Sợi Việt Nam và nỗi lo Trung Quốc giải phóng kho bông
80% sợi được xuất sang Trung Quốc, ngành sợi đối mặt rủi ro "bỏ tất cả trừng vào cùng một rổ"...
- 25-08-2017Ấn Độ điều tra chống bán phá giá sợi nylon Filament Yarn nhập khẩu từ Việt Nam
- 05-08-2017PVN và Vinatex phối hợp tiêu thụ xơ sợi của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ
- 22-07-2017Mỹ chấm dứt điều tra chống bán phá giá với sợi polyester Việt Nam
Một nghịch lý trong chuỗi cung ứng của ngành dệt may là sợi sản xuất ra hiện nay phải xuất khẩu 2/3 sản lượng, trong khi ngành may lại phải nhập 65 - 70% lượng vải mỗi năm.
Nhìn một cách tổng quan chuỗi cung ứng của ngành dệt may từ khâu kéo sợi, dệt vải, may thì tốc độ tăng trưởng của ngành vẫn khá. Từ 2000-2013 doanh thu toàn ngành tăng 15%, đến 2014-2015 tăng 18%, năm 2016 rớt xuống còn 5,7%, năm nay dự kiến tăng 7,8%.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), nếu đi vào từng phân khúc của ngành dệt may, thì có thể thấy ngành dệt may bị “thắt” ở điểm giữa, tức là sợi và may phát triển mạnh nhưng ở công đoạn nguyên liệu vải lại bị chững lại.
Nếu năm ngoái cả nước sử dụng 9 tỷ mét vải thì sản xuất trong nước chỉ đạt 3 tỷ mét, 6 tỷ mét còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu. Giả định tốc độ ngành dệt may vẫn cứ đạt tốc độ tăng trưởng 7-8% như hiện nay thì đến 2025 quy mô ngành sẽ tăng gấp đôi, nếu như vậy lượng vải chúng ta cần sẽ gấp đôi là 18 tỷ mét. Nếu chúng ta không đầu tư sản xuất vải thì sẽ lệ thuộc vào 15 tỷ mét vải nhập khẩu, như vậy Việt Nam khó thoát khỏi phương thức may gia công.
Ông Vũ Huy Đông, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Damsan cho rằng, ngành dệt có vai trò quan trọng không chỉ đối với riêng ngành may mà cả tổng thể ngành dệt may, vì vải là yếu tố quan trọng quyết định đến chi phí và chất lượng cuối cùng của một sản phẩm may mặc. Mặc dù có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho ngành may, nhưng trên thực tế, ngành dệt Việt Nam còn nhiều hạn chế về chất lượng.
Bên cạnh đó, sản lượng ngành dệt cũng không đáp ứng nhu cầu của ngành may. Nhập khẩu vải các loại về Việt Nam trong năm 2016 tăng 3,2% so với năm 2015, trong khi xuất khẩu lại giảm (trong khoảng 23,84 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong năm 2016, giá trị xuất khẩu vải chiếm 43,9%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với 2015).
“Nhìn vào nút thắt này thấy, ngành may rất cần vải, ngành sợi lại thừa xuất đi. Chúng ta có khoảng 7,5 triệu cọc sợi, sản lượng đạt xấp xỉ 1,3 triệu tấn sợi nhưng lượng sợi dùng trong nước chỉ 500 ngàn còn 800 ngàn chúng ta xuất khẩu. Chúng ta cần có chính sách hoặc các doanh nghiệp đầu tư dệt vải lấy lượng sợi thừa này để dệt vải thì giảm được lượng vải nhập khẩu, thúc đẩy ngành phát triển”, ông Tuấn nói.
Theo VCOSA, trước đây, sợi Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang 2 thị trường lớn là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ... Nhưng những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp áp dụng các biện pháp chống bán phá giá nên chúng ta mất trắng thị trường này. Các thị trường khác cũng giảm, như xuất sang Nhật nhưng hiện nay Nhật lại đầu tư sang Việt Nam hoặc Hàn Quốc cũng vậy.
Do đó, có thể tính 70-80% sợi của Việt Nam xuất sang Trung Quốc, và như vậy cũng rất rủi ro vì “bỏ tất cả trứng vào cùng một rổ”. Hiện chúng ta vẫn xuất khẩu được sang Trung Quốc vì giá bông của Trung Quốc vẫn rất cao.
Song điều đáng lo ngại, đây chỉ là khe hẹp cho sợi Việt Nam. Bởi theo phân tích của VCOSA, hiện nay kho hàng bông của Trung Quốc còn 11 triệu tấn và phải được giải phóng. Nếu Trung Quốc giải phóng lượng bông này thì thị trường của ngành sợi Việt Nam tại Trung Quốc bị thu hẹp đáng kể.
Hiện Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực giải phóng kho bông đó bằng cách tạo ra đặc khu kinh tế ở Tân Cương và kêu gọi đầu tư 20 triệu cọc sợi. Như vậy, 1 năm 20 triệu cọc sợi sẽ ngốn vài triệu tấn bông. Do đó sợi Việt Nam bán sang Trung Quốc sẽ rất khó cạnh tranh, chưa kể đặc khu Tân Cương tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất sợi bằng việc hỗ trợ điện, lương cho công nhân, thuế. Hiện nay 9 triệu cọc sợi đã được lắp đặt ở Tân Cương. “Điều này các doanh nghiệp Việt Nam hết sức lưu ý”, ông Tuấn lưu ý.
Theo bà Phạm Thị Tường Vân, Viện Chiến lược và chính sách tài chính, khi nâng cấp chuỗi giá trị trong ngành dệt may, cần tập trung phát triển công nghiệp thượng nguồn (công nghiệp hỗ trợ). Đối với phân khúc sản xuất sợi, xu hướng các doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành sợi sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tạo ra sản phẩm sợi có chất lượng cao.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành sợi quy mô nhỏ có cơ hội được tham gia vào chuỗi sản xuất sợi của doanh nghiệp FDI trong giai đoạn chưa đủ tiềm lực.
Đồng thời, các chính sách của Nhà nước cần được xây dựng theo nguyên tắc bám sát, hỗ trợ cụ thể, đúng đối tượng và từng giai đoạn theo ngành dọc; từ quy hoạch đến đầu tư cơ sở hạ tầng, xét duyệt dự án và cấp phép, đến khâu sản xuất và phân phối sản phẩm.
Vneconomy