Sau cú bắt tay, cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai và Thế giới di động cùng bứt phá
Cổ phiếu MWG tiếp tục tăng lên mức đỉnh lịch sử mới, còn HAG và HNG cũng ghi nhận sự tăng giá tích cực trong tuần qua.
- 22-06-2017Bầu Đức sẽ bắt tay với Thế giới di động bán trái cây của HAGL tại Bách hóa Xanh
- 21-06-2017HAGL đã chuyển quyền sở hữu 23,3 triệu cổ phiếu HNG cho Quản lý quỹ Sài Gòn để hoán đổi trái phiếu
- 21-06-201710 năm qua, bầu Đức đã thực hiện chiến thuật “xoay tua” để duy trì nguồn thu của HAGL như thế nào?
Ngày 22/06/2017, CEO của CTCP Đầu tư Thế giới di động, ông Trần Kinh Doanh công bố: “Chúng tôi đã sẵn sàng bán trái cây của bầu Đức”.
Theo đó, 2 doanh nghiệp ký kết thỏa thuận Hoàng Anh Gia Lai sẽ cung cấp trái cây cho chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh. Bản ký kết khẳng định sự hợp tác 2 bên sẽ nâng lên tầm chiến lược và Hoàng Anh Gia Lai sẽ đồng hành với kế hoạch mở rộng của Bách hóa Xanh ra toàn quốc trong tương lai.
Với thông tin này, cổ phiếu MWG của Thế giới di động đã có sự bứt phá trong ngày 22/06 với mức tăng 3,4% và tiếp tục tăng trong phiên cuối tuần để ghi nhận 4 phiên tăng liên tục, chinh phục mức đỉnh lịch sử mới: 102.900 đồng (theo giá điều chỉnh).
Cùng với MWG, cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai cũng tăng 4 phiên liên tục và bứt phá vào ngày 22/06. Đóng cửa phiên cuối tuần, HAG có giá 9.780 đồng còn HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 11.150 đồng – tăng gần 5% trong tuần.
Theo các chuyên gia chứng khoán, sự tăng giá của các cổ phiếu nói trên đang xoay quanh câu chuyện kỳ vọng vào sự hợp tác giữa 2 doanh nghiệp nổi tiếng, bên cạnh đó là niềm tin vào sự quyết liệt của các lãnh đạo là ông Nguyễn Đức Tài và ông Đoàn Nguyên Đức.
Thế giới di động là một doanh nghiệp ấn tượng với tốc độ tăng trưởng rất nhanh và rất tham vọng. Năm 2017, họ có kế hoạch tăng gấp đôi vốn điều lệ lên hơn 3.000 tỷ đồng để tiếp tục chiến lược mở chuỗi. Khi chuỗi Thế giới di động đã đến giới hạn thì trọng tâm của Doanh nghiệp này là Điện máy Xanh (2017) và Bách Hóa Xanh (2018), thậm chí có thể đá chân sang chuỗi Dược phẩm.
Riêng đối với Bách hóa Xanh, MWG sẽ chi 500 tỷ đồng để phục vụ cho kế hoạch phát triển chuỗi trong năm 2017 lên số lượng 300 cửa hàng. Ông Trần Kinh Doanh cho biết, mỗi ngày Bách Hóa Xanh bán khoảng gần 20 tấn trái cây và cuối năm, con số này sẽ lên gấp 3 lần.
Về phía doanh nghiệp của bầu Đức, HAGL công bố kế hoạch doanh thu của mảng cây ăn quả năm 2017 lên tới gần 2,6 nghìn tỷ đồng, vượt qua cả bò thịt và cao su. Tới hết năm nay, HAGL sẽ trồng hơn 15 loại trái cây nhiệt đới như chanh dây, thanh long, chuối, xoài, bưởi da xanh, mít, bơ… tập trung chủ yếu tại các quỹ đất trống còn lại tại Lào và Campuchia và Gia Lai. HAGL tuyên bố diện tích dự kiến có thể lên tới 20.000ha.
Với quy mô lớn, mục tiêu chính của HAGL là thị trường Trung Quốc, còn tại thị trường nội địa, bây giờ đã có Bách Hóa Xanh lo.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cũng e ngại khi nhớ lại quá khứ.
Tháng 9/2015, HAGL từng ký hợp tác với Nutifood, theo đó, HAGL đầu tư 6.300 tỷ đồng để phát triển đàn bò sữa với số lượng 120.000 con, còn NutiFood đầu tư xây dựng nhà máy sữa tươi tại Gia Lai, với kinh phí 5.000 tỷ đồng, công suất 500 triệu lít sữa/năm để bao tiêu toàn bộ lượng sữa từ trang trại HAGL.
Việc hợp tác này từng được kỳ vọng sẽ tạo nên những điều lớn lao nhưng đến cuối năm 2016, Nutifood đã cắt mối duyên sớm 2 năm so với dự kiến.
Nhịp sống kinh tế