Các ông lớn ngân hàng đua lãi suất, doanh nghiệp run
Cuộc đua lãi suất huy động giữa các ngân hàng chưa có dấu hiệu dừng lại. Đứng ngoài cuộc trong suốt năm 2015 nhưng mới đây Ngân hàng Vietcombank đã tăng lãi suất huy động ở hầu hết kỳ hạn.
- 24-03-2016Vì sao các ngân hàng đua tăng lãi suất tiền gửi?
- 22-03-2016Lãi suất liên ngân hàng giảm trở lại sau 3 tuần tăng liên tiếp
- 22-03-2016Nợ công sẽ phải trả sớm hơn với lãi suất cao hơn
- 21-03-2016Các "ông lớn" cuối cùng đã nhập cuộc đua lãi suất
Đầu tuần này nhiều ngân hàng cũng đồng loạt tăng thêm lãi suất. Việc các ngân hàng đua lãi suất trong suốt thời gian dài vừa qua khiến doanh nghiệp bất an.
Kỳ hạn nào cũng tăng
Sau một thời gian khá dài im ắng, các ngân hàng cổ phần cũng bước vào đợt tăng lãi suất mới. Từ đầu tuần đến nay Ngân hàng Sacombank đã hai lần tăng lãi suất.
Ở lần tăng thứ 1, các kỳ hạn từ 5 tháng trở xuống lãi suất đều tăng 0,2%/năm, còn kỳ hạn 6 tháng lãi suất tăng 0,1%/năm, lên 5,6%/năm. Đến ngày 22-3 Sacombank tiếp tục tăng lãi suất kỳ hạn 6 tháng lần thứ 2 với mức tăng 0,2%/năm, lên 5,8%/năm.
Không chỉ các ngân hàng cổ phần, các ngân hàng lớn cũng đua lãi suất. Theo biểu lãi suất mới nhất tại Ngân hàng Vietcombank, các kỳ hạn đều tăng so với trước đây, tăng mạnh nhất là kỳ hạn từ 1-3 tháng và kỳ hạn 12 tháng với mức tăng 0,5%/năm.
Kỳ hạn 6 tháng lãi suất cũng tăng 0,4%/năm, lên 6,4%/năm. Các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên lãi suất đồng loạt ở mức 6,5%/năm trong khi trước đây lãi suất cao nhất chỉ 6,2%/năm.
Ngân hàng BIDV cũng tăng lãi suất kỳ hạn 3 tháng thêm 0,3%/năm, lên 5,5%/năm. Các kỳ hạn dài, trên 12 tháng lãi suất cũng tăng từ 0,2-0,4%/năm.
Sau lần điều chỉnh này lãi suất kỳ hạn 36 tháng đã lên đến 7,2%/năm và lãi suất huy động kỳ hạn dài tại BIDV đã cao hơn cả lãi suất đang áp dụng tại một số ngân hàng cổ phần lớn như ACB, Sacombank từ 0,2-0,4%/năm.
Không chỉ Vietcombank và BIDV, Vietinbank cũng tăng LS đồng thời bổ sung thêm nhiều kỳ hạn nhỏ.
Cụ thể lãi suất kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 5,2%/năm lên 5,5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tăng từ 5,5%/năm lên 5,8%/năm. Các kỳ hạn 9 đến dưới 12 tháng lãi suất cũng nhích nhẹ 0,2%/năm. Tăng mạnh nhất là kỳ hạn từ 12 tháng đến dưới 24 tháng, từ 6%/năm vọt lên 6,8%/năm.
Doanh nghiệp bất an
Tình trạng ngân hàng đua tăng lãi suất khiến nhiều doanh nghiệp “lo đứng lo ngồi” vì với các khoản vay dài hạn, theo quy định sau thời gian cố định ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất 3 tháng một lần.
Có khoản vay lưu động xấp xỉ 10 tỉ đồng từ tháng 10-2015 với lãi suất 10,5%/năm, ông Lý Thành Sinh, tổng giám đốc Công ty CP may thêu Minh Long Hưng, cho biết cũng rất lo khi mấy ngày nay cứ nghe râm ran thông tin ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay do lãi suất huy động đang tăng. “Nếu ngân hàng mà tăng lãi suất thì doanh nghiệp chỉ có nước chịu chết, hết cửa thoát, vì đã vay và đang đầu tư mất rồi”, ông Sinh nói.
Theo ông Sinh, dù điều khoản hợp đồng có ghi rõ “ngân hàng có quyền điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình sau ba tháng cho vay”, nhưng do những thông tin cam kết trước đó từ Ngân hàng Nhà nước là cố gắng duy trì lãi suất cho vay ở mức ổn định, nên công ty đã mạnh dạn đầu tư tái cấu trúc công ty.
“Tôi chỉ mong các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô thật nhất quán, đừng thay đổi. Vì mọi giải pháp cắt giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm tối đa đều được chúng tôi áp dụng triệt để. Chúng tôi đang vừa làm mà vừa run”, ông Sinh chia sẻ.
Cũng có tâm trạng giống ông Sinh, ông Đặng Quốc Hùng giám đốc Công ty TNHH thủ công mỹ nghệ Kim Bôi cho hay ông đang vay 400 triệu đồng, lãi suất 6%/năm để mua nguyên liệu gáo dừa sản xuất đồ mỹ nghệ.
“Lãi suất huy động USD là 0% nhưng cho vay đến 6%/năm thì quá cao đối với doanh nghiệp. Nhưng cũng không thể không vay vì chúng tôi rất cần vốn. Nhưng nếu lãi suất cho vay mà tăng, không giữ nguyên như lúc chúng tôi vay thì kẹt quá”, giọng ông Hùng đầy băn khoăn.
Theo ông L.M.C, phó giám đốc Công ty Q.H chuyên doanh trong lĩnh vực ngành kính, hiện các doanh nghiệp cũng “ngóng” thông tin điều hành kinh tế để đoán “số phận” những khoản vay của mình trong tương lai thế nào.
“Sẽ rất khó nói doanh nghiệp hãy yên lòng là lãi suất cho vay không tăng đâu khi mà thực tế lãi suất huy động VND đang nhích lên từng ngày. Nếu NH thông báo tăng lãi suất doanh nghiệp cũng đành chịu thôi chứ biết làm sao”, ông L.M.C nhận xét.
Có tăng LS cho vay?
Trao đổi với chúng tôi, các ngân hàng cho biết có nhiều lý do dẫn đến việc tăng lãi suất huy động.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn có trụ sở tại Q.1 cho biết nguyên nhân khiến ngân hàng tăng mạnh lãi suất ở các kỳ hạn dài là nhằm củng cố nguồn vốn trung dài hạn. Nhất là trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước sắp sửa Thông tư 36 theo đó giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% về 40%.
“Việc tăng lãi suất này cũng như một phép thử thị trường. Nhưng chúng tôi tăng mạnh lãi suất các kỳ hạn dài mà người gửi tiền chỉ gửi các kỳ hạn ngắn vì tâm lý lãi suất còn tăng. Nếu có gửi dài thì tối đa chỉ 15 tháng”, bà này nói.
Ngoài lý do trên, một số ngân hàng cho biết tăng lãi còn là để cạnh tranh thu hút vốn. Chứ ngân hàng bạn tăng mà mình để lãi suất thấp quá thì không được. Về tín dụng, theo các ngân hàng trong những tháng đầu năm chưa tăng nhiều do theo quy luật tín dụng thường tập trung vào quý 3 hoặc quý 4, là mùa làm ăn của doanh nghiệp.
Về phía mình, các ngân hàng cũng phòng thủ bằng cách tạm ngưng các gói ưu đãi lãi suất cho vay, đặc biệt là các gói cố định lãi suất 2, 3 năm vì có rủi ro về mặt lãi suất. Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng, là kỳ hạn mà các ngân hàng làm cơ sở để cộng biên độ khi ấn định lãi suất cho vay. Đó chính là rủi ro rất lớn cho DN vì có khả năng lãi suất sẽ tăng vọt sau thời gian cố định lãi suất.
Hiện lãi suất kỳ hạn này tại các ngân hàng gốc quốc doanh dao động từ 6,5-6,8%/năm, còn tại một số ngân hàng cổ phần lên đến 7,55%/năm. Như vậy sau khi cộng biên độ lãi suất cho vay thấp nhất vào khoảng 10,5%/năm, cao thì khoảng 11,5%/năm.
Dù các ngân hàng vẫn không thừa nhận là tăng lãi suất cho vay tuy nhiên trên thực tế một số doanh nghiệp cho biết lãi suất cho vay đã tăng trung bình khoảng 1%/năm so với năm ngoái do lãi suất huy động nhích lên.
Tuổi Trẻ