Quy hoạch điện VIII: Trông chờ năng lượng tái tạo
Chiều 28/8, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo lần 1 quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Đây là lần đầu tiên Việt Nam lập quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia.
- 26-07-2020Tích năng cho các dự án điện tái tạo hay cần lưới điện thông minh?
- 14-07-2020Năng lượng tái tạo: Quy hoạch điện cũ và thiếu tính thực tiễn
- 13-05-2020Khách hàng được mua điện tái tạo trực tiếp?
Thiếu cơ chế thu hút đầu tư
Theo báo cáo của Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), những năm tới, xu thế phát triển năng lượng thế giới sẽ tập trung vào việc thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch năng lượng, thực thi các chính sách mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu và tăng cường an ninh năng lượng. Cùng với việc tăng trưởng sử dụng điện ngày càng cao, Việt Nam sẽ chuyển sang nhập khẩu ròng năng lượng.
Về những thách thức liên quan hoạt động của ngành dầu khí, ông Nguyễn Anh Đức, Viện Dầu khí Việt Nam, cho hay, hiện nay, thực hiện mục tiêu quy hoạch ngành dầu khí đến năm 2020, phần lớn chỉ tiêu đã đạt và vượt. Tuy nhiên, ở ngành công nghiệp khí còn nhiều điểm chưa đạt như: sản xuất khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) mới đạt gần 50%; lĩnh vực chế biến, tồn trữ và phân phối hiện mới chỉ đáp ứng nhu cầu sản phẩm hóa dầu gần 25%.
Theo ông Đức, trong bối cảnh các mỏ dầu khí đang bước sang giai đoạn suy giảm sản lượng, nhiều mỏ khai thác phức tạp, một số dự án chế biến dầu khí quy hoạch đơn lẻ, quy mô nhỏ, cạnh tranh toàn cầu thấp..., việc triển khai Quy hoạch cần bám sát quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị. Ngoài ra, các tiêu chí dự án ưu tiên, với phân ngành dầu khí cũng có những đặc thù riêng…, do đó cần có những cơ chế, tính toán riêng. Ngoài ra, các bộ, ban, ngành cần hoàn thiện hành lang pháp lý phân ngành dầu khí để tháo gỡ chồng chéo trong các văn bản pháp luật, trình tự, thủ tục đầu tư rõ ràng hơn và xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào vùng nước sâu, xa bờ...
Từ thực tế 5 năm qua, các tập đoàn năng lượng đều không khởi công được dự án nào, ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Hội Năng lượng Mỏ Việt Nam, cho rằng, cần sự liên kết các phân ngành năng lượng, gắn với trách nhiệm của Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp. Theo ông Hòa, một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp không dám đầu tư xuất phát từ việc chưa có cơ chế thị trường, khi nhiều ngành năng lượng giá vẫn do Bộ Tài chính phê duyệt.
Thách thức nhập khẩu năng lượng
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn (Viện Năng lượng) cho rằng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, nhưng nhiều số dự án điện sử dụng năng lượng sơ cấp như than, khí tự nhiên… chậm tiến độ vài năm đã và đang ảnh hưởng rất lớn tới cung-cầu và an ninh cung cấp điện. Để giải bài toán thiếu điện cận kề trong các năm tới, Quy hoạch điện VIII cần đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo. Theo ông Tuấn, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng cho nguồn năng lượng này. Tiềm năng điện gió trên bờ vào khoảng 217GW, tập trung chủ yếu ở vùng Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ. Tiềm năng điện gió biển vào khoảng 160GW rải rác ở các tỉnh ven biển Bắc - Trung - Nam, tiềm năng điện mặt trời cũng được đánh giá khả quan, tập trung ở Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Nam bộ.
Việt Nam đang trở thành nước nhập khẩu năng lượng, ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nói tại hội thảo. Theo ông Tài Anh, việc đảm bảo an ninh năng lượng không chỉ là quan tâm về hạ tầng nhập khẩu mà còn phải giải được bài toán liên quan tiêu chí giá năng lượng và nền kinh tế phải chịu đựng được.
Tại hội nghị, các chuyên gia đề xuất một kịch bản phát triển đa dạng hóa các nguồn năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong đó, đẩy mạnh năng lượng tái tạo, đặc biệt ở khu vực miền Trung và Nam bộ. LNG và nhiệt điện than sẽ duy trì ở mức hợp lý, nhưng cần được đổi mới công nghệ để đạt hiệu suất cao, giảm phát thải. Ngoài ra, ngành điện cũng cần xem xét nhập khẩu và liên kết lưới điện với các nước láng giềng nhằm đáp ứng linh hoạt nhu cầu năng lượng trong nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nói. “Theo đánh giá 20 năm tới, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sẽ phải nhập khẩu năng lượng, đặt ra vấn đề nguồn ở đâu và giá nào để thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết 55 là đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng, có giá hợp lý”. Theo ông An, nội dung Quy hoạch tổng thể về năng lượng sẽ bám sát nội dung tại Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị. Dự kiến, đến tháng 10, tháng 11, Bộ sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng nội dung toàn thể chiến lược quy hoạch.
Thiếu điện gia tăng ở miền Nam Tại Hội thảo “Phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo nối lưới và Điện mặt trời mái nhà” do Bộ Công Thương tổ chức hồi tháng 7, báo cáo của đại diện EVN nhận định, trong giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam sẽ đối mặt khả năng thiếu điện ngày càng tăng cao tại các tỉnh phía Nam. Mức thiếu hụt điện năng ở phía Nam sẽ tăng từ 3,7 tỷ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỷ kWh (năm 2022) và khoảng 12 tỷ kWh (2023). Theo thống kê của Bộ Công Thương, những năm qua và giai đoạn sau 2020 đến 2030, nhu cầu tiêu thụ năng lượng điện tăng trưởng cao (từ 7,5-8%/năm), gây nhiều khó khăn, thách thức cho hệ thống điện, đặc biệt là trong bối cảnh đã khai thác hết các nguồn năng lượng sơ cấp như thủy điện. Thách thức lớn với ngành năng lượng Việt Nam thời gian tới là nguồn nhiên liệu than, khí đang gặp khó khăn, phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, nhiều dự án nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VII chậm tiến độ. Hiện nay, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam đạt khoảng 55.000 MW. Nếu tính cả các nguồn dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2020 khoảng 4.300 MW, bao gồm cả nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) thì công suất mới đạt gần 60.000 MW. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đến năm 2025, công suất nguồn điện của hệ thống phải đạt 90.000 MW. Như vậy, trong giai đoạn 2021-2025, mỗi năm Việt Nam cần bổ sung 5.000 MW các loại.
Tiền phong