MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kết quả nghiên cứu: Chơi game giúp trẻ học toán và các môn khoa học tốt hơn

09-08-2016 - 13:52 PM | Sống

Daily Mail đưa tin, những học sinh chơi game hàng ngày đạt điểm số cao đối với môn toán và khoa học. Trái lại, những học sinh thường “dán mắt” vào các trang mạng xã hội như Facebook có khả năng tụt lại phía sau.

Nhiều bậc phụ huynh quan niệm, chơi game là hoạt động không đem lại lợi ích, gây lãng phí thời gian. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới đây, trò chơi giải trí này có thể thúc đẩy kết quả kiểm tra của học sinh cao hơn.

Dựa trên chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Pisa), các nhà nghiên cứu tiến hành khảo sát đối với hơn 12.000 thiếu niên Úc, ở lứa tuổi 15, trong lĩnh vực toán và khoa học. Bên cạnh đó, họ cũng thu thập thông tin về sinh hoạt cá nhân của các em. Kết quả cho thấy, chơi điện tử có thể giúp học sinh áp dụng và nâng cao các kỹ năng được học ở trường.

Alberto Posso, giáo sư tại trường đại học RMIT, Melbourne cho biết: "Học sinh chơi game trực tuyến thường xuyên đạt 15 điểm, tức là trên mức trung bình đối với môn toán và 17 điểm đối với môn khoa học.”

Giáo sư nói thêm: "Chơi game trực tuyến tức là bạn đang giải quyết các câu đố để có thể tiếp tục đạt cấp độ cao hơn. Khi đó, bạn sẽ vận dụng những kiến thức chung, kĩ năng được dạy ở trường trong môn toán, đọc và khoa học”. Từ đó, ông đưa ra lời khuyên: “Giáo viên nên cân nhắc việc kết hợp trò chơi điện tử vào chương trình giảng dạy, miễn là không chứa nội dung bạo lực”.

Tuy nhiên, giáo sư Posso tiết lộ, ở lứa tuổi thanh thiếu niên, những người sử dụng Facebook hay tính năng “chat” hàng ngày có điểm toán thấp hơn số còn lại. Sử dụng mạng xã hội thường xuyên thực sự gây phí thời gian.

Để có thể giải quyết tình trạng trên, giáo sư gợi ý giảng viên đưa các vấn đề liên quan đến Facebook vào lớp học như là một cách để giúp học sinh trở nên tích cực với các hoạt động trên lớp hơn. Theo ông, việc nhận ra các yếu tố ảnh hưởng đến sự tiến bộ của học sinh rất quan trọng.

Ở góc độ khác, theo nghiên cứu được công bố trên International Journal of Communication, việc học lại một năm hoặc bỏ học có thể khiến điểm số kém và tệ hơn nhiều so với việc sử dụng các phương tiện xã hội với cường độ cao.

Những sinh viên đến từ vùng dân tộc thiểu số hoặc vùng có ngôn ngữ riêng cũng có khả năng tụt lại khá xa so với người thường xuyên sử dụng Facebook hay các phần mềm nói chuyện trực tuyến hàng ngày.

Nguyễn Nguyễn

D.M

Trở lên trên