Sức mạnh của kinh tế tư nhân được đánh giá vượt trội tại Việt Nam
Theo số liệu từ Sách trắng doanh nghiệp 2019, tỷ trọng đóng góp của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước hiện ở mức rất cao, các chỉ tiêu khác như vốn đầu tư hay tăng trưởng kinh tế tư nhân cũng rất ấn tượng.
- 24-05-2019Kinh tế tư nhân là 1 trong 4 trụ cột thúc đẩy tăng trưởng
- 20-05-2019Trước Quốc hội, Chính phủ nhấn mạnh việc hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn
- 17-05-2019Tổng bí thư, Chủ tịch nước: Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân
Trích dẫn từ Sách trắng doanh nghiệp 2019 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa công bố cho thấy, năm 2017, tổng doanh thu thuần của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh đạt 20,66 triệu tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2016, tăng cao hơn tốc độ tăng nguồn vốn của doanh nghiệp (tăng 17,5%).
Trong đó, tổng doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước năm 2017 đạt 11,7 triệu tỷ đồng, chiếm 56,8% doanh thu thuần của toàn bộ khu vực, tăng 20,2% so với năm 2016; khu vực doanh nghiệp FDI đạt 5,8 triệu tỷ đồng, chiếm 28,1%, tăng 20,6%; khu vực DN nhà nước đạt 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm 15,1%, tăng 9,1%.
Tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2017 đạt 876,7 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2016. Trong đó, năm 2017 khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra 200,9 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 22,9%, tăng 1,8%, trong đó khu vực doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tạo ra 124,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,2%, tăng 10,1%.
Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra 291,6 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 33,3%, tăng 55%; khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra 384,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 43,8%, tăng 17,6% so với năm 2016.
Khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ có quy mô lớn nhất về doanh thu thuần với khối lượng doanh thu thuần năm 2017 lần lượt là 10,46 triệu tỷ đồng, tăng 17,6% và 10,1 triệu tỷ đồng, tăng 19,3% so với năm 2016.
Tương tự, năm 2017 khu vực công nghiệp và xây dựng có lợi nhuận chiếm tỷ lệ chi phối trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp với 519,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 59,3% lợi nhuận của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 16,4% so với năm 2016; khu vực dịch vụ tạo ra 352,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,1%, tăng 35%.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm 42,07% GDP, khu vực này đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển chung của toàn nền kinh tế.
So với tỷ trọng đóng góp 27,67% vào tổng GDP của khu vực kinh tế nhà nước và 29,24% của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì khu vực kinh tế ngoài nhà nước vượt lên khá nhiều.
Ngoài ra, các chỉ tiêu như vốn đầu tư hay tăng trưởng kinh tế tư nhân cũng rất ấn tượng. Chẳng hạn năm 2010, vốn đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm 36,1% nhưng đến năm 2011 là 38,5% và đến năm 2017 là 40,6%, đến năm 2018 là 43,3%.
"Các chính sách của Chính phủ huy động được sức mạnh của nền kinh tế tư nhân thể hiện qua vốn đầu tư đóng góp vào nền kinh tế đều là vượt trội, tăng trưởng GDP cũng rất cao. Hàng loạt chỉ tiêu của khu vực kinh tế ngoài nhà nước về tạo việc làm, doanh thu, lợi nhuận đều có bức tranh rất tốt", ông Lâm nhìn nhận.
BizLive