Sau lệnh của Thủ tướng, hàng loạt gói bảo hiểm COVID-19 bị dừng
Sau khi Thủ tướng, Bộ Tài chính yêu cầu không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm đối với bệnh COVID-19, hàng loạt gói bảo hiểm liên quan bệnh này đã phải dừng lại.
- 31-03-2020Vì sao Thủ tướng yêu cầu không triển khai gói bảo hiểm Covid-19?
- 31-03-2020Doanh nghiệp dệt may - thủy sản đề xuất ngừng đóng bảo hiểm, dùng tiền kết dư hỗ trợ cho trả lương, vay không lãi
- 23-03-2020Người lao động có thể nhận bảo hiểm thất nghiệp ở nhà?
Theo Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến dịch COVID-19.
Chiều cùng ngày, Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính Nguyễn Quang Huyền đã có công văn số 3786 yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ quán triệt trong hệ thống, đại lý về việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến dịch COVID-19. Công văn có hiệu lực ngay tại thời điểm ký.
Thời gian qua, bảo hiểm Corona trở thành sản phẩm "hot" trên thị trường. Hàng loạt doanh nghiệp "ăn theo", thi nhau tung ra các gói bảo hiểm Corona với mức phí và quyền lợi cạnh tranh như Viễn Đông, Manulife, VBI, PVI, MIC, PTI, VNI, BSH…
Có doanh nghiệp còn phối hợp với hàng loạt ngân hàng để triển khai sản phẩm Anti-COVID. Hình thức mua bảo hiểm chủ yếu qua online. Có ngân hàng mua bảo hiểm dịch COVID-19 cho tất cả cán bộ nhân viên.
Phí bảo hiểm Corona thường dao động từ 100.000 - 500.000 đồng/gói. Có gói phí lên đến 1 triệu đồng. Ngoài chi trả quyền lợi khoảng 100 triệu đồng/vụ cho người tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 và trợ cấp 300.000 - 600.000 đồng mỗi ngày nằm viện, một số sản phẩm còn mở rộng phạm vi bảo hiểm cho người tử vong do tai nạn, bệnh tật.
Ngày 1/4, theo tìm hiểu của Tiền phong, một loạt các công ty bảo hiểm đã ra thông báo dừng triển khai gói bảo hiểm dịch COVID-19.
Đơn cử, đại diện truyền thông của Tổng công ty Bảo hiểm PVI cho biết đã ra thông báo dừng triển khai gói sản phẩm bảo hiểm Corona++ dành cho đối tượng là công dân Việt Nam từ 1 đến 65 tuổi.
Liên quan đến gói Corona++ này, mấy ngày trước, mạng xã hội “dậy sóng” với hình ảnh chụp email thông báo rằng Tổng công ty Bảo hiểm PVI không bán bảo hiểm Corona++ cho y bác sĩ, phi công...
Cụ thể, trong hình chụp email hiển thị nội dung một người giữ cấp trưởng phòng thuộc Bảo hiểm PVI đề nghị các đơn vị thành viên không cấp bảo hiểm Corona++ cho các đối tượng là bác sĩ, y tá, điều dưỡng, cán bộ nhân viên của các cơ sở y tế, khách hàng của các cơ sở y tế (được cơ sở y tế đứng ra mua bảo hiểm hoặc giới thiệu cung cấp bảo hiểm), thuyền viên làm việc trên các tàu hoạt động tuyến quốc tế, phi công và phi hành đoàn.
Ngoài ra, người này còn đề nghị các đơn vị thành viên bổ sung mục Nghề nghiệp vào mẫu giấy yêu cầu bảo hiểm như đính kèm để có căn cứ áp dụng. Đối với các đơn vị triển khai bán online, cần bổ sung trường thông tin Nghề nghiệp vào nội dung kê khai của khách hàng trước khi mua bảo hiểm.
Trao đổi với Tiền phong chiều 1/4, đại diện truyền thông của Tổng công ty Bảo hiểm PVI cho biết nội dung trong email lan truyền trên mạng là của một cán bộ cấp phòng của Bảo hiểm PVI gửi. Tuy nhiên, người soạn nội dung này chưa thể hiện đầy đủ, chính xác thông tin, dẫn đến hiểu nhầm đáng tiếc.
“Các trường hợp trên cần được đánh giá rủi ro chặt chẽ hơn, do vậy Bảo hiểm PVI không phân cấp cho các đơn vị thành viên. Trường hợp có yêu cầu bảo hiểm cho nhóm khách hàng trên, các đơn vị thành viên báo cáo về hội sở tổng công ty để được hướng dẫn chào phí, cấp đơn bảo hiểm cụ thể”, đại diện PVI chia sẻ.
Cũng theo vị này, đối với các đơn bảo hiểm Corona++ đã cấp và có hiệu lực bảo hiểm trước ngày 1/4/2020, Bảo hiểm PVI vẫn sẽ duy trì trách nhiệm bảo hiểm theo các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm cho đến hết thời hạn bảo hiểm.
Tiền phong
Sự kiện: Giảm đau kinh tế
Xem tất cả >>- Nhân lúc giá dầu "rẻ như cho", TQ đã quyết định làm điều này: Cao thủ không bằng... tranh thủ?
- "Lột xác" căn studio ngoạn mục chỉ với 45 triệu đồng sau 1 tuần
- Thỏa thuận 600 triệu USD rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" sau vụ đụng độ biên giới Trung - Ấn
- PVFCCo vượt qua nhiều thách thức giữ vững vị thế đầu ngành
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng công nghệ số để duy trì hoạt động trong mùa dịch Covid-19