Cam kết về tỷ giá của NHNN bị phá vỡ?
Từ đầu năm tới nay, ngoài 3 lần phá giá tổng cộng 3%, NHNN còn có 2 lần nới biên độ tỷ giá, từ +/-1% áp dụng suốt hơn 4 năm qua, lên +-2% và rồi đến +/-3%.
3 lần tăng tỷ giá, 2 lần nới biên độ trong vòng 8 tháng
Từ đầu năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra phương hướng điều hành chính sách tỷ giá là biến động không quá 2%. Thông điệp này được lãnh đạo NHNN lặp lại khá nhiều ở những lần sau đó, và cách đây 1 tháng tức là hồi tháng 7, lãnh đạo NHNN vẫn tái khẳng định điều này, cùng với thông tin chính thức về dự trữ ngoại hối cho thấy chúng ta có khoảng 37 tỷ USD và 10 tấn vàng (hàm ý đủ nguồn lực để can thiệp thị trường khi cần thiết ).
Tuy nhiên, cam kết về tỷ giá biến động không quá +/-2% đã chính thức bị phá vỡ trong ngày 19/8, khi NHNN quyết định nới tỷ giá thêm 1% nữa, sau khi đã có 2 lần điều chỉnh tổng cộng 2% trong nửa đầu năm.
Ngoài việc phá giá đã 3 lần với tổng cộng 3% từ đầu năm tới nay, NHNN còn có 2 lần nới biên độ tỷ giá, từ +/-1% áp dụng suốt từ tháng 2/2011 lên +/-2% vào ngày 12/8/2015. Và rồi đúng 1 tuần sau đó, biên độ này được nới lên +/-3%, bằng mức áp dụng trước thời điểm 11/2/2011 (khi NHNN điều chỉnh biên độ +/-3% xuống +/-1% và nới tỷ giá 9%).
Như vậy, tiền đồng đã mất giá gần 5%, từ mức trần 21.458 đồng hồi đầu năm lên 22.547 đồng/USD hiện nay – ngoài dự báo của rất nhiều người.
Điều chỉnh để...chủ động dẫn dắt thị trường
Nguồn cơn của việc điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ hai lần liên tiếp đều được NHNN lấy lý do là sự phá giá mạnh của đồng Nhân dân tệ Trung Quốc, khi mà nước này phá giá nội tệ sẽ tác động rất lớn tới kinh tế Việt Nam vì Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của chúng ta (trong 7 tháng đầu năm Việt Nam đã nhập siêu gần 20 tỷ USD từ Trung Quốc).
Sau lần nới biên độ tỷ giá đầu tiên ngày 12/8, hầu hết các chuyên gia, lãnh đạo ngân hàng đều cho rằng, đó là quyết định chính xác và đúng thời diểm của NHNN, và rằng áp lực từ nay đến cuối năm là không quá lớn. Thế nhưng quyết định được cơ quan quản lý đưa ra trong ngày 19/8 đã khiến không ít người ngạc nhiên. Thị trường ngay lập tức phản ứng bằng việc các ngân hàng nâng mạnh giá USD, còn các đơn vị kinh doanh vàng cũng đẩy giá tăng tới 1 triệu đồng mỗi lượng so với ngày hôm trước.
Lý giải cho động thái này, NHNN cho biết, bên cạnh sự mất giá của Nhân dân tệ còn là mối lo Fed sẽ điều chỉnh lãi suất, và NHNN đưa ra quyết định như vậy là nhằm “tiếp tục chủ động dẫn dắt thị trường, đón đầu các tác động bất lợi của khả năng Fed điều chỉnh tăng lãi suất trong thời gian tới”.
NHNN tự tin rằng, “Sự điều chỉnh này sẽ giúp tỷ giá có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam”.
Cam kết bị phá vỡ hay là rủi ro khó lường
Theo Nghiên cứu sinh Châu Đình Linh, Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh, quyết định của NHNN là kết quả của “sự chịu đựng” sức ép gia tăng tỷ giá từ trước. Việc nới biên độ cũng chính là biện pháp kỹ thuật để làm giảm giá VNĐ.
Ông Linh cho biết thêm, phần lớn lý do dẫn đến sự điều chỉnh về tỷ giá không phải do đồng USD mà là Nhân dân tệ, vì Việt Nam luôn nhập siêu lớn từ Trung Quốc, và theo mô hình cán cân thanh toán (BOP) xác nhận rằng đồng tiền của một quốc gia phải được duy trì ở một mức tỷ lệ có khả năng đảm bảo sự ổn định của cán cân vãng lai. Điều này đã đúng cho trường hợp của Việt Nam khi thâm hụt cán cân vãng lai với Trung Quốc quá lớn và phụ thuộc quá nhiều. Khi một quốc gia bị thâm hụt thương mại sẽ lâm vào cảnh cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại hối, kéo theo đó là sự suy giảm giá trị đồng tiền.
Điều quan trọng, theo ông Châu Đình Linh, sự phá giá tiền Đồng của NHNN là xu hướng chung chứ không riêng gì Việt Nam. Đây là rủi ro mà không chỉ chúng ta mà còn cả thế giới đều không thể lường trước, chứ không phải cam kết tỷ giá đã bị NHNN phá vỡ.
Cũng nói về cam kết tỷ giá, theo ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch UBGSTCQG, cam kết ổn định tỷ giá của Việt Nam được xây dựng dựa trên bối cảnh lạm phát thấp, lãi suất thấp, xuất khẩu phục hồi và kinh tế có thể tăng trưởng cao hơn. Nhưng chúng ta và cả thế giới không tiên liệu được Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ như thế này. Thời gian vừa rồi, cả thế giới chỉ quan tâm Mỹ có tăng lãi suất hay không sau cuộc họp tháng 9 tới, không thấy ai đề cập tới đồng nhân dân tệ, vốn dĩ đã ngủ yên một giấc dài 10 năm qua.
Cùng với cam kết về tỷ giá được đặt ra từ đầu năm, NHNN cũng vẫn để một hướng “mở” đó là thông điệp điều hành chính sách linh hoạt. Một số ý kiến cho rằng, sự điều chỉnh tỷ giá thêm ngoài dự kiến cũng như việc nới biên độ chính là sự "linh hoạt" đó.
Ngoài ra, sự điều chỉnh ấy trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay cũng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Trong các nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ gần đây, và cả trong cuộc họp gần nhất (ngày 14/8) với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về việc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá và những tác động, ảnh hưởng có thể đến nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ luôn yêu cầu NHNN phải theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực và trong nước để điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hoạt động của cả hệ thống