Sống ở một trong những thành phố đắt đỏ bậc nhất thế giới, đây là cách chàng trai trẻ 23 tuổi trang trải cuộc sống với mức thu nhập 172.200 đô/năm
Drake Pooley, 23 tuổi, chia sẻ với CNBC Make It, cha của anh là một doanh nhân luôn đầy ắp những ý tưởng kinh doanh mới và táo bạo. Nhưng người thực sự truyền cảm hứng cho Pooley lại là bà của anh. Một người Lithuania đến Hoa Kỳ từ năm 14 tuổi, người mà Pooley ngưỡng mộ nhất.
"Bà tôi là người dân tị nạn làm việc chăm chỉ nhất mà tôi từng gặp", Pooley nói.
Drake Pooley hiện là nhà tư vấn quản trị cho một công ty hàng đầu ở thành phố New York. Đặc thù công việc của anh là phải di chuyển liên tục đến các thành phố khác nhau ở Hoa Kỳ như Chicago, Cincinnati, Nashville..., từ thứ 2 đến thứ 5, để giúp các tổ chức đưa ra giải pháp cho những vấn đề đang làm họ khó chịu.
Những trải nghiệm di cư đến Hoa Kỳ của gia đình đã hình thành nên tất cả các quyết định về tài chính và công việc của Pooley. Mục tiêu của anh đó là làm những công việc từ thiện càng nhiều càng tốt.
Đặc thù công việc của Pooley là phải di chuyển liên tục đến các thành phố ở New York.
Hiện Pooley đang điều hành một trang web đánh giá, phê bình sơ yếu lý lịch cho sinh viên và những người có thu nhập dưới 35.000 đô la mỗi năm, miễn phí. Anh còn quyên góp cho các chính trị gia và tổ chức từ thiện nhằm mục đích hỗ trợ quyền của người nhập cư. Đồng thời, Pooley thường xuyên thu thập những chai dầu gội và dầu xả mini để tặng cho những người vô gia cư ở nhiều nơi khác nhau.
"Giờ đây tôi đã nhận ra đặc quyền to lớn mà mình có khi là một chàng trai trẻ 23 tuổi. Đó là tôi có đủ sức lực và thời gian để thực hiện hết những điều này", anh nói.
Những khoản thu nhập mà Pooley kiếm được
Tình huống của Pooley khá độc đáo ở chỗ anh biết thu nhập dự kiến của mình sẽ là bao nhiêu trong vài năm tới. Ngay bây giờ, anh hiện đang có một công việc ổn định với mức lương hàng năm là 120.000 đô la. Thêm vào đó, mỗi năm anh sẽ nhận được khoản tiền 47.250 đô la từ tiền thưởng theo hiệu suất làm việc, chia sẻ lợi nhuận và quỹ hưu trí tư nhân. Vào tháng 7 năm 2020, mức lương hàng năm của Pooley sẽ tăng lên 158.000 đô la.
Anh thường làm việc 15 giờ một ngày, sau đó nghỉ giải lao và chạy bộ ngay trong trung tâm thể dục của khách sạn. Mức lương sáu con số khiến cho thời gian và công sức anh bỏ ra trở nên rất đáng giá.
"Khi tôi mới tham gia vào công việc tư vấn này, khoảng thời gian phải đi lại liên tục giữa các thành phố khiến tôi cảm thấy rất chán nản và mệt mỏi. Nhưng bây giờ, tôi đã làm chủ được thời gian của mình và có thể duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống", anh nói.
Thêm vào đó, Pooley hiện đào tạo các sinh viên đại học Trung Quốc về quy trình làm việc của các công ty ở Hoa Kỳ, nhằm giúp họ định hướng việc khởi nghiệp của mình ở nước ngoài. Anh tính phí 100 đô la mỗi giờ và mỗi tháng thu được khoảng 400 đô la.
"Tôi đã sống ở Trung Quốc hai lần. Do đó, tôi rất quen thuộc với lối suy nghĩ của sinh viên Trung Quốc và cả sự khác biệt về văn hóa", anh nói.
Pooley cũng thường xuyên tranh thủ thời gian rảnh rỗi để giúp cha mình quản lý công ty áo phông của ông, Ultra Hot.
"Tôi phải thừa nhận mình là người nghiện công việc. Và cuộc sống của tôi hầu như không có thời gian nghỉ ngơi", anh nói.
Pooley quản lý ngân sách của mình như thế nào?
Dưới đây là những kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm trong một tháng thông thường của anh.
Pooley rất nghiêm ngặt với ngân sách của mình. Tiết kiệm tiền là ưu tiên hàng đầu của anh. Và anh ấy chưa bao giờ mua thứ gì mà nằm ngoài khả năng chi trả của bản thân.
"Thành thật mà nói tôi luôn nghĩ về tiền bạc. Tôi cảm thấy bản thân cần phải kiểm soát được những khoản chi tiêu và thu nhập trong tài khoản ngân hàng của mình. Và tôi muốn chắc chắn rằng tôi sẽ thực hiện điều đó một cách có trách nhiệm nhất", Pooley chia sẻ.
Chính suy nghĩ đó đã giúp anh trả hết khoản nợ vay sinh viên 12.000 đô la ở hai trường đại học cũ, kể từ năm đầu tiên ra trường. Anh đã nhận bằng thạc sĩ kép về thương mại toàn cầu và quản lý chiến lược toàn cầu của Đại học Virginia và Đại học ESADE ở Barcelona.
Thêm vào đó, nhờ có học bổng tư nhân và viện trợ từ cha mẹ, Pooley đã tốt nghiệp với bằng cử nhân từ Đại học Auburn mà không có khoản nợ vay sinh viên nào. Hiện tại, anh ấy đang tiết kiệm để có thể theo học tại một trường kinh doanh ở Hoa Kỳ vào năm tới.
Tiết kiệm: $ 2.783
Phần lớn nhất trong tổng thu nhập của Pooley, được dành cho khoản tiết kiệm của anh. 700 đô la hàng tháng sẽ vào tài khoản ngân hàng Ally của anh, trung bình 500 đô la cho tài khoản tiết kiệm IR và 1.583 đô la sẽ được chuyển vào quỹ hưu trí.
"Tôi muốn đầu tư vào các công ty hoạt động vì mục đích hỗ trợ bình đẳng giới, năng lượng sạch và trao quyền kinh tế", anh nói.
Đối với quỹ hưu trí, Pooley chọn phương pháp đầu tư cá nhân của Warren Buffett: quỹ chỉ số chi phí thấp.
"Bài học quan trọng nhất mà tôi đã học được về tiền là bạn nên luôn luôn đầu tư vào các quỹ chỉ số chi phí thấp. Bởi vì chúng sẽ là sự tăng trưởng an toàn nhất theo thời gian. Cố gắng tìm kiếm mẹo và thủ thuật để làm giàu nhanh không bao giờ có hiệu quả. Thay vào đó, bạn nên chọn lối đi an toàn và dài lâu cho bản thân mình", Pooley chia sẻ với CNBC Make It.
Hiện tại, Pooley đang lên một kế hoạch tiết kiệm hoàn hảo. Anh muốn tối đa hóa các tài khoản hưu trí của mình. Nâng lên thành 6.000 đô la cho IRA và 19.000 đô la cho 401 (k) trong năm nay, nhằm mục đạt được 20.000 đô la tiền tiết kiệm. Một khi Pooley làm được điều đó, anh ấy sẽ chuyển số tiền tiết kiệm của mình sang một tài khoản môi giới để mua cổ phiếu.
"Kế hoạch đầu tư của tôi thực sự chỉ là để tiết kiệm càng nhiều càng tốt. Điều này sẽ khiến tôi cảm thấy an tâm hơn rất nhiều trong tương lai", anh nói.
Tiền thuê nhà: 1.575 đô la/tháng
Pooley hiện đang sống trong một căn hộ hai phòng ngủ ở Williamsburg, Brooklyn. Trước đó, anh đã sống ở Manhattan khi lần đầu tiên chuyển đến thành phố New York. Pooley nói sống ở Brooklyn khiến anh trở thành một người có trach nhiệm hơn đối với tài chính của mình.
Du lịch: 576 đô/tháng
Pooley đang ăn uống và nói chuyện vui vẻ với đồng nghiệp của mình.
Cha của Pooley là một người yêu thích lướt sóng. Do đó, anh đã được đi du lịch khắp nơi cùng với cha mình, để đến các địa điểm nổi tiếng về lướt sóng như Nicaragua và Mexico.
Tính đến nay, anh đã đặt chân đến 46 quốc gia. Chỉ riêng trong năm nay, anh đã đi du lịch tới các nước như: Qatar, Singapore, Thượng Hải, Maldives, vùng Azores của Bồ Đào Nha, Thành phố Mexico, Dubai và Úc, cũng như các điểm đến trong nước, như Đại học Auburn ở Alabama, nơi anh theo học đại học. Tiếp theo, anh ấy có những chuyến đi được lên kế hoạch trong năm nay đến Tahiti và Bora Bora.
Để chi trả cho các chuyến đi của mình, anh đã sử dụng đến năm loại thẻ tín dụng, với tổng phí thường niên là 910 đô la:
Thẻ Bạch kim Amex (550 đô).
Thẻ Citi Premier (95 đô).
Thẻ Hilton Honors (95 đô).
United Explorer (95 đô).
Alaska Airlines Visa Signature (75 đô) .
"Những đặc quyền mà 5 tấm thẻ này đem lại rất khác nhau và tôi cũng thường xuyên tích điểm cho chúng. Mỗi lần mua vé và quyết định đi đến đâu, tôi sẽ cân nhắc và chọn ra loại thẻ phù hợp nhất. Thậm chí, đôi khi nhờ vào điểm tích lũy được trong những loại thẻ này, mà tôi chẳng phải chi một đồng nào cho vé máy bay. Gần đây nhất, có chuyến đi tới Maldives giá vé máy bay bán lẻ là 33.000 đô la, nhưng tôi chỉ phải bỏ ra 2.200 đô la", Pooley chia sẻ.
"Sự hoang phí lớn nhất của tôi chắc chắn là vào việc đi du lịch. Tôi đã chi khoảng 5.000 đến 7.000 đô la một năm cho việc du lịch. Nhưng tôi làm điều đó theo cách mà bản thân nhận được nhiều giá trị hơn so với những gì tôi thực sự phải chi trả. Các điểm đến trong năm nay đều là những nơi tôi mua vé may bay với giá siêu rẻ".
Thêm vào đó, những chuyến công tác hàng tuần cũng giúp anh tích lũy được rất nhiều điểm trong thẻ ngân hàng của mình. Năm ngoái, Pooley đã tích lũy được 95.000 điểm trong thẻ công ty của mình. Pooley cũng đã đưa ra lời khuyên về việc tích điểm thẻ cho những chuyến du lịch, với bạn bè và đồng nghiệp của mình.
Ăn uống: 565 đô la/tháng
Bởi vì đặc thù công việc của anh là phải đi đến rất nhiều nơi, nên hầu hết việc ăn uống của Pooley đều do công ty tài trợ.
Mặc dù anh ấy đã cố gắng giữ chi phí ăn uống của mình ở mức khoảng 400 đô la mỗi tháng. Nhưng Pooley nói rằng việc chi tiêu cho chuyến du lịch gần đây của anh đã làm tăng ngân sách lên rất nhiều so với sự kiến.
"Ăn uống là khoản chi tiêu khó kiểm soát nhất trong ngân sách. Một trong những lợi ích của việc liên tục đi công tác là tôi nhận được một khoản chi phí trợ cấp của công ty từ thứ 2 đến thứ 5. Vì vậy tôi chỉ phải chịu trách nhiệm về các chi phí sinh hoạt của mình từ chiều thứ 6 đến chủ nhật", anh nói.
Anh ấy rất hiếm khi ăn ở nhà, vì không có đủ thời gian để đi chợ và nấu ăn. Và thực sự tủ lạnh của anh ấy gần như trống rỗng. Thay vào đó, anh đến các nhà hàng ở thành phố Williamsburg để dùng bữa hoặc ăn các món ăn vặt đường phố.
Các khoản tiền từ thiện: 115 đô/tháng
Công việc từ thiện rất quan trọng đối với Pooley. Nhưng lịch trình bận rộn không cho phép anh làm những công việc tình nguyện mà mình yêu thích. Vì vậy anh ấy chọn việc quyên góp hàng tháng cho những tổ chức từ thiện mà bản thân cảm thấy cần thiết.
Hiện tại, anh đang quyên góp hàng tháng cho bốn ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, cho đến khi xác định được mình sẽ bầu ai. Đồng thời, Pooley cũng dành ra một số tiền để hỗ trợ CUNY Citizenship Now nhằm vinh danh người bà quá cố của anh. CUNY Citizenship Now là một tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho những người tìm kiếm quyền công dân Hoa Kỳ.
"Tôi muốn bản thân có thể tạo cho những người nhập cư mới cơ hội trở thành công dân Mỹ, giống như bà tôi vậy", anh ấy nói.
Những khoản chi tiêu khác:
Quần áo: 250 đô la/tháng.
Các khoản đăng ký: 89 đô la/tháng (Netflix, Spotify, Hulu, Birchbox, phòng tập thể dục, tên trang web).
Vật dụng sinh hoạt: 80 đô la/tháng (anh ấy chia tiền với bạn cùng phòng của mình).
Giải trí: 75 đô la/tháng.
Bảo hiểm: 70 đô la/tháng.
Phí đi lại: 64 đô la/tháng (giá vé tàu điện ngầm, xe tay ga Rebel).
CNBC