MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Rao bán phần mềm đọc trộm tin nhắn, nghe lén điện thoại là hành vi lừa đảo"

12-10-2023 - 14:57 PM | Kinh tế số

Theo chuyên gia công nghệ Đỗ Đức Nam, giám đốc công ty Pisa Solution, không thể có phần mềm nào đủ khả năng nghe lén điện thoại, đọc trộm tin nhắn của người khác. Hành vi rao bán các phần mềm này thực chất là lừa đảo.

Mới đây, Công an tỉnh Hải Dương đã phát đi thông báo tìm bị hại trong vụ lừa bán phần mềm quảng cáo có chức năng định vị, giám sát, đọc trộm tin nhắn. Theo đó, lực lượng chức năng xác định: Các đối tượng quảng cáo trên mạng xã hội về “Công ty phần mềm định vị WPTT” và “Công ty phần mềm công nghệ cao JPS”, rao bán các phần mềm có khả năng định vị, đọc trộm tin nhắn, nghe lén điện thoại.

Khi có người mua, nhóm đối tượng hướng dẫn khách hàng truy cập vào các trang trackinggiamsat.com và dinhvitoanquoc24.top đồng thời yêu cầu khách nộp tiền vào tài khoản do nhóm đối tượng cung cấp. Sau khi nhận được tiền, nhóm này sẽ chặn liên lạc với khách.

Trước đó vào tháng 6/2022, Công an TP Hà Nội và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã phá vụ án tương tự, bắt giữ đối tượng Phùng Việt Hùng (SN 1991, Thanh Oai, Hà Nội). Hùng đăng quảng cáo trên facebook về việc cung cấp gói dịch vụ nghe lén, đọc trộm tin nhắn với giá chỉ 1,2 triệu đồng. Sau khi khách hàng chuyển tiền 30 phút thì “công ty” sẽ cài đặt phần mềm cho khách.

"Rao bán phần mềm đọc trộm tin nhắn, nghe lén điện thoại là hành vi lừa đảo" - Ảnh 1.

Đối tượng Phùng Việt Hùng bị bắt vì lừa bán phần mềm nghe lén, đọc trộm tin nhắn.

Tuy nhiên, khi các bị hại chuyển tiền thì Hùng lập tức chặn số liên lạc. Với thủ đoạn này, Hùng đã chiếm đoạt của nhiều bị hại với số tiền lên đến 2 tỷ đồng.

Trao đổi với VOV.VN về vấn đề này, chuyên gia công nghệ Đỗ Đức Nam, giám đốc công ty Pisa Solution, nhà sáng lập ứng dụng Phiên GiGi nhận định: Tất cả các quảng cáo về việc bán phần mềm định vị, đọc trộm tin nhắn hay nghe lén cuộc gọi đều là lừa đảo.

"Đối với góc độ công nghệ, các điện thoại, máy tính hiện nay đều có chế độ phân chia ra các Sandbox. Cụ thể, Sandbox là kỹ thuật bảo mật có tác dụng cô lập các ứng dụng, ngăn chặn các phần mềm độc hại để chúng không thể làm hỏng hệ thống, hay cài các mã độc nhằm ăn cắp thông tin cá nhân. Đối với thiết bị của người khác mà người ta chưa cho phép thì mình không thể làm gì được. Như vậy, ngay cả khi mua được phần mềm thì cũng không có cách nào can thiệp để nghe lén điện thoại, đọc trộm tin nhắn của người khác. Theo tôi, đây là chiêu lừa đảo của các đối tượng". - Chuyên gia công nghệ Đỗ Đức Nam cho biết.

Anh Đỗ Đức Nam cho rằng, có những trường hợp ứng dụng nghe nội dung cuộc gọi có thể được cài vào máy điện thoại, nhưng đó là trường hợp chủ nhân của chiếc máy chủ động làm việc đó. Chẳng hạn như trường hợp để quản lý nhân viên bán hàng, người điều hành có thể cài phần mềm nghe cuộc gọi vào điện thoại và đưa cho nhân viên sử dụng, để nắm được nội dung cuộc gọi với khách hàng nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhân viên bán hàng làm việc tốt hơn.

"Rao bán phần mềm đọc trộm tin nhắn, nghe lén điện thoại là hành vi lừa đảo" - Ảnh 2.

Anh Đỗ Đức Nam, giám đốc công ty Pisa Solution, nhà sáng lập ứng dụng Phiên GiGi.

"Cũng có trường hợp các đối tượng lừa nạn nhân click vào một số link, đó là trường hợp giả mạo trang web để lừa đảo. Chẳng hạn như giả mạo trang web của ngân hàng, viễn thông để khiến nạn nhân tự cung cấp thông tin cá nhân của mình cho trang web giả mạo đó. Khi nạn nhân làm theo hướng dẫn của các đối tượng thì thông tin cá nhân sẽ bị lộ. Do đó, người dùng internet cần cảnh giác và lưu ý trên không gian mạng". - Chuyên gia công nghệ Đỗ Đức Nam cho biết.

Cũng theo giám đốc công ty Pisa Solution, hiện nay lừa đảo qua mạng là hiện tượng không hiếm gặp, bất kì người dùng internet nào cũng có thể trở thành nạn nhân. Do đó, điều quan trọng là chúng ta cần tự trang bị các kiến thức về công nghệ thông tin và kỹ năng phát hiện dấu hiệu lừa đảo để tránh trở thành nạn nhân.

Theo Trọng Phú

VOV

Trở lên trên