Sự nguy hiểm của Covid-19: Những nơi từng được coi là tiêu chuẩn vàng cũng đang lao đao trước làn sóng thứ hai
Vì cách ly xã hội và thay đổi hành vi không phải là một môn khoa học chính xác, sự tái bùng phát nhấn mạnh rằng việc loại bỏ hoàn toàn nguy cơ là bất khả thi cho đến khi vắc-xin được tìm thấy - và cho đến lúc đó thì làn sóng lây nhiễm và các lệnh phong tỏa mới vẫn sẽ được tiếp tục.
- 30-07-2020Covid-19: Kỷ lục về số ca tử vong ở Mỹ, WHO cảnh báo "miễn dịch cộng đồng"
- 30-07-2020Bất chấp dịch Covid-19, Thái Lan vẫn kiếm được tiền nhờ chương trình du lịch y tế nhắm tới giới siêu giàu Trung Quốc
- 29-07-2020Tỉ phú Bill Gates: Hầu hết các xét nghiệm Covid-19 của Mỹ "hoàn toàn lãng phí"
Mỹ từng bị chỉ trích nặng nề về cách ứng phó với đại dịch, cũng như việc thiếu các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt trên toàn quốc - mà hậu quả đã được phản ánh qua số ca nhiễm bệnh và tử vong cao nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, ngay cả các quốc gia và vùng lãnh thổ từng được ca ngợi vì những phản ứng nhanh và hiệu quả trước Covid-19 cũng đang chứng kiến sự bùng phát và tăng trở lại số ca nhiễm bệnh, bởi có một sự thật rằng thành công trong việc khống chế virus chỉ mang tính tạm thời.
Hồng Kông
Hồng Kông từng được ca ngợi bởi phản ứng nhanh chóng vào tháng 1, khi họ thực hiện các biện pháp bao gồm lập bản đồ theo dõi virus, giãn cách xã hội, khuyến khích rửa tay và các biện pháp bảo vệ khác.
Chính phủ đã có hành động tiếp theo để ngăn chặn làn sóng thứ hai vào tháng 3, khi cư dân Hồng Kông bắt đầu quay trở lại thành phố và mang virus theo. Các nhà chức trách đã cấm những người không phải cư dân tới Hồng Kông, tạm dừng quá cảnh qua sân bay của thành phố này, thực hiện cách ly và kiểm tra nghiêm ngặt đối với những người đến.
Các phòng tập thể hình đều bị đóng cửa, việc bán rượu bị cấm trong các quán bar, trong khi đó các nhà hàng và quán cà phê đã bị đóng cửa hoặc buộc thực thi các biện pháp an toàn bổ sung. Trong nhiều tuần, số ca nhiễm virus mới hàng ngày đã giảm xuống một con số, và đôi khi bằng không.
Bất chấp tất cả những điều này, thành phố lại một lần nữa phải đối mặt với "làn sóng lây nhiễm thứ ba" kể từ ngày 6 tháng 7, khi các nhà chức trách cảnh báo về số ca lây nhiễm tăng theo cấp số nhân..
Vào cuối tuần trước, thành phố đã xác nhận 123 ca nhiễm mới, mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi đại dịch bắt đầu, theo các quan chức y tế. Các cuộc tụ họp công cộng đã bị giới hạn ở bốn người một lần nữa sau khi tăng lên 50, các phòng tập thể dục lại bị đóng cửa và khách du lịch đến bây giờ phải đưa ra bằng chứng về kết quả xét nghiệm âm tính.
Thành phố lần đầu tiên lệnh cho toàn dân đeo khẩu trang khi ra ngoài, mặc dù nhiều người đã tự giác đeo khẩu trang từ trước.
"Nếu xu hướng này tiếp tục, sẽ rất khó để xử lý tình huống", theo Tiến sĩ Chuang Shuk-kwan thuộc Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hồng Kông, người đưa ra cảnh báo rằng khả năng xét nghiệm, cơ sở cách ly và năng lực của bệnh viện đã đạt đến giới hạn . Tổng cộng, thành phố đã xác nhận 2.372 trường hợp nhiễm Covid-19, và mọi người hiện đang được khuyến cáo ở nhà.
Úc
Úc là một quốc gia khác được coi là tiêu chuẩn vàng trong việc phản ứng trước đại dịch.
Vào ngày 1 tháng 2, Úc - cũng như Mỹ, đã lệnh đóng cửa biên giới với những du khách nước ngoài từng đến Trung Quốc. Khi virus lây lan, Úc đã cấm các du khách đến từ Iran, Hàn Quốc và Ý vào đầu tháng 3 trước khi đóng cửa biên giới với toàn bộ những người không phải là công dân và không cư trú vào ngày 19 tháng 3.
Nước này đã cấm các cuộc tụ họp công cộng và du lịch không thiết yếu như là một phần của chuỗi các hạn chế vào cuối tháng 3 và, trong một khoảng thời gian, dịch bệnh đã thực sự nằm dưới tầm kiểm soát của quốc gia này. Người phát ngôn của Bộ Y tế Úc cho biết trong một tuyên bố với CNN vào đầu tháng 5 rằng: "Chúng tôi đã thực sự làm tốt và san phẳng đường cong số ca nhiễm và nhiễm mới."
Vào ngày 8 tháng 5, Thủ tướng Úc Scott Morrison công bố kế hoạch mở cửa lại đất nước vào tháng 7. "Bước tiếp theo sẽ là xây dựng sự tự tin và động lực giúp nền kinh tế của chúng ta trở lại và hoạt động và khiến người Úc quay trở lại cuộc sống bình thường một cách tự tin nhất," ông nói.
Tiến sĩ William Haseltine, chủ tịch của nhóm chuyên gia tư duy ACCESS Health International, đã lấy Úc làm tấm gương cho Mỹ. Ông nói rằng quốc gia này, cùng với Trung Quốc và New Zealand, đã xử lý hiệu quả các đợt bùng phát nghiêm trọng của virus. Các bước xét nghiệm, truy tìm dấu vết cũng như các chỉ dẫn rõ ràng đã làm giảm số trường hợp mắc mới xuống còn một con số.
Nhưng quốc gia này đã buộc phải cách ly 6,6 triệu người ở bang Victoria vào ngày 7 tháng 7 sau khi xuất hiện một đợt bùng phát virus ở thành phố Melbourne.
Biên giới giữa Victoria và New South Wales (NSW) - hai tiểu bang đông dân nhất của Úc - lần đầu tiên đã bị đóng cửa. Lệnh phong tỏa một lần nữa bị áp đặt và tất cả mọi người buộc phải đeo khẩu trang từ cuối tuần trước.
Nhật Bản
Nhật Bản tưởng chừng như đã phản ứng một cách hiệu quả trước đại dịch.
Vào ngày 25 tháng 5, Thủ tướng Shinzo Abe đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, tuyên bố: "Chúng tôi có thể dập tắt ổ dịch trong khoảng một tháng rưỡi theo cách riêng của Nhật Bản". Ông nói rằng quốc gia này sẽ tăng dần các hoạt động kinh tế và xã hội để tạo ra một "cuộc sống mới" trong đại dịch.
Các hoạt động kinh doanh và xã hội bắt đầu quay trở lại và thống đốc Tokyo Yuriko Koike nói rằng các viện bảo tàng và cơ sở thể thao sẽ mở cửa trở lại với điều kiện an toàn, và việc học tập cũng sẽ trở lại bình thường. Chính phủ Nhật Bản thậm chí đã đưa ra một sáng kiến du lịch mới nhằm kích thích du lịch nội địa.
Nhưng các ca nhiễm bệnh đã bắt đầu gia tăng và Nhật Bản đã ghi nhận con số nhiễm mới hàng ngày cao nhất là 981 trường hợp vào thứ Năm tuần vừa rồi, theo Bộ Y tế, cùng với đó là hai trường hợp tử vong. Một số quận tại các thành phố lớn nhất cũng đã ghi nhận số ca mắc cao chưa từng thấy. Thống đốc Tokyo Yuriko Koike đã báo cáo con số kỷ lục 366 trường hợp nhiễm Covid-19 mới - phá kỷ lục trước đó là 300 ca. Trong số các bệnh nhân, 60% nằm ở độ tuổi 20 và 30, theo Koike.
Nghiên cứu mới từ Nhật Bản cho thấy nhiều cụm virus bên ngoài bệnh viện có thể đã bùng phát từ những người dưới 40 tuổi, hoặc những người không cảm thấy mình bị bệnh, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp như đeo khẩu trang sẽ giúp làm chậm lại tốc độ lây nhiễm.
Israel
Trong nhiều tháng qua, Israel được quốc tế công nhận là một chuẩn mực trong việc kiểm soát thành công virus corona.
Với những biện pháp hạn chế đi lại được thực hiện sớm và quyết liệt, quốc gia này gần như đã khống chế được dịch bệnh, ghi nhận tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với phần còn lại của Châu Âu. Khi virus càn quét khắp Mỹ và Châu Âu, Israel đã tiến dần tới việc mở cửa trở lại.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu thường xuyên tổ chức các cuộc họp báo về thành công này, đồng thời cũng cảnh báo về những thách thức mới nhất. Vào ngày 18 tháng 4, gần hai tháng sau khi Israel phát hiện ra trường hợp đầu tiên, Netanyahu tuyên bố rằng nước này đã thành công trong cuộc chiến của mình, đưa ra một minh chứng mang tính toàn cầu "trong việc bảo vệ sự sống và ngăn chặn sự bùng nổ của đại dịch". Ông dự đoán Israel cũng sẽ làm gương trong việc khởi động lại nền kinh tế.
Nhưng trước làn sóng bùng phát thứ hai, các chuyên gia sức khỏe của quốc gia này đang dự liệu một kết cục rất khác.
Chỉ vài tuần sau khi mở lại các nhà hàng, trung tâm thương mại và bãi biển, Israel đã chứng kiến sự gia tăng gấp 50 lần các trường hợp nhiễm mới, từ khoảng 20 ca mỗi ngày vào giữa tháng 5 đến hơn 1.000 ca sau hai tháng. Đầu tháng 7, Netanyahu tuyên bố rằng các phòng tập thể dục, bể bơi, phòng tổ chức sự kiện, quán rượu và nhiều thứ khác sẽ đóng cửa vô thời hạn, trong khi các nhà hàng và nơi thờ cúng sẽ hoạt động với số lượng hạn chế. Cố gắng tránh việc phong tỏa hoàn toàn quốc gia khi tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức trên 20%, Netanyahu đã đưa ra một cảnh báo nghiêm khắc: "Tất cả công dân Israel đều biết hoặc cần phải hiểu rằng chúng ta phải có những hành động để giảm thiểu tối đa tác động lên nền kinh tế, để tránh phải thực thi những biện pháp cực đoan sẽ làm tê liệt nền kinh tế", ông nói.
Nhưng vào ngày 17 tháng 7, Israel đã buộc phải áp đặt lại một loạt các hạn chế nghiêm ngặt, đưa đất nước này tiến gần hơn đến lần phong tỏa toàn diện thứ hai. Chính phủ tuyên bố rằng các nhà hàng chỉ được cung cấp dịch vụ mua mang về hoặc giao hàng, các cửa hàng, trung tâm thương mại, bảo tàng và tiệm làm đẹp sẽ đóng cửa vào cuối tuần. Từ thứ Sáu, các bãi biển cũng sẽ đóng cửa vào cuối tuần.
Hôm thứ Năm tuần trước, Israel đã đạt kỷ lục nhiễm mới với 1.819 trường hợp mới trong vòng 24 giờ. Kỷ lục trước đó là 1.758 vừa mới được thiết lập vào ngày hôm trước.
Tại một cuộc họp nội ngày hôm đó, Netanyahu cảnh báo: "Chúng tôi đang nỗ lực để tránh việc phong tỏa chung... Chúng tôi không có nhiều sự lựa chọn; đây không phải là một tình huống bình thường. Đây không phải là tình huống chúng tôi có thể áp dụng lần lượt các biện pháp theo thứ tự và hy vọng rằng mọi thứ rồi sẽ ổn. Căn bệnh này đang chuyển biến nhanh chóng và chúng ta phải thay đổi cùng với nó."
Niềm tin của công chúng vào việc xử lý đại dịch của Netanyahu đang giảm dần. Từ mức cao - 73% vào giữa tháng 5 khi nước này dường như đã kiểm soát được đại dịch, sự ủng hộ dành cho ông đã giảm mạnh xuống còn 46%, theo các cuộc khảo sát do Channel 12 News thực hiện.
Quan chức y tế công cộng hàng đầu của Israel, Giáo sư Siegal Sadetzki, đã từ chức và viết trên trang Facebook: "Tôi rất tiếc bởi trong vài tuần gần đây, việc xử lý ổ dịch đã mất phương hướng. Chúng tôi chứng kiến mọi thứ với sự thất vọng và tức giận khi cơ hội đang dần cạn kiệt."
Không phải là một môn khoa học chính xác
Mối quan tâm cũng đang gia tăng ở nơi khác. Vào ngày 1 tháng 7, người dân ở thủ đô Prague của Séc đã xây dựng một bàn ăn dài 1.600 feet nhằm tổ chức một bữa tiệc mừng lệnh phong tỏa quốc gia kết thúc. Đất nước này đã áp đặt các quy tắc cách ly và đeo khẩu trang với mọi người ở bất cứ đâu khi ra khỏi nhà kể từ ngày 19 tháng 3.
Nhưng số ca nhiễm đột ngột tăng cao trong quá trình nới lỏng hạn chế đã buộc Chính phủ phải xem xét lại việc thực hiện các biện pháp khác.
Người Séc sẽ lại phải đeo khẩu trang trong nhà tại tất cả các sự kiện hơn 100 người, bao gồm đám cưới và đám tang, bắt đầu từ tuần trước. Tất cả các sự kiện như vậy sẽ được giới hạn ở 500 người, giảm từ con số 1.000, Bộ Y tế Séc công bố.
Ở Prague, mọi người một lần nữa bị buộc phải đeo khẩu trang trong tất cả các cơ sở y tế, bao gồm cả văn phòng bác sĩ và nhà thuốc; và thậm chí trên cả tàu điện ngầm. Đất nước này đã báo cáo 14.800 trường hợp và 365 ca tử vong, theo JHU.
Mặc dù số lượng ca bệnh mới ở nhiều quốc gia này vẫn còn thấp so với các quốc gia khác nơi đại dịch đang hoành hành mạnh mẽ - như Mỹ và Brazil - các chuyên gia cho rằng sự gia tăng mới nhất trong các trường hợp cho thấy, mặc dù có sự kiểm soát chống dịch nghiêm ngặt nhất, virus vẫn là một mối đe dọa lớn.
Và vì cách ly xã hội và thay đổi hành vi không phải là một môn khoa học chính xác, sự tái bùng phát nhấn mạnh rằng việc loại bỏ hoàn toàn nguy cơ là bất khả thi cho đến khi vắc-xin được tìm thấy - và cho đến lúc đó thì làn sóng lây nhiễm và các lệnh phong tỏa mới vẫn sẽ được tiếp tục.
Theo CNN