Rau hữu cơ: Bán đắt liệu có “xắt ra miếng”?
Có một thực tế đáng buồn cho ngành sản xuất hữu cơ ở Việt Nam, các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ “xịn” của châu Âu thì đều xuất khẩu. Thị trường trong nước với 90 triệu dân Việt Nam lại bị bỏ ngỏ. Các cửa hàng tự treo biển “sản phẩm hữu cơ” nhan nhản trên phố với giá bán cao gấp 3-4 lần sản phẩm thường thì chưa có cơ quan chứng nhận đủ uy tín. Thiếu niềm tin, người tiêu dùng Việt “rối bời” trước các thông tin sản phẩm hữu cơ thật giả lẫn lộn.
- 27-09-2018Thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình rau an toàn
- 24-09-2018Rau quả lọt top hàng xuất khẩu chủ lực
- 21-09-2018Việt Nam chi hơn 2.300 tỉ đồng mua rau quả từ Thái Lan trong tháng 8
Sản phẩm hữu cơ “tự xưng” không ai chứng nhận
TS Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - cho rằng đến nay người tiêu dùng trong nước chưa biết nhiều và hiểu nhiều về nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm hữu cơ, do vậy chưa tồn tại, hình thành thị trường tiêu thụ tại chỗ và chưa khuyến khích các nhà sản xuất chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp hữu cơ.
Nói về khó khăn lớn nhất là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hữu cơ gặp phải hiện nay, TS Hà Phúc Mịch cho biết: “Hiện nay, ở Việt Nam mặc dù có chính sách, tiêu chuẩn cho sản phẩm hữu cơ nhưng không có đơn vị chứng nhận tiêu chuẩn của Việt Nam”.
Thiếu cơ quan chứng nhận hữu cơ có uy tín, người tiêu dùng chưa có niềm tin.
Đáng chú ý, theo TS Hà Phúc Mịch, các doanh nghiệp lấy được chứng nhận của tổ chức nước ngoài như: Nhật, Châu Âu, Mỹ thì sản phẩm đều xuất khẩu. Thị trường trong nước với 90 triệu dân hoàn toàn bị bỏ ngỏ, trong khi đó, nhu cầu sử dụng các sản phẩm hữu cơ an toàn tại TPHCM và Hà Nội rất lớn.
“Nếu chỉ nghĩ sản xuất sản phẩm hữu cơ để xuất khẩu là sai lệch vì sản phẩm hữu cơ là sản phẩm an toàn cho sức khoẻ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói sản xuất nông nghiệp hữu cơ là cho hơn 90 triệu dân chứ không chỉ cho người giàu và xuất khẩu. Vấn đề cốt lõi là khi có tiêu chuẩn và chính sách thì cần minh bạch, rõ ràng từ khâu sản xuất, tổ chức chứng nhận đến người tiêu dùng” - TS Hà Phúc Mịch nói.
“Trong giai đoạn chưa có chính sách rõ ràng, một số doanh nghiệp tự xưng “sản phẩm hữu cơ”, nhãn mác cửa hàng, gói hàng. Ai cũng nhận mình hữu cơ nhưng chứng nhận của ai? Tổ chức nào đáng tin cậy không thì không có căn cứ, điều đó khiến người tiêu dùng nghi ngại” - TS Hà Phúc Mịch nói.
Theo các chuyên gia, sản xuất hữu cơ và sản phẩm hữu cơ là chứng nhận theo chuỗi cả quá trình. Giám sát từ lúc canh tác nông nghiệp hữu cơ, từ hạt mầm đến lúc thu hoạch bao gói đến người tiêu dùng. Chứng nhận sản phẩm hữu cơ là chứng nhận cả một quá trình, việc test mẫu sắc xuất thì không đủ lòng tin cho người tiêu dùng.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển bền vững thì sản xuất hữu cơ và sản xuất sạch là hướng đi đúng cho nông nghiệp Việt Nam. Mặc dù đã có nhiều chính sách để phát triển nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch nhưng vẫn còn khoảng trống từ chính sách đến thực tiễn. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Liên minh nông nghiệp - “Khi tôi đọc các nghị định, có nhiều điểm chưa sát thực tế, có thời gian chuyển đổi, muốn chuyển người nông dân từ sản xuất hoá học sang sản xuất hữu cơ là cả một vấn đề do họ có thói quen sử dụng hoá chất rất lâu. Giờ chuyển sang thì có bán được không? Đào tạo người nông dân trồng rau hữu cơ như thế nào?”.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS-TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - cho rằng khi có thị trường, sẽ có thu nhập từ người nông dân và nhà phân phối. Nhưng thị trường đang gặp vấn đề là thông tin chưa minh bạch, người tiêu dùng là người chi tiền cuối cùng thì chưa có niềm tin của sản phẩm nào là sạch và không sạch. Trong khi đó thì sản phẩm hữu cơ có giá cao hơn. Kết quả là người tiêu dùng vẫn mua sản phẩm cũ, như vậy sản phẩm cũ vẫn có đất tồn tại. Vấn đề ở đây là tổ chức thị trường, để làm sao người tiêu dùng cho thông tin, niềm tin và sẵn sàng chi trả. Có như vậy thu nhập sẽ đến cho những người sản xuất chân chính và có sự dịch chuyển.
Một mô hình trồng rau hữu cơ trong nhà kính. Ảnh: P.V
“Giá thực phẩm hữu cơ cao gấp 3-4 lần là không có cơ sở”?
Hiện nay giá bán sản phẩm hữu cơ gắn mác rau hữu cơ, rau organic tại các cửa hàng, siêu thị đều đắt hơn rau thường. TS Hà Phúc Mịch cho biết: “Theo nghiên cứu của tổ chức quốc tế, giá bán cao 3-4 lần là không có cơ sở. Nếu làm đúng quy trình thì giá cả sẽ không cao như vậy. Giá cao như vậy khó chấp nhận. Tại một số nước trên thế giới, giá nông nghiệp hữu cơ cao 15-30%. Theo kết luận của Viện Nghiên cứu quốc tế, năng suất và giá thành của sản phẩm hữu cơ không cao so với sản phẩm thường nếu làm đúng quy trình”.
Trao đổi với PV Báo Lao Động - chủ một trang trại trồng rau hữu cơ - cho biết: “Nhiều trang trại làm hữu cơ hiện nay lỗ. Giá thành sản phẩm đội lên do phải thuê nhân công nhổ bằng tay. Mặc dù công chăm sóc lớn bởi rau hữu cơ tuyệt đối không có thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ mà chỉ dùng phân bón hữu cơ nên năng suất thấp hơn so với rau bình thường. Thời gian sinh trưởng của rau hữu cơ chậm hơn. Nếu rau thường dùng thuốc kích thích khoảng 20 ngày đã cho thu hoạch thì rau hữu cơ phải 30 ngày mới thu hoạch được”.
Chủ một trang trại trồng rau hữu cơ khác cho rằng: “Giá rau hữu cơ đắt một phần vì quy mô trồng rau hữu cơ ở Việt Nam vẫn còn nhỏ lẻ, quỹ đất chưa nhiều”.
Bàn về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, đặc thù của thị trường nông nghiệp trong tương lai chắc chắn sẽ phụ thuộc nhiều vào các tập đoàn lớn bởi đòi hỏi về công nghệ cũng như đất đai rộng và tập trung mới quản lý được chất lượng. Các hộ nhỏ không ai kiểm soát được thông tin và khi làm mà người ta không tin thì họ sẽ không bán được hàng. Tuy nhiên, không có nghĩa là các hộ nông dân và những nhóm sản xuất nhỏ không có cơ hội. Nếu như họ biết liên kết với nhau, có phương thức liên kết thì sẽ làm được”.
Ba nguyên nhân khiến rau hữu cơ chưa phát triển ở Việt Nam
TS. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, khó khăn đầu tiên phải kể đến là người tiêu dùng trong nước chưa biết nhiều và hiểu nhiều về nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm hữu cơ. Do vậy chưa tồn tại, hình thành thị trường tiêu thụ tại chỗ và chưa khuyến khích các nhà sản xuất chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp hữu cơ.
Thứ hai là hạ tầng phụ trợ (chứng nhận, xúc tiến thương mại, cơ chế đầu tư, dịch vụ, cung cấp vật tư cho nông nghiệp hữu cơ như phân bón, thức ăn gia súc, thuốc thú y, thuốc trừ sâu...) hầu như chưa có.
Thứ ba, phí chứng nhận sản phẩm hữu cơ của tổ chức quốc tế quá cao, trong khi tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) mới ban hành các tổ chức chứng nhận trong nước chứng nhận theo TCVN đang nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng.
Lao động