Siba Holdings chi thêm 570 tỷ để tăng vốn tại BAF: Đại gia Trương Sỹ Bá quyết “chơi lớn” với thịt heo
BAF vừa có kế hoạch đẩy mạnh cụm chuồng và Siba Holdings đang vận hành chuỗi thực phẩm sạch Siba Food.
- 29-09-2022DN có lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng nhất nhiều quý, cổ phiếu vẫn "bốc hơi" 50% so với đỉnh
- 29-09-2022"Hiện tượng" ngành sữa: Một chuỗi bán lẻ tăng trưởng rất nhanh
- 28-09-2022Bài học "bán nhà trồng cao su" của bầu Đức: Vì sao đầu tư bài bản, quy mô Đông Dương, công nghệ Israel, kết quả là sóng gió suốt thập kỷ?
CTCP Siba Holdings vừa mua đăng ký mua gần 25 triệu cổ phiếu BAF của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam. Giao dịch dự kiến thực hiện thông qua hình thức khớp lệnh/thoả thuận, mục đích nâng tỷ lệ sở hữu. Thời gian thực hiện từ ngày 30/9-28/10/2022. Nếu thành công, Siba Holdings dự tăng sở hữu tại BAF lên 37,65% vốn, tương đương hơn 54 triệu cổ phần.
Trên thị trường, thị giá BAF đang trong xu hướng giảm. Không chỉ điều chỉnh sau đà tăng và trước áp lực chung của thị trường, thị giá BAF còn đang phản ứng trước giá heo hơi trên thị trường (đang hạ nhiệt về mức quân bình 55.000 đồng/kg). Tạm tính theo thị giá này, Siba Holdings phải chi ra 570 tỷ đồng cho giao dịch trên.
Hồi đầu năm nay, Siba Holdings chính thức trở thành cổ đông lớn của BAF khi hoàn tất mua gần 16 triệu cổ phiếu và nắm giữ 20,5% cổ phần của công ty nuôi heo này cho đến nay.
Siba Holdings và BAF đều do ông Trương Sỹ Bá làm Chủ tịch HĐQT, trong đó ông Bá nắm 98% Siba Holdings. Ông Bá đồng thời là Chủ tịch HĐQT của tập đoàn Tân Long – Doanh nghiệp chuyên về cung ứng và sản xuất nguyên liệu Thức ăn chăn nuôi; Chăn nuôi; Sản xuất – Kinh doanh Gạo...
BAF vừa có kế hoạch đẩy mạnh cụm chuồng và Siba Holdings vận hành chuỗi thực phẩm sạch Siba Food.
Tương tự Bapi Mart của HAGL mới đây, Siba Food là điểm bán thịt thương hiệu BAF, cùng với các thực phẩm khác, hướng đến là nơi cung cấp thực phẩm sạch có thương hiệu cho thị trường.
Hiện, BAF đang bán lẻ thịt thương hiệu thông qua chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Siba Food và Meat shop. Trong đó, Siba Food đang có gần 60 cửa hàng và dự kiến mở rộng lên 100 cửa hàng trong năm 2023.
Tầm nhìn đến 2030, Siba Food hướng tới trở thành chuỗi cửa hàng thực phẩm quy mô lớn nhất Việt Nam với 1.500 cửa hàng Siba Food và 15.000 Meat Shop. Đầu tháng 9 vừa qua, BAF cho ra mắt them sản phẩm chế biến bao gồm xúc xích BAF, giò lụa, giò sống được làm từ 100% thịt sạch BAF.
Siba Food trong Văn phòng Tân Long tại Tp.HCM.
Về BAF, Công ty vừa đồng loạt khởi công xây dựng 4 cụm trang trại heo công nghệ cạo tại xã Suối Ngô, huyện Tân Châu tỉnh Tây Ninh. Động thái này nằm trong chiến lược xây dựng mạng lưới khoảng 100 trang trại và đạt 200.000 nái vào năm 2030.
Được biết, dự án 3 cụm trang trại heo Hải Đăng được xây dựng với tổng diện tích hơn 66 ha, quy mô 5.000 heo nái và 60.000 heo thịt, khi đi vào vận hành sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 280.000 heo/năm, đóng góp khoảng 1.080 tỷ doanh thu/năm.
Song song, dự án trang trại heo Tân Châu được xây dựng với diện tích 12 ha, quy mô chăn nuôi 18.000 heo thịt, công suất đạt gần 45.000 con/năm, đóng góp doanh thu khoảng 260 tỷ đồng/năm. Theo kế hoạch, 4 dự án cụm trang trại này sẽ đi vào hoạt động vào quý 4/2023.
Tân Long là doanh nghiệp lúa gạo nhiều lần vượt mặt các doanh nghiệp lúa gạo quốc tế, trở thành doanh nghiệp Việt Nam thắng thầu nhiều gói thầu cung cấp gạo chất lượng cao cho Chính phủ Hàn Quốc.
Tân Long cũng được nêu tên song hành với Tập đoàn T&T của bầu Hiển tại các trận đấu, chưa kể ngân hàng của bầu Hiển cũng là nơi cấp phần lớn vốn cho Tân Long. Mới nhất trong mùa giải V-League 2021, nhãn gạo A An của Tân Long Group chính thức trở thành nhà tài trợ chính cho câu lạc bộ bóng đá Hà Nội của bầu Hiển.
Điểm qua thị trường, giai đoạn 2020-2021 ghi nhận thêm sự gia nhập của bầu Đức cùng câu chuyện hồi sinh của Tập đoàn HAGL (với thương hiệu Heo ăn chuối Bapi) và công ty liên quan bầu Thuỵ. Trước đó, loạt tập đoàn lớn trong nước như Masan, Hoà Phát, Dabaco, Thiên Thuận Tường, Mavin… đã sớm gia nhập, cùng các tên tuổi quốc tế CP Group, GreenFeed, CJ Vina Agri, Cargill, Newhope…
Trong đó, thị trường thịt heo được đánh giá có giá trị hơn 10 tỷ USD - là mảng lớn nhất trong ngành F&B (báo cáo của Masan MEATLife đầu năm 2022). Với dân số gần 100 triệu người, thu nhập bình quân liên tục cải thiện khiến nhu cầu tiêu thụ thịt sạch, truy xuất được nguồn gốc tại Việt Nam tăng cao. Tuy nhiên, đây là thị trường chưa được chuẩn hóa khi hơn 90% sản phẩm thịt heo trên thị trường không có thương hiệu. Trong khi đó, người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến các sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc.
Bên cạnh việc kinh doanh thịt tươi, MML cũng thấy có nhiều cơ hội để tham gia vào lĩnh vực thịt chế biến. Ngày nay, các sản phẩm thịt có giá trị gia tăng và thịt chế biến đóng góp dưới 1% vào thị trường thịt tại Việt Nam. Các sản phẩm đột phá sẽ góp phần thúc đẩy sản lượng tiêu thụ, đặc biệt là ở các vùng nông thôn - nơi có hơn 70% dân số sinh sống. Đây cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ thịt ở Trung Quốc, khi mà các nhà sản xuất có thể cung cấp các sản phẩm thịt chế biến có giá trị gia tăng, phục vụ cho nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng với mức giá thấp hơn nhiều so với thịt tươi.
Theo thống kê của Frost & Sullivan, thịt chế biến chiếm 25% tổng lượng tiêu thụ thịt heo tại Trung Quốc, và đang tăng nhanh gấp đôi so với thịt tươi. Người trong cuộc cho rằng, xu hướng này sẽ diễn ra tương tự ở Việt Nam.
Điều này cũng minh chứng cho những tham vọng của Masan, CP, GreenFeed… những năm trở lại đây. Trong động thái mới nhất, bầu Đức với thương hiệu thịt Heo ăn chuối Bapi HAGL đặt mục tiêu trở thành thế lực trên thị trường sau 2-3 năm.
Nhịp sống thị trường