Sốt lan đột biến, giấc mộng "ôm lan đổi đời" và lời cảnh báo "bong bóng tulip" gần 400 năm trước
Sốt đất, sốt vàng, sốt chứng khoán, tất cả đều quen thuộc với lịch sử kinh tế hàng trăm năm qua. Nhưng sốt lan đột biến thì sao?
- 18-04-2021Giới sành lan: Lan đột biến không hiếm, muốn là có ngay vạn cây
- 15-04-2021Quảng cáo giao dịch lan đột biến trăm tỷ: Một tấc đến trời
- 14-04-2021Mù mờ giá trị lan đột biến tiền tỷ, chớ dại lao vào như “thiêu thân”
Thời gian gần đây, lan đột biến (hay còn gọi là lan var) khiến thị trường lên "cơn sốt" với những vụ chuyển nhượng tiền tỷ, thậm chí là vài chục, vài trăm tỷ đồng được tung thông tin giao dịch lên mạng xã hội. Nếu là thật, có lẽ chỉ con số lẻ trong những vụ giao dịch đó cũng có thể bằng số tiền tích cóp cả một đời người.
Vài tỉ, thậm chí là vài trăm tỷ cho một cây lan đột biến
Cơn sốt lan đột biến đã làm người ta liên tưởng đến một sự kiện kinh điển về đầu cơ cách đây gần 400 năm, cũng liên quan đến một loài hoa: "bong bóng Tulip".
"Bong bóng tulip" là gì?
Vào thế kỉ 17, tại Hà Lan, một cơn sốt đối với một giống hoa cũng khiến thị trường nước này "điên đảo". Đó chính là cơn sốt các củ hoa tulip. Xu thế đầu cơ khi đó đã đẩy giá củ hoa tulip lên mức cực đỉnh. Tại thời điểm thị trường bùng nổ nhất, giá thu mua những củ hoa tulip giống hiếm có thể cao gấp 6 lần mức thu nhập cả năm của một người lao động trung bình.
Một củ hoa có thể mua được cả một căn nhà khang trang bên bờ kênh ở Harleem. Ngày nay, cơn sốt hoa tulip vẫn luôn được thị trường nhắc đến như một ví dụ điển hình về sự đầu cơ quá mức, thậm chí mù quáng và những hậu quả nó có thể gây ra.
"Bong bóng tulip" của thế kỉ 17- khi một củ hoa có giá ngang một toà dinh thự
Lịch sử của "bong bóng tulip"
Cũng giống như hoa lan, hoa tulip là loài hoa được rất nhiều người Hà Lan yêu thích và tự hào vì vẻ đẹp đa dạng và rực rỡ của nó. Nhưng ít người biết rằng mãi tới những năm cuối thế kỉ 16, hoa tulip mới du nhập vào Tây Âu và xuất xứ của nó vốn là từ Thổ Nhĩ Kỳ. Chính vì lẽ đó, hoa tulip lúc bấy giờ được coi là loài hoa quyền quý, chỉ xuất hiện trong vườn của giới nhà giàu. "Hào quang" xung quanh hoa tulip thời đó cũng có thể khiến người ta mường tượng tới câu nói "Vua chơi lan, quan chơi trà" tại Việt Nam.
Giá trị tự có của hoa được đẩy lên càng cao khi nó gắn liền với sự "quyền quý", và đặc biệt là "hiếm". Tuy nhiên, cũng chính vì lý do đó, mà hoa tulip của thế kỉ 17 hay lan đột biến của Việt Nam ở hiện tại đều được định giá chủ yếu dựa vào cảm quan cá nhân của người mua và bán.
Nếu như trong cơn sốt lan "var", người ta truyền tai nhau những câu chuyện về sự dị biến trong gien khiến cây trở nên giá trị gấp bội, thì thời xưa, hoa tulip được thổi giá nhờ vào cái gọi là "củ vỡ". Củ hoa tulip "vỡ" chính là loại củ bị nhiễm virus cho ra hoa văn sọc, nhiều màu thay vì chỉ 1 màu duy nhất. Cũng chính nhờ sự dị biến trong gien này mà "củ tulip vỡ" đột nhiên được thổi phồng giá lên, và cuối cùng là gây ra cơn sốt chưa từng có trên thị trường.
Tulip "đột biến" trở thành hàng hiếm trên thị trường thế kỉ 17
Năm 1634, cơn cuồng hoa tulip quét qua đất nước Hà Lan. Thậm chí, người ta đổ xô đi lùng củ hoa hiếm, đến nỗi bỏ bê cả những ngành công nghiệp bình thường của đất nước. Tất cả các tầng lớp dân chúng, không chỉ thương lái, mà cả những người dân nghèo khổ nhất, cũng nhảy vào cơn sốt hoa tulip.
Theo trang investopedia, một củ hoa lúc bấy giờ có thể đáng giá 4 nghìn hoặc 5,5 nghìn đồng tiền vàng. Nếu quy đổi ra tiền tệ hiện tại, thì một củ tulip giá cao nhất lúc bấy giờ có thể được bán với giá lên tới 750 nghìn USD (tương đương hơn 17 tỷ đồng tiền Việt). Còn lại, các củ trung bình cũng rơi vào khoảng 50 nghìn cho tới 150 nghìn USD. Năm 1636, nhu cầu mua bán hoa tulip đã lớn tới mức các siêu thị chuyên bán chúng đã được thành lập trên sở giao dịch chứng khoán Amsterdam, hoặc ở Rotterdam, Haarlem và nhiều thị trấn khác.
Một số nhà sử học viết rằng hầu như tất cả mọi tầng lớp lao động ở Hà Lan đều nhảy vào cơn sốt tulip
Chính lúc đó, các nhà giao dịch chuyên nghiệp bắt đầu xắn tay áo lên và hành động. Dường như khắp đất nước ai nấy đều rỉ tai nhau rằng có thể kiếm được rất nhiều tiền một cách rất dễ dàng nếu như sở hữu những củ hoa tulip hiếm.
Nhiều chuyên gia thị trường đã ghi lại dự đoán của họ trong sử sách - rằng cơn sốt hoa tulip sẽ kéo dài "mãi mãi", và rằng giá "chỉ có thể đi lên". Mọi người bắt đầu mua hoa tulip bằng các "đòn bẩy"- tức là sử dụng các hợp đồng phái sinh ký quỹ để mua nhiều hơn mức họ có thể chi trả. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy thị trường đã nhầm, và giới đầu cơ buộc phải tỉnh mộng rất sớm. Chỉ 1 năm sau đó, vào năm 1637, giá củ hoa tulip bắt đầu giảm và không bao giờ có thể quay lại mức "hoàng kim".
Tại sao bong bóng hoa tulip lại vỡ?
Nếu như tại Việt Nam, cơn sốt lan đột biến chứng kiến nhiều người đi vay hàng chục tỷ đồng, đầu tư quá sức và cao hơn rất nhiều lần so với khả năng tài chính của bản thân và gia đình, thậm chí bán đất, bán nhà, vay nợ hòng "ôm lan đổi đời" thì cơn sốt hoa tulip năm 1634-1637 cũng chứng kiến tình trạng tương tự. Đầu cơ tích trữ bất chấp cũng chính là nguồn cơn khiến bong bóng tulip vỡ.
Một sự kiện quan trọng đã khiến nhiều người ôm hoa phải giật mình "tỉnh mộng". Mùng 3 tháng Hai năm 1636, một củ hoa hiếm đã không thể bán được tại một buổi đấu giá tại Harleem. Chỉ duy nhất sự cố đó đã đẩy giá củ hoa xuống thê thảm - khi người ta nhận ra rằng "tài sản"quý giá kia cũng có ngày trở thành hàng ế.
Năm 1637, rất nhiều người đã vay mượn để có thể sở hữu củ hoa hiếm, với hy vọng khi bán được với giá hời, họ có thể hoàn trả món nợ đó. Nhưng một khi giá củ xuống, các chủ sở hữu buộc phải bán tống bán tháo để thanh lý, và rất nhiều người đã sớm tuyên bố phá sản. Hoa mất giá, một số nhà sử học đã viết rằng nhiều người đã trầm mình xuống những kênh đào Haarlem để tự vẫn. Rất nhiều người khác sở hữu những củ hoa tulip hiếm đã không thể bán được, dù chỉ với cái giá bằng ¼ giá mua vào. Cho tới năm 1638, giá các củ hoa tulip đã trở lại mức ban đầu khi mới nhập vào Hà Lan.
Biểu đồ cho thấy giá củ hoa tulip lao dốc không phanh chỉ trong 1 năm (Ảnh: Medium)
Tác động lên nền kinh tế
Một số nguồn sử sách ghi lại rằng kinh tế Hà Lan đã chịu tác động nặng nề, thậm chí là "khủng hoảng" khi bong bóng hoa tulip vỡ. Nhưng rất nhiều nhà sử học hiện đại đã phản bác lại luận điệu đó. Tuy vậy, kể cả khi không có tác động gì quá nghiêm trọng tới toàn bộ nền kinh tế, "bong bóng tulip" cũng đã cho thấy những lỗ hổng trong hệ thống tín dụng thời bấy giờ, khi mọi mối quan hệ chủ yếu vẫn xây dựng dựa trên lòng tin giữa người và người.
Nói về thời kỳ bong bóng tulip vỡ, trang theconversation.com nhận định rằng không hẳn nguyên nhân "vỡ" là do làn sóng các nhà đầu tư ồ ạt và thiếu hiểu biết tràn vào thị trường, mà là do người ta đã nhận thấy sự dư thừa nguồn cung và sự bất bình ổn của mức giá đang ở ngưỡng cao chót vót. Những củ hoa được coi là hiếm sau đó đã được nhân giống dễ dàng và đại trà hơn, khiến chúng không còn "hiếm" nữa.
Bong bóng tulip trở thành câu chuyện "ngụ ngôn" tài chính ưa thích của giới đầu tư
Thật khó để kết luận hay tiên đoán rằng cơn sốt lan đột biến có kết cục "vỡ toang" như bong bóng tulip hay không, vì bong bóng tulip về cơ bản vẫn chỉ là một câu chuyện của thế kỷ 17, và được truyền miệng trong giới tài chính qua các trang web, các blog và kể cả các cuốn sách tài chính nổi tiếng. Nhưng không thể phủ nhận có khá nhiều điểm tương đồng giữa 2 làn sóng này, và sự bấp bênh khi đầu cơ lợi nhuận dựa trên ước đoán tâm lý thị trường là có thật.
Đáng chú ý, chính quyền Hà Lan thời điểm đó không thực sự can thiệp mạnh tay khi giá củ hoa sụp đổ. Toà án địa phương chỉ khuyến khích các bên liên quan tự giải quyết với nhau và tránh đưa nhau ra trước pháp luật. Trong khi đó, đối với cơn sốt lan đột biến của hiện tại, người ta đã ghi nhận những trường hợp "nhập nhằng" giữa bên mua và bên bán với số tiền không hề nhỏ - đồng thời sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Nhà sử học Anne Goldgar của trường đại học King’s College tại Luân Đôn, Anh Quốc thì nhận định rằng, câu chuyện về bong bóng tulip đã trở thành một truyện "ngụ ngôn" được giới tài chính thế giới rất ưa thích và hay trích dẫn mỗi khi có một loại tài sản mới nóng lên. Lý do đơn giản vì nó cho thấy những hệ quả khi con người dựa vào cảm tính để định giá một loại tài sản, tâm lý đám đông thổi bùng giá lên, và cuối cùng thực tại "phũ phàng" khiến họ phải tỉnh mộng. Cũng giống như với cơn sốt lan đột biến, nhiều ý kiến cho rằng có thể khiến người sở hữu phải "đột quỵ", vì có quá nhiều sự mập mờ ở cả thông tin về người bán, người mua, và giá trị thực của lan chưa được kiểm chứng.
VTV.VN