩnh vực chậm thoái vốn.

Ông Hiếu kiến nghị Chính phủ “không thể để tình trạng vốn Nhà nước cứ treo mãi ở Ngân hàng, với vài chục nghìn tỷ đồng mà nên đề cho các Tập đoàn, Tổng công ty thoái vốn tại lĩnh vực này”.

Theo ông Hiếu, trước đây Chính phủ có chỉ đạo tạm dừng thoái vốn ở lĩnh vực này và chờ Ngân hàng Nhà nước có thể mua lại. “Nhưng tôi cho rằng nên để họ chủ động thoái vốn và làm đúng theo Luật tín dụng. Trường hợp đặc biệt, Chính phủ có thể chuyển về SCIC quản lý và chỉ đạo sau”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Về cổ phần hóa, thoái vốn ở EVN, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu cho rằng EVN là cơ quan đặc thù, đầu tư vào xây dựng hệ thống điện lớn nên có số công nợ trên vốn chủ sở hữu cao. Đây là trường hợp cá biệt, sẽ từng bước có cơ chế để tháo gỡ.

Về vấn đề nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong mời tư vấn nước ngoài khi định mức tư vấn vượt, ông Hiếu cho rằng các doanh nghiệp làm báo cáo gửi cơ quan cổ phần hóa để quyết định, không có vướng mắc nào không được giải quyết.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết trong 5 năm qua nhiều chính sách, nghị định về cổ phần hóa đã được điều chỉnh, sửa đổi kịp thời. Cụ thể đã sửa đổi, điều chỉnh 3 nghị định trong 5 năm: Nghị định 59 (năm 2011) Nghị định 189 sửa một số vướng mắc (năm 2013), sửa một số vướng mắc trong Nghị định 116 (năm 2015). Bên cạnh đó có nhiều thông tư của Bộ tài chính, các Bộ chuyên ngành cũng được đưa ra nhằm phục vụ công tác cổ phần hóa.

“Nhưng cũng phải khẳng định rằng không bao giờ lý tưởng hóa hệ thống chính sách đáp ứng đầy đủ, muôn màu của các ngành, nghề. Tuy vậy, chúng tôi sẽ thường xuyên lắng nghe các ý kiến và trả lời theo thẩm quyền”, Thứ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ.

Hiện nay Bộ Tài chính đã soạn thảo xong một số nghị định quan trọng phục cổ phần hóa trong đó có các vấn đề giá trị quyền sử dụng đất, nhà đầu tư chiến lược, đấu giá, tư vấn và vấn đề xác định tài sản.


Thủ tướng chủ trì hội nghị triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DNNN

Thủ tướng chủ trì hội nghị triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DNNN

Doanh nghiệp phớt lờ việc công bố thông tin, không niêm yết

Theo Thứ trưởng Trần Văn Hiếu, Chính phủ kiến nghị ai làm không được thì thay nhưng điều này cũng mất thời gian bởi thay người đòi hỏi quy trình.

Hiện định giá đang là khâu yếu, ông Hiếu kiến nghị các DNNN nên đấu giá công khai trên thị trường là chuẩn xác nhất. Bởi có doanh nghiệp ban đầu định giá là 1.0 nhưng đấu giá lên 4.0 thậm chí lên 10.0

Thứ trưởng Bộ Tài chính đề xuất trong nghị định về cổ phần hóa nêu rõ yêu cầu đấu giá minh bạch, sau đấu giá sẽ đưa lên sàn nhưng việc này thực hiện chưa nghiêm cần ghi rõ thời hạn cụ thể sau IPO phải đưa lên sàn ngay.

Ông Hiếu cũng kiến nghị đưa hết các DNNN về SCIC quản lý, trừ các doanh nghiệp trực thuốc Quốc phòng, công ích.

Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp không thực hiện Nghị định 87, không có báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh, không công khai tình hình tài chính doanh nghiệp, không báo cáo về tiến độ sau khi cổ phần hóa.

Ông Hiếu đề nghị Chính phủ phải có chế tài riêng đối với những doanh nghiệp không thực hiện báo cáo, đặc biệt là báo cáo với Thủ tướng về tiến độ cổ phần hóa, cần có chế tài nghiêm với vấn đề này.

Trả lời kiến nghị của Thứ trưởng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng doanh nghiệp nào vi phạm Nghị định 87 không công bố thông tin, đề nghị công khai xử lý.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến hết 31/12 doanh nghiệp nào đủ điều kiện mà không niêm yết, không công bố thông tin như quy định tại Nghị định 87 sẽ bị công khai nêu tên trước dư luận đồng thời sẽ có chế tài xử lý cụ thể đối với những doanh nghiệp này.

Theo Hải Minh

Người đồng hành

Trở lên trên