Smartphone "tuyệt chủng" và viễn cảnh "điên rồ" cho tương lai
Thế giới mới trải qua khoảng 10 năm chứng kiến smartphone bùng nổ. Nhưng những nền tảng mà Elon Musk hay các nhà lãnh đạo của các ông lớn công nghệ như Microsoft, Facebook, Amazon và vô số các startup đang xây dựng sẽ khiến bức tranh thay đổi hoàn toàn.
- 28-03-2017Elon Musk vừa mở công ty kết nối trực tiếp não người với máy tính
- 31-10-2016Sự thật kinh hoàng sau ngành công nghiệp smartphone: Mạng người đổi những quả pin
- 13-03-20167/10 hãng smartphone lớn nhất thế giới hiện là công ty Trung Quốc
Một bài báo đăng tải trên tờ Business Insider mới đây đưa ra nhận định có thể khiến nhiều người kinh ngạc nhưng không phải là không có cơ sở: vào một ngày nào đó không quá gần nhưng chắc chắn sẽ sớm hơn nhiều so với suy nghĩ của bạn, những chiếc điện thoại thông minh (smartphone) sẽ biến mất, giống như cách mà những chiếc máy nhắn tin và máy fax bị “tuyệt chủng”.
Thế giới mới trải qua khoảng 10 năm chứng kiến smartphone bùng nổ. Nhưng những nền tảng mà Elon Musk hay các nhà lãnh đạo của các ông lớn công nghệ như Microsoft, Facebook, Amazon và vô số các startup đang xây dựng sẽ khiến bức tranh thay đổi hoàn toàn.
Bài viết còn dự báo về 1 bức tranh khá “kỳ quặc” khi smartphone “chết”. Bức tranh kỳ lạ không chỉ về những sản phẩm đơn lẻ mà còn bởi khi đó cuộc sống hàng ngày của chúng ta cũng sẽ hoàn toàn khác so với hiện nay.
Trong ngắn hạn
iPhone của Apple và những sản phẩm smartphone khác luôn được coi là những thiết bị mang tính cách mạng. Chúng đủ nhỏ để người dùng có thể mang đi khắp nơi, đủ khỏe để xử lý khối lượng lớn công việc và tích hợp nhiều chức năng: camera để bạn chụp ảnh, cảm biến GPS để dẫn đường, ứng dụng nhắn tin (như Snapchat) để bạn liên lạc và cả Uber để bạn gọi xe.
Nhưng hãy nhìn smartphone từ 1 góc khác. Dù thiết kế khác nhau, những chiếc máy tính để bàn và cả máy tính xách tay đều là sự kết hợp của các bộ phận chính gồm chuột, bàn phím và bộ vi xử lý. Chiếc điện thoại thông minh của bạn cũng đi theo mô hình này, nhưng gọn nhẹ hơn và thêm màn hình cảm ứng.
Galaxy S8, chiếc điện thoại mới nhất vừa được Samsung tung ra là 1 ví dụ. S8 trông thật lịch lãm với màn hình cong và tích hợp những công nghệ mới nhất.
Đây là 1 sản phẩm ấn tượng, nhưng đó chỉ là một sự nâng cấp chứ không phải 1 cuộc cách mạng.
Dẫu vậy, ở Galaxy S8 hay chiếc điện thoại iPhone mới mà Apple sẽ cho ra mắt trong mấy tháng tới đều có những đặc điểm báo hiệu về thời kỳ “hậu smartphone’. Đó là trợ lý ảo Bixby mà Samsung hứa hẹn trong 1 ngày không xa sẽ cho phép bạn kiểm soát mọi ứng dụng mà không cần dùng đến giọng nói. Ngoài ra S8 sẽ được bán kèm với phiên bản mới của kính thực tế ảo Gear VR mà Samsung đang phát triển cùng với Oculus của Facebook.
Apple cũng tiết lộ ở thế hệ iPhone tiếp theo, trợ lý ảo Siri sẽ được nâng cấp với những tính năng cho phép tích hợp các tính năng thực tế ảo vào ứng dụng camera.
Với các thiết bị liên tiếp gặt hái thành công trên thị trường thực tế ảo như Echo của Amazon, PlayStation VR của Sony hay Apple Watch, chắc chắn trong tương lai gần sẽ có nhiều công ty công nghệ (dù lớn hay nhỏ) đặt cược vào làn sóng thực tế ảo.
Trong trung hạn, tất cả những công nghệ mang tính thử nghiệm và khai phá này sẽ bắt đầu tạo thành một thứ gì đó quen thuộc nhưng cũng kỳ lạ.
Microsoft, Facebook, Google và Magic Leap (công ty được Google hậu thuẫn) đều đang xây dựng những thiết bị tích hợp công nghệ thực tế ảo với tham vọng có thể bày ra ngay trước mắt bạn những hình ảnh 3D chi tiết. Apple cũng được cho là đang làm điều tương tự.
Theo Alex Kipman, một lãnh đạo cấp cao tại Microsoft, công nghệ tăng cường thực tế có thể thay thế hoàn toàn smartphone, tivi hay bất kỳ thiết bị nào có màn hình. Bạn sẽ không còn cần đến một thiết bị riêng biệt để trong túi áo nếu như tất cả các cuộc gọi, những bộ phim mà bạn đang xem và cả các trò chơi đều hiện ra trước mắt nhờ những thiết bị thực tế ảo.
Khi đó, những thiết bị như loa thông minh Echo của Amazon hay tai nghe thông minh AirPods của Apple sẽ ngày càng quan trọng. Khi các trí thông minh nhân tạo như Siri của Apple, Alexa của Amazon, Bixby của Samsung và Cortana của Microsoft được cải tiến, cuộc trò chuyện giữa con người và máy tính sẽ thú vị hơn nhiều.
Nói cách khác, máy tính sẽ tác động đến cả 5 giác quan của bạn. Tưởng tượng 1 ngày Facebook không chỉ kiểm soát những thông tin bạn đọc được hàng ngày mà cả những gì bạn nhìn thấy trong thế giới xung quanh mình.
Viễn cảnh này nghe có chút đáng sợ, nhưng các ông lớn công nghệ đều hứa rằng trong tương lai đời sống thực và công nghệ sẽ hòa quyện theo cách hài hòa hơn. Đó là khi con người không bị công nghệ làm cho xa rời đời sống thực mà ngược lại, đó là khi cuộc sống cân bằng hơn với công nghệ và thực tế hòa làm một.
Viễn cảnh “điên rồ” cho tương lai
Cách đây 2 tuần, Elon Musk vừa công bố dự án Neuralink có tham vọng kết nối não người với máy tính thông qua việc cấy các điện cực vào não người. Người được cấy có thể tải lên/tải xuống các ý tưởng, dữ liệu và thông tin vào máy tính mà không cần phải thao tác vật lý. Có thể coi đây là bước tiếp theo để con người và máy móc kết hợp với nhau để trở thành 1 thực thể.
Nếu tham vọng này trở thành hiện thực – mà rất nhiều người cho là hoàn toàn có thể, đây chính là điểm cuối của chặng đường mà smartphone đã mở ra cho chúng ta. Nếu như smartphone mở ra cánh cửa để con người tiếp cận với thông tin thì công nghệ tăng cường thực tế đặt thông tin đó ra ngay trước mặt khi chúng ta cần, công nghệ ren thần kinh (neural lace) mà Musk đang phát triển chính là cầu nối. Musk cũng từng nói rằng vì trí thông minh nhân tạo ngày càng phát triển, con người cũng phải tự nâng cấp bản thân.
Ý tưởng con người và máy móc hợp thành 1 thể thống nhất xưa nay chỉ có trong các câu chuyện viễn tưởng. Nhiều người nói rằng smartphone đem đến cho con người sức mạnh với khả năng tiếp cận nguồn kiến thức vô hạn và vượt lên trên những khả năng vốn có mà tự nhiên đã ban cho chúng ta. Hãy tưởng tượng một ngày khi smartphone biến mất và được thay thế bằng những công nghệ hiện đại hơn nhiều lần, sức mạnh ấy sẽ lớn đến mức nào.
Mark Zuckerberg công bố những hình ảnh đầu tiên của mạng xã hội thực tế ảo Spaces. Nguồn: FB Mark Zuckerberg.