South China Morning Post: Trung Quốc đang dẫn trước Hoa Kỳ trong việc hợp tác với Đông Nam Á, chính quyền Trump cần đẩy mạnh quan hệ song phương với Việt Nam
Viện Brookings cảnh báo nguy cơ Hoa Kỳ sẽ tụt sau Trung Quốc về quan hệ đối tác với các quốc gia Đông Nam Á.
- 12-10-2019Sau Thái Lan, đến lượt Malaysia giảm thuế cạnh tranh với Việt Nam
- 12-10-2019The ASEAN Post: Việt Nam là điểm đến đầu tư tốt nhất ASEAN
- 11-10-2019Vinmart Good, Choice L,... tại sao các nhà bán lẻ xây dựng nhãn hàng riêng?
Một báo cáo từ Viện Brookings có trụ sở tại Washington so sánh tầm ảnh hưởng kinh tế hiện tại của Trung Quốc và Hoa Kỳ đến khu vực Đông Nam Á. Các số liệu chỉ ra rằng Hoa Kỳ là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu vào khu vực này, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại số một.
Báo cáo cũng lập luận rằng chính sách ứng xử với Trung Quốc của chính quyền Trump đang khiến nền kinh tế chuyển hướng theo xu thế khu vực hóa, thay vì toàn cầu hóa. Quan hệ của Trung Quốc với quốc tế đã vượt qua Hoa Kỳ trong một số lĩnh vực - đặc biệt là về cơ sở hạ tầng, nhờ Sáng kiến Vành đai và Con đường. Sáng kiến này đã bị Nhà Trắng đã chỉ trích là một bẫy nợ tiềm tàng với các quốc gia tham gia.
Quan hệ Trung Quốc - ASEAN có thể sẽ còn tiếp tục phát triển nhờ việc việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 16 thành viên, với ASEAN là trung tâm.
RCEP là hiệp định thương mại tự do kết nối những khu vực kinh tế năng động và phát triển nhất hiện nay, bao gồm ASEAN và Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), châu Đại Dương (Australia, New Zealand) và Ấn Độ. Chỉ tính riêng dân số của các quốc gia trong hiệp định này đã chiếm hơn một nửa dân số thế giới. Bởi vậy, đây là thị trường cực kỳ hấp dẫn.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á khá bền chặt, không chỉ vì vị thế là các đối tác thương mại hàng đầu của nhau, mà còn do sự gần gũi về địa lý và quan hệ lịch sử, văn hóa. Nhiều khả năng ASEAN tiếp tục nâng cao quan hệ hợp tác và sản xuất với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều khả năng Trung Quốc đang để mắt tới CPTPP.
Trong bối cảnh hiện nay, khi chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng và tăng trưởng toàn cầu chậm lại, CPTPP đã làm tốt vai trò thúc đẩy hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương. Trong những năm tới, CPTPP sẽ là phương tiện quan trọng đối với hội nhập kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nếu Trung Quốc gia nhập thỏa thuận kịp thời, nước này sẽ có thể tham gia sâu hơn vào hợp tác khu vực. Trước đây, Trung Quốc có một vài trở ngại về sở hữu trí tuệ , bảo vệ môi trường, quản lý luồng dữ liệu, tiêu chuẩn lao động và cải cách các doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang dần đáp ứng các tiêu chuẩn CPTPP. Trung Quốc đang tăng cường cải cách và mở cửa, có những cải tiến đáng kể trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong những năm gần đây. Chỉ số bảo vệ sở hữu trí tuệ của Ngân hàng Thế giới cho thấy mức độ bảo vệ của Trung Quốc cao hơn mức trung bình của thế giới. Thêm vào đó, một khi Luật đầu tư nước ngoài mới được thông qua bắt đầu có hiệu lực, việc bảo vệ sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc sẽ được kiểm soát tốt hơn.
Hầu hết các thành viên CPTPP đều hoan nghênh sự tham gia của Trung Quốc. Đối thoại với bộ trưởng của Úc, Canada, New Zealand và Malaysia, cũng như các đại sứ từ New Zealand, Singapore và Nhật Bản, Trung tâm Toàn cầu hóa Trung Quốc đã nhận được sự hưởng ứng.
Trước tình hình đó, báo cáo đề nghị chính phủ Hoa Kỳ nên điều chỉnh các chính sách thương mại và đầu tư với khu vực Đông Nam Á bằng cách tăng cường quan hệ song phương với các đối tác mới nổi như Việt Nam, tăng cường phối hợp phát triển cơ sở hạ tầng và thậm chí chỉ định một đặc phái viên của Hoa Kỳ để hỗ trợ vấn đề cơ sở hạ tầng của khu vực này.
Báo cáo cũng đề nghị Mỹ nên tái đàm phán với Trung Quốc về các vấn đề khu vực và toàn cầu, hợp tác nhưng có lập trường cứng rắn nếu như Bắc Kinh không tuân thủ luật pháp quốc tế, vi phạm nhân quyền.