MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Sớm có thái độ với các dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”

Chủ tịch Quốc hội muốn biết hiện có bao nhiêu dự án nghìn tỷ đang “đắp chiếu” và đang thua lỗ, nằm ở đâu...

Chính phủ cần có thái độ sớm xem dự án nào dứt khoát không dùng tiền ngân sách Nhà nước để “nuôi” nữa, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý góp ý chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá 14.

Theo báo cáo của Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc, kỳ họp này dự kiến sẽ khai mạc ngày 20/10 và sẽ làm việc trong 22,5 ngày. Tại phiên họp trù bị sẽ công khai danh sách cơ quan chậm gửi tài liệu phục vụ kỳ họp.

Báo cáo riêng các dự án ngàn tỷ

Về nội dung kỳ họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị bổ sung nội dung về kế hoạch tài chính 5 năm. Đây là nội dung rất quan trọng, ông nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị cần có báo cáo về những vấn đề cử tri quan tâm, trong đó có hiệu quả dự án bauxite Tây Nguyên và các dự án ngàn tỷ hoạt động không hiệu quả, đáng “đắp chiếu”, như cử tri và báo chí đã nêu.

Cũng liên quan đến những dự án ngàn tỷ đang “đắp chiếu”, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý nói, Thủ tướng nói dứt khoát không lấy tiền thuế của dân để bù lỗ cho doanh nghiệp. Nhưng danh sách các dự án nghìn tỷ đang đắp chiếu thì dài ra, và có những doanh nghiệp lại xin cơ chế, tức là xin tiền.

Ông Tuý đề nghị cần có thái độ sớm, phân biệt những công trình nào thuộc diện cần thiết phải duy trì và những dự án nào dứt khoát không dùng tiền ngân sách Nhà nước để “nuôi” nữa.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì hiện có bao nhiêu dự án nghìn tỷ đang “đắp chiếu” và đang thua lỗ, nằm ở đâu, trách nhiệm thế nào, khắc phục ra sao thì Quốc hội phải biết. Dự án bauxite Tây Nguyên cũng cần xem lại.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng kỳ họp thứ hai cần có báo cáo riêng về vấn đề khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường liên quan tới Formosa, xem đến thời điểm đó được giải quyết thế nào.

Sốt ruột vì luật

Liên quan đến việc sửa Bộ luật Hình sự 2015, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư Pháp Lê Thị Nga đề nghị dành một ngày để thảo luận tổ và một ngày thảo luận tại hội trường để bàn thảo cho thấu đáo.

Đề cập những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong xây dựng pháp luật, trong đó có việc lãnh đạo một số cơ quan chủ trì soạn thảo khoán trắng cho chuyên viên, chuyên viên thì chạy tiếp sức, nay người này mai người khác, bà Nga đề nghị cần có thái độ kiên quyết với các dự án luật không đảm bảo về quy trình, hồ sơ.

Đề cập dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Phòng chống tham nhũng dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, bà Nga cho biết đã gửi công văn đến cơ quan được giao soạn thảo đề nghị gửi về Uỷ ban thẩm tra chậm nhất là ngày 15/8, nhưng đến ngày 16/8 vẫn chưa thấy.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình cũng phàn nàn, dự án luật Du Lịch đến nay dù Ủỷ ban vẫn “ép”, nhưng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch chưa gửi tài liệu và tha thiết xin được giãn.

“Dự thảo luật lần thứ ba đã thay đổi toàn bộ ý tưởng của dự thảo lần hai, trở thành luật ống, hình như đơn giản để dễ thông qua”, ông Bình bình luận.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng lo lắng, khi thời gian thảo luận Luật Về hội với rất nhiều vấn đề phức tạp, chỉ có nửa ngày là không thể đủ, đề nghị nâng lên một ngày.

Một số dự án luật khác, trong đó có dư án Luật Quy hoạch, nếu chỉ bố trí nửa ngày, thì theo Phó chủ tịch Uông Chu Lưu, cũng sẽ chỉ lớt phớt.

Với dự án luật sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, ông Lưu đề nghị sẽ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét vào tháng 9, nếu được thì trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ hai.

“Uỷ ban Kinh tế chưa nhận được văn bản nào của Chính phủ về dự án luật này”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh sốt ruột.

“Chúng tôi đã gửi công văn từ mùng 3/6 để đôn đốc Chính phủ về dự án này nhưng đến giờ chưa có”, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm.

“14 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu ở kỳ họp thứ hai mới chỉ thảo luận hai cái, còn 12 cái chưa thấy tăm hơi gì hết”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khái quát.

“Đừng để Quốc hội phải điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh”, bà Ngân lưu ý.

Thông tin về nhân sự rõ ràng

Đánh giá về kỳ họp thứ nhất, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận, việc xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự là nội dung trọng tâm của kỳ họp, được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, phát huy tinh thần trách nhiệm, dân chủ của đại biểu Quốc hội, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng.

Các tờ trình, báo cáo trình Quốc hội được chuẩn bị chất lượng, thông đến nhân sự rõ ràng, được cung cấp kịp thời, tạo cơ sở thuận lợi để Quốc hội xem xét, quyết định.

Việc chuẩn bị phiếu bầu, dự thảo nghị quyết, lấy phiếu thăm dò ý kiến của đại biểu Quốc hội được triển khai kịp thời, hợp lý; việc bỏ phiếu, kiểm phiếu được thực hiện tốt (lần đầu tiên kiểm phiếu bằng máy và đã rút ngắn được thời gian kiểm phiếu).

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nhân sự được bầu và phê chuẩn với sự tín nhiệm cao, thể hiện sự đồng thuận, được dư luận xã hội và cử tri quan tâm, ủng hộ; đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ; được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở, trải qua các cương vị khác nhau, có kinh nghiệm, năng lực thực tiễn.

Nhân sự được bầu và phê chuẩn cũng được nhìn nhận là có số lượng và cơ cấu hợp lý, có sự tiếp nối, kế thừa kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của các khóa trước và phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước.

Đồng thời, hồ sơ cá nhân được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, kịp thời, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

“Các vị đại biểu Quốc hội đã dành thời gian nghiên cứu, trao đổi dân chủ, thể hiện rõ chính kiến, sáng suốt lựa chọn những người xứng đáng đảm nhận các công việc quan trọng”, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo.

Theo Nguyễn Lê

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên