MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PwC Việt Nam giải thích việc GDP Việt Nam lớn thứ 20 thế giới năm 2050, vượt Canada, Italia

Trả lời chúng tôi, một lãnh đạo cấp cao của PricewaterhouseCoopers Việt Nam nói: “Không nên nhầm lẫn vị trí này với sức mạnh của nền kinh tế hay sự tăng trưởng, phát triển đất nước. Bởi kể cả tăng về sức mua thì GDP danh nghĩa của Việt Nam vẫn thấp hơn rất nhiều lần so với các nước phát triển”.

Công ty PricewaterhouseCoopers (PwC), đơn vị đưa ra báo cáo “The long view how will the global economic order change by 2050” (tạm dịch: Trật tự thế giới toàn cầu sẽ thay đổi ra sao đến năm 2050) cho biết đây là một khía cạnh phân tích khác, dự báo xu hướng, sự dịch chuyển toàn cầu.

Chuyên gia của PwC nhấn mạnh cơ sở phân tích trong báo cáo đưa ra ngày 7/2 được đưa ra dựa trên GDP theo ngang giá sức mua (PPP), tức là sức mua, sức hấp thụ thị trường chứ không phải là GDP danh nghĩa hay GDP đầu người. Nó thể hiện một cái nhìn khác của công ty này.

Theo đó, báo cáo này nhằm bao quát xu hướng của tương lai với sự chuyển dịch các nền kinh tế phát triển sang các nền kinh tế mới nổi.

“Chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự chuyển dịch quyền lực kinh tế từ các nước đã phát triển sang các nền kinh tế mới nổi tại châu Á và các khu vực khác. Nhóm E7 có thể chiếm gần 50% GDP toàn cầu vào năm 2050, trong khi tỷ trọng của các nước G7 sẽ giảm xuống chỉ còn hơn 20%”, báo cáo ngày hôm qua (7/2) của PwC nêu.

Giải thích rõ hơn về điều này, phía PwC cho biết đây là “vấn đề dân số” – điều sẽ tạo động lực kinh tế, thị trường và nguồn lực lớn trong tương lai. Sức mua sẽ bị ảnh hưởng bởi điều này, và nó sẽ tạo thành sức mạnh kinh tế, tạo vị thế ảnh hưởng trong bản đồ kinh tế thế giới. Đây là những điều quan trọng đối với các nhà kinh tế và các nhà sản xuất.

“Có thể nhận ra hầu hết các nước nằm trong top cao trong báo cáo như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam,… đều là các nước có dân số đông, tăng nhanh, trong khi đấy những nước phát triển như Anh, Canada, Italia,… không tăng, thậm chí là giảm. Mục đích của báo cáo này là cho các doanh nghiệp nhìn thấy được tương lai của sức mua sẽ dịch chuyển như thế nào”, một lãnh đạo cấp cao của PwC Việt Nam nhấn mạnh.

Do đó, đối với tranh cãi liên quan đến vị thứ của Việt Nam trong báo cáo có thể vượt Canada hay Italia vào năm 2050, phía PwC cho rằng không nên “nhìn hẹp”. Điều đó chỉ chứng tỏ khu vực châu Á với dân số cao, tương lai có thể “phủ” gần hết cả thế giới có sức mua lớn, là thị trường tiềm năng.

“Không nên nhầm lẫn vị thứ này với sức mạnh của nền kinh tế hay sự tăng trưởng, phát triển đất nước. Bởi kể cả tăng về sức mua thì GDP danh nghĩa của Việt Nam vẫn thấp hơn rất nhiều lần so với các nước phát triển”, phía PwC cho hay.

Trước đó, ngày 7/2, báo cáo của PwC đã đưa ra dự báo đầy đến năm 2050, tính theo GDP (PPP - ngang giá sức mua) Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới, vượt Thái Lan, Malaysia; vượt các cường quốc Canada, Úc (Australia), Italy, Tây Ban Nha và Hà Lan; chỉ kém Hàn Quốc đúng 2 bậc.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên