MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy tắc đơn giản nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị đã giúp Warren Buffett hưởng lợi từ khủng hoảng tài chính

15-09-2018 - 21:34 PM | Tài chính quốc tế

Chỉ trong ngày 29/9/2008, 1.200 tỷ USD giá trị vốn hóa bị thổi bay khỏi TTCK Mỹ. Dow Jones giảm 778 điểm, tương đương gần 7%. Trong khi mọi người bán tống bán tháo cổ phiếu, Buffett có cái nhìn hoàn toàn khác biệt.

Mùa thu 2008, thị trường tài chính toàn cầu lao dốc không phanh. Lehman Brothers, ngân hàng đầu tư vững mạnh với 600 tỷ USD tài sản, nộp đơn xin phá sản vào ngày 15/9 năm đó, trở thành sự kiện đáng nhớ nhất của thời kỳ suy thoái kinh tế đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp của nước Mỹ lên tới 10%.

2 tuần sau, chỉ trong ngày 29/9, 1.200 tỷ USD giá trị vốn hóa bị thổi bay khỏi TTCK Mỹ. Dow Jones giảm 778 điểm, tương đương gần 7%.

"Bất chợt bạn cảm thấy thế giới tan vỡ", 1 nhân viên giao dịch chứng khoán có tên Ryan Larson trả lời phỏng vấn New York Times ở thời điểm đó. "Mọi người bắt đầu bán và bán. Không quan tâm bạn có gì, cứ bán ra mà thôi".

Nhưng có 1 nhà đầu tư vĩ đại có suy nghĩ hoàn toàn khác biệt: CEO của Berkshire Hathaway – Warren Buffett.

Thực ra thì Buffett đã mua vào.

"Tôi đã và vẫn đang mua vào cổ phiếu Mỹ", Buffett viết trong bài bình luận đăng trên tờ New York Times ngày 16/10/2008. Berkshire Hathaway cũng đã thực hiện những khoản đặt cược lớn trong suốt thời kỳ khủng hoảng, ví dụ như vào General Electric và Goldman Sachs.

Tất nhiên Buffett hiểu rõ sự trầm trọng của khủng hoảng: năm đó ông nói với CNBC rằng sự kiện này giống như "một trận Trân Châu Cảng về kinh tế". Vậy thì tại sao ông lại mua vào trong khi giá cổ phiếu rơi thẳng đứng và tất cả mọi người đổ xô chuyển đổi sang tiền mặt để giấu dưới gối?

"Tôi mua vào vì 1 nguyên tắc đơn giản: Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi", Buffett viết.

Theo quan điểm của ông, những giá trị dài hạn của các doanh nghiệp Mỹ vốn luôn sáng tạo không ngừng sẽ tiếp tục tăng trưởng bất chấp những nỗi đau ngắn hạn mà khủng hoảng mang lại. Buffett cảnh báo đừng đầu tư vào "những tổ chức có mức độ đòn bẩy quá cao hay các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh yếu ớt" nhưng cũng khuyên nhà đầu tư nên coi khủng hoảng là cơ hội để mua vào cổ phiếu của các công ty mạnh ở mức giá thấp.

"Nói ngắn gọn hơn, tin xấu là người bạn tốt nhất của nhà đầu tư. Nó cho phép bạn mua 1 phần nhỏ tương lai nước Mỹ với mức giá rẻ", Buffett giải thích trong bài báo đăng trên tờ New York Times. "Những nỗi lo về sự thịnh vượng của nước Mỹ trong dài hạn là thừa thãi khi mà chúng ta có nhiều công ty tốt. Thực tế là các công ty này sẽ có chút thăng trầm về lợi nhuận nhưng đó là điều bình thường, và phần lớn các công ty lớn sẽ có lợi nhuận cao kỷ lục trong 5,10 và 20 năm tới tính từ thời điểm bay giờ".

Dự đoán của Buffett đã trở thành hiện thực: đến nay là 10 năm sau khi Lehman Brothers sụp đổ, S&P 500 đã tăng 130%. Các công ty như Apple và Amazon liên tiếp lập kỷ lục và vừa chạm mốc giá trị vốn hóa nghìn tỷ USD.

Nếu bạn đầu tư 1.000 USD vào cổ phiếu Apple từ đầu tháng 8/2008, tính đến ngày 2/8 năm nay, bạn có trong tay hơn 9.222,50 USD – tức số tiền tăng gấp hơn 9 lần sau khi đã tính lạm phát và trừ cổ tức, theo tính toán của CNBC.

Chiến lược của Buffett cũng không phải là hoàn hảo – ông thừa nhận tháng 10 kêu gọi mua vào là chưa chính xác về mặt thời điểm vì thị trường còn tiếp tục giảm trong năm 2009. "Về dài hạn thì đúng nhưng thời điểm bị lệch ít nhất 4-5 tháng", Buffett nói với CNBC.

Tất nhiên, bản năng của con người luôn thôi thúc nhà đầu tư mua vào khi thị trường tăng giá. Trong buổi phỏng vấn cho bộ phim tài liệu về khủng hoảng tài chính của kênh CNBC hôm 10/9, Buffett chia sẻ: "Mọi người bắt đầu cảm thấy thích thú với thứ gì đó bởi vì nó đang tăng giá, chứ không phải vì họ hiểu nó hay vì lý do nào khác. Gã hàng xóm kế bên – người mà họ nghĩ là kém thông minh hơn mình – đang trở nên giàu có còn họ thì không".

Nhưng thay vì hành động dựa trên yếu tố cảm xúc, lời khuyên của Buffett là hãy đi theo những quy tắc đơn giản. "Mặc dù thị trường thường lý trí, đôi lúc cũng có những diễn biến điên rồ. Bạn không cần phải có trí tuệ hơn người, 1 tấm bằng kinh tế hay phải hiểu rõ những khái niệm phức tạp của phố Wall để có thể nắm bắt cơ hội. Thay vào đó cần có khả năng gạt bỏ những nỗi sợ hãi hay trạng thái hưng phấn quá mức mang tính bầy đàn, thay vào đó hãy tập trung vào một số yếu tố cơ bản".

An Phát

CNBC

Trở lên trên