Singapore hậu Lý Quang Diệu: "Cuộc chiến" cho linh hồn Singapore
2 năm sau khi ông Lý Quang Diệu qua đời, Singapore đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Đối với những người chỉ trích mức lương quá hào phóng dành cho các vị Thủ tướng, ông Lý Quang Diệu – chính trị gia được mệnh danh là “cha đẻ” của Singapore hiện đại, người đã biến vùng đất cảng nghèo tài nguyên trở thành một trong những quốc gia giàu nhất châu Á – có 1 lời bào chữa đơn giản mà rất xác đáng.
“Bạn biết đấy, phương thuốc tốt nhất để dập đi những câu chuyện như vậy chính là một chính phủ tốt”, ông phát biểu năm 2007, không quên cảnh báo rằng nếu như chính phủ Singapore hoạt động kém hiệu quả, họ sẽ không thể gắn kết người dân thành 1 khối thống nhất để đồng lòng vượt qua khó khăn.
2 năm sau khi ông qua đời, Singapore đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là cuộc tranh cãi giữa những người con của chính ông. Những diễn biến của cuộc tranh cãi đều phơi bày trước mặt người dân Singapore, khi Thủ tướng đương nhiệm và cũng là con trai của ông – Lý Hiển Long – bị 2 người em Lee Hsien Yang và Lee Wei Ling buộc tội không thực hiện đúng những nguyện vọng của cha.
Cuộc tranh cãi này còn khiến dư luận chú ý nhiều hơn đến vòng tròn quyền lực đã lãnh đạo Singapore suốt kể từ khi giành độc lập đến nay. Quyền lực tập trung duy nhất trong gia đình họ Lý, trong khi vợ của ông Lý Hiển Long, bà Ho Ching, đang lãnh đạo quỹ đầu tư quốc gia Temasek.
Tồi tệ hơn, những bất đồng trong gia đình Thủ tướng Lý Hiển Long nổ ra vào đúng thời điểm quốc đảo này có thể nói là đang ở trong 1 cuộc khủng hoảng niềm tin. Kể từ khi bất ngờ độc lập năm 1965, kinh tế Singapore đã phát triển vượt bậc nhờ tận dụng tốt vị thế chiến lược và tự định vị là 1 cửa ngõ trung lập và hiệu quả kết nối châu Á với thế giới.
Trong bối cảnh ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ, người Singapore lo lắng đất nước nhỏ bé của họ sẽ làm cách nào để tiếp tục hùng mạnh trong thời kỳ toàn cầu hóa bị đảo ngược. Bên cạnh đó phải thú nhận 1 sự thật là những lợi thế cạnh tranh của Singapore đang dần biến mất khi phải đối mặt với 1 Trung Quốc thịnh vượng hơn và cũng mạnh mẽ hơn.
Nỗi hoài nghi ngày càng tăng được thể hiện rõ ràng trong 1 bài báo chắp bút bởi Kishore Mahbubani, người từng là 1 nhà ngoại giao của Singapore và vẫn luôn thôi thúc Singapore phải hành động mạnh mẽ hơn khi thiếu vắng những nhà lãnh đạo có tầm như Lý Quang Diệu.
“Chúng ta đang ở thời đại hậu Lý Quang Diệu, và đáng buồn là sẽ chẳng bao giờ có được 1 người được cả thế giới kính trọng đến mức ấy. Do đó chúng ta phải thay đổi cách hành xử”.
Những số liệu thực tế là không quá tệ. NHTW Singapore dự đoán GDP nước này sẽ tăng trưởng 3% trong năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn giữ ở mức 3,2% trong quý I. Tuy nhiên, nhìn sâu hơn vào các ngành được coi là thế mạnh của nền kinh tế Singapore sẽ thấy những con số đáng báo động. Singapore Airlines – hãng hàng không từng được coi là tiêu chuẩn cho sự tân tiến và xa xỉ, bất ngờ báo lỗ quý I do vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt. Kể từ đầu năm đến nay, trên sàn chứng khoán Singapore mới chỉ có 2 vụ IPO. Số lượng container được bốc dỡ tại cảng Singapore (là cảng đông đúc thứ hai thế giới) không tăng trưởng so với năm ngoái.
Nhiều người cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc gây quá nhiều áp lực cho Singapore. Singapore Airlines bị thua lỗ do các du khách Trung Quốc chuyển sang các hãng hàng không nội địa với những chuyến bay thẳng hơn là transit ở Singapore. Các công ty đại lục thích niêm yết ở sàn Hồng Kông hơn là Singapore, và cảng Thượng Hải đang bùng nổ.
Tuy nhiên, còn có nguyên nhân sâu xa hơn. Manu Bhaskaran, chuyên gia đến từ công ty tư vấn Centennial Group, cho rằng thách thức lớn nhất mà Singapore đang phải đối mặt chính là họ đã mất đi giá trị truyền thống.
“Những đối thủ như Bangkok và Hồng Kông đang tạo được lợi thế về quy mô nhờ kết nối sâu hơn với những vùng kinh tế năng động nằm ở sâu trong đất liền. Đó lại là thứ mà Singapore khó có thể làm được”. Ví dụ, Hồng Kông có thể sử dụng đại lục làm nơi sản xuất với chi phí thấp hay để tăng lực cầu.
Tỷ lệ sinh ở Singapore hiện thấp nhất thế giới, trong khi dòng chảy lao động nhập cư cũng đang chậm lại. Kết quả là nước này bị thiếu hụt lao động, dẫn đến tăng trưởng tiền lương thực tế (hơn 3% mỗi năm kể từ 2010 đến nay) vượt quá tăng trưởng sản lượng (GDP chỉ tăng trưởng khoảng 0,4% mỗi năm trong 5 năm qua).
Chi phí gia tăng khiến việc đầu tư vào Singapore trở nên kém hấp dẫn. Năm ngoái, lượng vốn FDI vào đây sụt giảm 13%, xuống mức thấp nhất kể từ 2012.
Giới phan tích lo sợ rằng sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy trên khắp thế giới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Singapore, nước có 2/3 GDP phụ thuộc vào các nền kinh tế khác. Ban cố vấn kinh tế cho Chính phủ Singapore cảnh báo “làn sóng chống toàn cầu hóa xói mòn thương mại toàn cầu và làm tổn hại đến tất cả các quốc gia, đặc biệt là những nước nhỏ bé như Singapore”.
Trong quá khứ, Singapore cũng từng phải đối mặt với thay đổi và đã thích nghi tốt. Trong những năm 1990, nó chuyển hướng từ sản xuất sang ngành hóa chất và điện tử, phát triển khoa học y tế - ngành hiện đang chiếm 5% GDP. Tuy nhiên chính làn sóng công nghệ lại tạo ra thách thức chưa từng có. Nhiều người lo ngại rằng lực lượng lao động của Singapore sẽ không đủ linh hoạt để thích nghi với thay đổi trong các ngành như luật và kế toán, nơi một số kỹ năng giờ được thực hiện bởi trí thông minh nhân tạo.
“Các kỹ năng tốt nhất của lao động Singapore là tuân thủ đúng quy trình, làm việc theo nhóm và đạo đức tốt. Ở những khu vực được tự động hóa, vai trò của con người sẽ là tăng thêm giá trị sáng tạo”. Các nhà hoạch định chính sách Singapore đã nhận thức được rủi ro nhưng vẫn chưa hành động đủ mạnh. Nguồn vốn Chính phủ dành cho các startup không nhiều, theo nghiên cứu của ĐH Quốc gia Singapore.
Các chính sách ưu đãi thuế (trong đó có mức thuế 5% dành cho những công ty đặt trụ sở khu vực ở đây), cơ sở hạ tầng tốt và chất lượng cuộc sống tốt là những ưu thế để Singapore thu hút nhân tài. Một số người thậm chí cho rằng ảnh hưởng từ sự kiện Brexit sẽ giúp Singapore trở thành “cảng tránh bão”. Tuy nhiên, cuộc tranh cãi của anh em nhà Lý Quang Diệu đang đe dọa sự ổn định của Singapore.
Trung tâm của cuộc tranh luận là ngôi nhà của gia tộc Lý ở đường Orchard mà ông Lý Quang Diệu muốn phá bỏ sau khi ông qua đời. Tuy nhiên, Thủ tướng Lý Hiển Long muốn giữ lại ngôi nhà này và hai người em cho rằng ông làm vậy là để tận dụng uy tín của người cha tư lợi cho bản thân. Cuộc tranh cãi nổ ra đúng vào thời điểm Singapore đang chuẩn bị chào đón 1 thế hệ lãnh đạo mới. Ông Lý Hiển Long đang ở nhiệm kỳ thứ ba và theo kế hoạch sẽ nghỉ hưu sau cuộc tổng tuyển cử sắp tới (diễn ra tháng 4/2021).
Sự kiện tạo ra 2 luồng dư luận ở Singapore, chia rẽ những người trung thành với ông Lý Hiển Long và những người tin rằng nguyện vọng của ông Lý Quang Diệu nên được thực hiện.
Theo Michael Barr, tác giả của cuốn “The Ruling Elite of Singapore”, cho rằng những sai lầm của ông Lý Hiển Long trong quá khứ khiến tác động của sự kiện lần này bị phóng đại lên nhiều lần. Nhậm chức từ năm 2004, ông Lý Hiển Long đã mở cửa rộng rãi chào đón người nhập cư. Điều này giúp phát triển một số ngành nhưng lại khiến người dân Singapore không hài lòng.
Sau chiến thắng sít sao nhất từ trước đến nay hồi tháng 5/2011, đảng cầm quyền phải đối mặt với sự bất bình của dân chúng về giá nhà tăng vọt, đường sá quá đông đúc và sự phụ thuộc vào lao động nhập cư.
Nhận thức được sự nguy hiểm từ cuộc tranh cãi kéo dài, hai người em của ông Lý Hiển Long mới đây đã kêu gọi ngừng tranh cãi công khai và muốn giải quyết riêng tư. Tuy nhiên điều này vẫn tạo ra sự khó chịu, giống như mặt hồ chẳng thể phẳng lặng như trước đây sau khi bị khuấy động.
“Thông thường, trong 1 công ty gia đình trị, mâu thuẫn sẽ bắt đầu xuất hiện ở đời thứ ba, khi những đứa cháu bắt đầu cãi nhau”, ông Barr nói.