Sức ép tăng lãi suất cho vay đang lớn dần
Lãi suất tiết kiệm tăng khiến giới chuyên môn dự báo lãi suất cho vay có thể sẽ tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, sẽ “tuýt còi” với những ngân hàng đột ngột tăng lãi suất cho vay hoặc cho tiền chảy vào những lĩnh vực đầu tư không ưu tiên trong sản xuất.
- 16-12-2018Nợ xấu ám ảnh cạnh tranh chênh lệch lãi suất
- 14-12-2018BIDV vay thêm 1.000 tỷ đồng từ kênh trái phiếu, 'rẻ' hơn lãi suất dân cư
- 13-12-2018Chuyên gia nói gì về hướng đi của tỷ giá và lãi suất thời gian tới?
Tiền phải vào đúng“địa chỉ”
Từ đầu năm nay, trước biểu hiện áp lực lạm phát tăng, NHNN đã chủ động kiểm soát hạn mức tăng trưởng tín dụng, với các chỉ tiêu giao cụ thể ở mức thấp (khoảng 14 - 16%). Chốt những ngày đầu tháng 12/2018, cơ quan này đã cho phép một số ngân hàng nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo đúng nguyên tắc: ngân hàng trong diện tăng vốn và có tham gia vào tái cơ cấu quỹ tín dụng trong hệ thống.
Theo đó, tăng trưởng tín dụng của MB lên mức 17% trong năm nay. Trước đó, MB được NHNN ấn định chỉ tiêu ở mức 15%. Trước MB, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) đã được NHNN nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 20% năm. Techcombank cũng là thành viên đã sớm tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán cho Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trước đây.
Trao đổi với PV Tiền Phong cuối tuần qua, ông Vũ Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng và các ngành kinh tế, NHNN cho biết: “Dù một vài ngân hàng được phép điều chỉnh tăng nhưng tính chung tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2018 sẽ chốt ở mức 15%. Hiện, tín dụng tháng 11 mới chốt ở mức tăng 12%, cho nên vẫn còn dư địa cho vay khá lớn. Từ nay đến cuối năm, vẫn có những ngân hàng mở van tín dụng cho vay”.
Ông Hùng cũng khẳng định: “Các ngân hàng này kể cả còn room cũng chỉ được phép cho vay vào lĩnh vực sản xuất chứ không được cho vay vào các lĩnh vực không ưu tiên như bất động sản, vay đầu tư chứng khoán, thậm chí cả vay tiêu dùng cũng phải “đóng cửa” nếu nhà băng nào đã hết hạn mức. Hiện tại, cho vay bất động sản, chứng khoán theo kiểm soát của NHNN đang ở mức rất thấp”. ông Hùng nói.
Cũng ông Hùng cho biết, hiện việc kiểm tra tỉ lệ cho vay các ngân hàng thương mại phải báo cáo thường xuyên còn NHNN luôn kiểm tra chặt chẽ. “Hễ ngân hàng nào vượt giới hạn sẽ bị gọi lên làm việc ngay. NHNN làm rất nghiêm việc này theo yêu cầu của Thống đốc và trên thực tế chúng tôi đã làm rồi”, lãnh đạo vụ này khẳng định.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần lớn thừa nhận, đang phải linh hoạt hơn trong chiến lược hoạt động của mình sao cho vừa tăng trưởng nhanh, vừa đảm bảo bám sát các hệ số an toàn. Đặc biệt hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của ngân hàng phải ở mức hợp lý, bởi hệ số này còn liên quan đến việc lựa chọn của NHNN để cấp chỉ tiêu hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm 2019.
Sẽ tuýt còi những ngân hàng tăng lãi suất cho vay?
Trong khoảng 2 tháng nay, nhiều ngân hàng thương mại đã liên tục tăng lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn. Nếu vài tháng trước, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài chỉ trong khoảng 6,5%-8%/năm là phổ biến thì nay mức lãi suất này tăng lên 8,5%-8,7%/năm. Với kỳ hạn 6 tháng, mức tiền gửi tại nhiều ngân hàng đã vọt lên tới 7,2-7,4%/năm.
Với mức lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng, NHNN áp trần lãi suất 5,5%/năm. Tuy nhiên, một số ngân hàng đã tăng lãi suất kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng lên mức lãi suất bằng lãi suất kỳ hạn 6 tháng.
Trước làn sóng tăng lãi suất tại thị trường tiền gửi dân cư và tổ chức lan rộng khi số lượng các ngân hàng thương mại thông báo tăng lãi suất huy động đã gây quan ngại về lãi suất cho vay có thể vì thế mà tăng trong thời gian tới.
“Việc đẩy mạnh tín dụng của các ngân hàng thương mại vào tháng cuối năm và điều hành cung tiền chặt chẽ của NHNN sẽ khiến nhu cầu thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục căng thẳng, lãi suất sẽ vẫn chịu áp lực tăng trong tháng 12/2018”, một chuyên gia nhận định.
Tuy nhiên, về vấn đề này, theo một đại diện NHNN, cơ quan này vẫn đang theo dõi chặt chẽ diễn biến lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại gần đây. Sẽ không để chuyện đó xảy ra. “Các ngân hàng chỉ tăng lãi suất huy động, nếu tăng cả lãi suất cho vay ở mức bất hợp lý, NHNN sẽ tuýt còi”, đại diện NHNN nói.
Theo một thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, dù tốc độ tăng trưởng tín dụng được kiểm soát và một số ngân hàng đã hết hạn mức cho vay nhưng thời điểm này, ngân hàng nào cũng cần huy động nguồn đầu vào để dự phòng. “Các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút nguồn tiền từ thị trường. Mặt bằng lãi suất sang năm sẽ là điều đáng lưu ý. Điều quan trọng là lãi suất cho vay cần giữ ổn định”,vị này nói.
Trước đó, Công ty Chứng khoán Rồng Việt VDSC đã đưa ra nhận định, lãi suất trong nước sẽ bắt đầu tăng từ năm 2019, do cả rủi ro bên trong và bên ngoài nền kinh tế. Rủi ro bên ngoài có thể kể đến như FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất USD. Còn rủi ro nội tại đến từ việc lạm phát gia tăng sẽ tạo sức ép lớn lên lãi suất.
Tiền phong