MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sản phẩm từ rừng trồng vẫn lao đao tìm đầu ra

23-11-2023 - 20:06 PM | Thị trường

Do khó khăn về thị trường tiêu thụ, giá các loại gỗ và sản phẩm khác từ rừng trồng đã qua chế biến xuống thấp, nên từ đầu năm đến nay, phần lớn các cơ sở chế biến ở tỉnh Yên Bái chỉ hoạt động cầm chừng. Với những cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình, nguồn vốn ít, chưa có bạn hàng truyền thống thì càng khó khăn hơn.

Đầu tư nhà xưởng và máy móc vài tỷ đồng, nhưng cơ sở chế biến gỗ của gia đình anh Lưu Văn Tuất ở thôn Tân Lập, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái chỉ hoạt động cầm chừng dù nguyên liệu không thiếu. Từ đầu năm 2023 đến nay, sản phẩm ván bóc của xưởng làm ra không tiêu thụ được, giá thành giảm từ 300.000 – 400.000 đồng/m3; một số ít bán ra cũng chưa thể thanh toán để thu hồi vốn.

Để duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động, gia đình anh đã phải chấp nhận vay ngân hàng để có vốn quay vòng và tiếp tục nuôi hy vọng thị trường sẽ “ấm lên”.

“Bây giờ có bán được ở trong nước thì nợ, các xưởng trong tỉnh thì người ta vẫn lấy nhưng nó rẻ và người ta nợ rất nhiều. Tôi vẫn phải vay vốn thêm để cố giữ công nhân” - anh Lưu Văn Tuất chia sẻ.

Sản phẩm từ rừng trồng vẫn lao đao tìm đầu ra - Ảnh 1.

Nhiều cơ ở chế biến gỗ ở Yên Bái đang gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm

Cùng cảnh ngộ như cơ sở chế biến ván bóc của gia đình anh Tuất, gần chục cơ sở, hộ gia đình chế biến gỗ rừng trồng ở xã Bảo Ái cũng đang hoạt động cầm chừng, một số thậm chí còn ngừng hoạt động.

Với lợi thế hơn 2.200 ha đất lâm nghiệp, nhiều năm nay, người dân địa phương thu nhập chủ yếu từ nghề trồng rừng; nay việc sản xuất, tiêu thụ khó khăn, hàng trăm lao động tại các cơ sở chế biến gỗ đã phải chuyển sang ngành nghề khác, hoặc bị mất việc.

Ông Lê Chí Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Ái, huyện Yên Bình cho biết: “Đầu năm 2022 có 12 xưởng chế biến gỗ rừng trồng thì đến thời điểm này trên địa bàn chỉ còn có 3 xưởng là còn đang hoạt động mà hoạt động cầm chừng. Thế mạnh của địa phương là trồng rừng và khai thác, chế biến gỗ rừng trồng, chính vì vậy, khi mặt hàng này chững lại thì người lao động cũng không có việc làm dẫn đến thu nhập của bà con nhân dân trên địa bàn cũng bị ảnh hưởng”.

HTX Quế Khánh Thành, xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên (Yên Bái) chuyên sản xuất chế biến sâu các loại sản phẩm từ quế, như: quế điếu, quế chẻ, bột quế, quế cắt vuông, quế tấm… xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài nay cũng gặp khó trong việc duy trì sản xuất. Từ đầu năm đến nay, HTX chỉ xuất bán khoảng 300 tấn hàng các loại, giảm một nửa sản lượng và 35 – 40 % giá trị so với cùng kỳ năm trước; những bạn hàng truyền thống ở Châu Âu và khu vực Trung Đông gần như không có đơn.

Sản phẩm từ rừng trồng vẫn lao đao tìm đầu ra - Ảnh 2.

Các cơ sở đang cố gắng duy trì sản xuất để giữ chân người lao động và hi vọng thị trường "ấm lên" trong thời gian tới

Anh Vũ Đình Khánh, Giám đốc HTX bộc bạch, để duy trì việc làm, tiêu thụ quế cho bà con, HTX vẫn đang cố gắng sản xuất cầm chừng; tuy nhiên những giải pháp đưa ra cũng chỉ là tình thế, khó có thể đảm bảo cho sản xuất lâu dài.

“Hiện tại doanh thu của đơn vị bị sụt giảm, công việc của bà con cũng bị ảnh hưởng theo, trước đây một tháng làm 25-26 ngày, bây giờ luân phiên mỗi người làm khoảng 14 -15 buổi” - anh Vũ Đình Khánh nói.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ và các sản phẩm khác từ rừng trồng ở Yên Bái gặp khó khăn. Một trong số đó là nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, dẫn đến sức mua giảm, không ổn định.

Một nguyên nhân khác đến từ chính các doanh nghiệp, khi đa số là sản phẩm thô, lại phụ thuộc nhiều vào bạn hàng truyền thống, nên khi sức mua của bạn hàng giảm sẽ lập tức gặp khó. Ngoài ra, tính linh hoạt, chủ động khai thác các thị trường và các hiệp định thương mại của các doanh nghiệp ở Yên Bái chưa cao, dẫn đến bỏ lỡ thời cơ đưa sản phẩm của mình ra các thị trường tiềm năng...

Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho biết: “Trong thời gian tới, đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh Yên Bái phải có kế hoạch và chiến lược để thay đổi sản xuất của mình để đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu”.

Với tổng diện tích rừng trồng khoảng 230.000 ha, sản lượng gỗ khai thác hàng năm khoảng 700.000 m3; cùng với đó là hơn 18.000 tấn vỏ khô, trên 200.000m3 gỗ và gần 90.000 tấn cành lá khai thác từ cây quế ....

Đây là nguồn nguyên liệu phong phú cho sản xuất công nghiệp và phục vụ xuất khẩu ở Yên Bái. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp, cơ sở chế biến các mặt hàng từ rừng trồng ở Yên Bái hoạt động hiệu quả, qua đó, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho lao động địa phương, rất cần sự hỗ trợ hiệu quả hơn từ các cấp, các ngành trong thời gian tới.

Theo Đinh Tuấn

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên