Sau 8 năm "vụt lớn", kinh tế Trung Quốc có sợ Donald Trump?
"Trung Quốc đã trở thành một nền kinh tế rộng lớn hơn, mạnh mẽ hơn và có ảnh hưởng nhiều hơn", Eswar Prasad - một cựu giám đốc mảng Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và hiện là giáo sư tại Đại học Cornell ở Ithaca, New York cho biết.
So với 8 năm trước, khi Tổng thống đương nhiệm Barack Obama bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống mới đắc cử của Hoa Kỳ - Donald Trump - sẽ chạm trán với nền kinh tế Trung Quốc hoàn toàn khác. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giờ đây cũng lớn hơn và trưởng thành hơn nhưng ít động cơ tăng trưởng hơn so với lần gần nhất đảng Cộng hòa chiếm ưu thế. Ngoài ra cũng có một loạt các thách thức mới khác mà ông sẽ phải đối mặt.
Từng là nền kinh tế dựa vào xuất khẩu và đầu tư, mô hình tăng trưởng của Trung Quốc đã chuyển sang phụ thuộc nặng hơn vào tiêu dùng và dịch vụ. Chính phủ nước này gây phẫn nộ cho nước Mỹ trong nhiều năm qua bằng cách ghìm đồng nhân dân tệ ở mức thấp bất chấp dòng vốn đổ vào ồ ạt và giờ đây là cố gắng che đậy sự mất giá đồng nhân dân tệ. Mặc dù tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong vòng tám năm qua, giờ đây nước này đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 1990 và nợ đã đạt đến mức mà một số nhà kinh tế cho là đáng báo động.
Những thách thức này sẽ là một nhân tố tác động đến các nỗ lực của Trump để định hình lại mối quan hệ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đến các cam kết chống lại thứ mà Trump gọi là các hoạt động thương mại không công bằng và cáo buộc Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Sức mạnh của nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc có thể trở thành “kẻ thù gớm ghiếc” hơn rất nhiều so với cái mà nước Mỹ đã phải đối mặt cách đây tám năm.
"Trung Quốc đã trở thành một nền kinh tế rộng lớn hơn, mạnh mẽ hơn và có ảnh hưởng nhiều hơn", Eswar Prasad - một cựu giám đốc mảng Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và hiện là giáo sư tại Đại học Cornell ở Ithaca, New York cho biết. "Ý đồ làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc không còn là một mối đe dọa quá lớn như trước”.
Năm 2010, Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ngay cả khi tốc độ tăng trưởng đã suy giảm và nợ thì tăng vọt. Theo dự báo GDP của nước này sẽ tăng trưởng ở mức 3% đến 6,5% vào năm 2021, kém hơn một nửa so với mức tăng trưởng GDP của năm 2007, khi mức tăng trưởng lên đến 2 con số.
Kinh tế Trung Quốc bám đuổi kinh tế Mỹ sát nút. (Nguồn: Bloomberg)
Nhiều năm chạy nước rút để tăng trưởng đã khiến Trung Quốc phải trả giá. Tổng số nợ tăng tới 465% trong thập kỷ qua, theo Bloomberg Intelligence. Trong đó nợ doanh nghiệp tăng từ mức 105% lên 165% GDP. IMF đã cảnh báo đống nợ ngày càng chồng chất của Trung Quốc như một mối đe dọa tiềm ẩn đến hệ thống ngân hàng và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc quản lý đồng nhân dân tệ như thế nào sẽ là một trong những vấn đề kinh tế có ảnh hưởng lớn nhất đến việc điều hành của Trump sắp tới. Mức giảm 1,9 % trong năm ngoái cùng với những thay đổi trong cách mà đồng nhân dân tệ được giao dịch khiến cả trái phiếu và cổ phiếu bị bán tháo trên toàn thế giới. Các nhà đầu tư lo ngại rằng Trung Quốc đã giảm giá đồng tiền của mình để thúc đẩy xuất khẩu.
Mặc dù những nỗi sợ hãi đã phai nhạt, chúng vẫn chưa biến mất. Áp lực dòng vốn tháo chạy vẫn còn đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc. Mặc dù đã giảm thêm khoảng 2% từ khi NHTW phá giá đồng nội tệ vào tháng 8 năm ngoái, nhân dân tệ vẫn tăng giá hơn 20% so với năm 2005, khi quốc gia này bãi bỏ chính sách neo tỷ giá.
Các công ty Trung Quốc và các nhà đầu tư đang đổ xô đi mua các tài sản ở nước ngoài với tốc độ kỷ lục, buộc chính quyền phải thực thi các quy định nghiêm ngặt về việc chuyển tiền ra khỏi đất nước. Trong khi đó Trung Quốc đã phải bỏ ra một lượng lớn dự trữ ngoại hối - giảm hơn 800 tỷ USD kể từ giữa năm 2014 - để nâng đỡ cho đồng nhân dân tệ. Vốn đã đi ra khỏi quốc gia lên đến 970 tỷ USD trong 12 tháng tính đến tháng Mười vừa qua.
Điều này hoàn toàn trái ngược với một thập kỷ trước, khi nhà chức trách Trung Quốc đã phải vật lộn đối phó với các dòng tiền ồ ạt chảy vào đây và cố gắng hạn chế đà tăng giá của nhân dân tệ. Khi đó các quan chức Hoa Kỳ nằm trong số những nước khuyến cáo Trung Quốc nên để cho nhân dân tệ tăng giá để quản lý tình trạng thặng dư cán cân vãng lai ngày càng phình to.
Nhận xét của Trump về đồng nhân dân tệ trong chiến dịch tranh cử cho thấy đó là một cái nhìn lạc hậu về tiền tệ. Gọi Trung Quốc là một"kẻ thao túng", hồi tháng 9 Trump đã nói về việc áp dụng thuế quan nếu các quốc gia giảm giá đồng tiền của mình để "đạt được một lợi thế từ Hoa Kỳ". Dữ liệu xuất khẩu cho thấy rất ít bằng chứng chứng minh giảm giá tiền tệ đem lại nhiều lợi ích vượt trội cho Trung Quốc.
Với thặng dư tài khoản vãng lai giảm và Trung Quốc hiện nay đang tập trung vào việc hỗ trợ đồng nhân dân tệ hơn là làm nó yếu đi, bây giờ mọi sự chú ý sẽ hướng tới núi nợ khổng lồ của Trung Quốc, theo Tom Orlik, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Bloomberg Intelligence ở Bắc Kinh.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, Trung Quốc dường như sẽ không ngần ngại chiến đấu với bất cứ những thay đổi tiềm năng nào từ Trump, như là áp thuế suất mới hoặc những cáo buộc tiền tệ. Đến nay, chính quyền ở Bắc Kinh nói rằng họ sẽ tiếp tục làm việc để thúc đẩy quan hệ kinh tế với Washington, người phát ngôn của Bộ thương Mại Shen Danyang phát biểu trong một cuộc họp báo
Nếu có một cuộc chiến thương mại xảy ra, "Trung Quốc có khả năng sẽ ăn miếng trả miếng" với Trump, ông Andrew Polk nói, người đứng đầu văn phòng ở Bắc Kinh về Nghiên cứu Trung Quốc của Medley Global Advisors chuyên tư vấn quỹ dự phòng và các đầu tư khác. "Tôi hy vọng người Trung Quốc sẽ đối phó nhiều hơn là chủ động hơn trong vấn đề này”.