Sáng ngày 7/6, Thống đốc NHNN sẽ giải trình về nợ xấu trước Quốc hội
Sáng ngày 7/6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.
Theo lịch họp của Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 7/6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.
Sau đó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng sẽ giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Vấn đề xử lý nợ xấu là một trong những vấn đề nóng nhất trong thời gian gần đây và được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Theo người đứng đầu NHNN, tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý của toàn hệ thống các TCTD chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế; nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ này sẽ là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.
Trong phiên thảo luận tại tổ tuần trước về nợ xấu cũng như các ý kiến trao đổi bên lề hành lang Quốc hội, phần lớn các ý kiến đại biểu cho rằng việc xử lý nợ xấu phải tuân thủ hai nguyên tắc cơ bản. Thứ nhất là không dùng ngân sách xử lý nợ xấu, cũng không được miễn các loại thuế phí liên quan đến xử lý nợ xấu. Thứ hai, phải xử lý nghiêm trách nhiệm của người/tổ chức gây ra nợ xấu.
Ngoài ra một số ý kiến cũng cho rằng phải cân nhắc việc bán nợ xấu theo giá thị trường có thực hiện được hay không, có đảm bảo minh bạch, công bằng hay không. Một số ý kiến còn cho rằng cần hạn chế nợ xấu được xử lý là từ năm 2016 trở về trước chứ không thể áp dụng với tất cả các loại nợ xấu.
Sáng ngày 7/6, chúng tôi sẽ ghi nhận và đăng tải toàn bộ ý kiến của các đại biểu cũng như giải trình của Thống đốc về vấn đề nợ xấu để độc giả tiện theo dõi.
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Nghị quyết xử lý nợ xấu
Xem tất cả >>- Công bố nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu
- Chủ tịch Quốc hội: Không dùng ngân sách để trả nợ xấu cho ngân hàng
- BIDV có thể hưởng lợi nhiều nhất từ Nghị quyết xử lý nợ xấu
- Éo le khoản nợ hàng chục tỷ đồng ở 3 ngân hàng 17 năm vẫn chưa được xử lý dứt điểm
- Xử lý nợ xấu: Cần sự tham gia tích cực của các ngành