Cần giảm lãi suất trung dài hạn
Lãi suất cho vay trung dài hạn tại Việt Nam cao gấp 2 lần so với các nước trong khu vực khiến doanh nghiệp Việt khó cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu tràn vào theo các hiệp định thương mại tự do
- 06-02-2015Nâng trần lãi suất: Liệu có nới lỏng điều kiện đối với cho vay nặng lãi?
- 06-02-2015VAFI: “Kiến nghị hạ lãi suất tiền gửi về 1% không phải là không tưởng"
- 05-02-2015Đề xuất giảm lãi suất về 1% của Vafi là không tưởng
Theo Tổng cục Thống kê, nhờ giá xăng dầu trong nước có 2 đợt điều chỉnh mạnh nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 1-2015 giảm 0,2% so với tháng trước. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng năm 2015, lạm phát có thể chỉ ở mức 3%-4%, đang tạo điều kiện thuận lợi để ngân hàng (NH) hạ thêm lãi suất.
Khó cạnh tranh với nước ngoài
Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ ngành NH trên địa bàn TP HCM mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng cho rằng trong 2 năm qua, lãi suất đã giảm sâu nhưng vẫn cần giảm thêm lãi suất trung và dài hạn để doanh nghiệp (DN) có cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư máy móc công nghệ… Dù có thị trường nhưng lãi suất NH là điểm quan trọng để DN xem xét hoạch định mở rộng đầu tư, hiện đại hóa công nghệ.
Theo Hiệp hội DN TP HCM, hiện mức lãi suất trung dài hạn mà các DN vừa và nhỏ đang phải vay là 12%-14%/năm, trong khi DN các nước trong khu vực như Thái Lan vay đầu tư chỉ 5%-6%/năm… Năm 2015, Việt Nam tham gia hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA), theo đó, sẽ giảm thuế suất nhập khẩu hàng hóa dần về 0%. Lúc này, hàng từ Bangkok về TP HCM cũng tương đương hàng ở Hà Nội chuyển vào, vậy làm sao hàng Việt và DN trong nước cạnh tranh nổi với hàng ngoại? Hầu hết máy móc, thiết bị DN nhập từ Trung Quốc nên chất lượng sản phẩm sẽ khó cạnh tranh được với hàng ngoại. Nếu đổi mới máy móc, công nghệ hiện đại thì vốn đầu tư ở đâu, vay với lãi suất bao nhiêu?... CPI đã xuống rất thấp nên cần phải kéo lãi suất giảm sâu hơn nữa để hỗ trợ DN.
Phấn đấu giảm thêm 1,5%
Hiện mức lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực ưu tiên ở mức 7%/năm, trung dài hạn từ 9%-10%/năm; còn các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường từ 7%-9%/năm cho ngắn hạn, trong khi cho vay trung dài hạn lãi suất là 9,5%-11%/năm. Trong Chỉ thị số 01/CT-NH Nhà nước về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động NH an toàn, hiệu quả năm 2015, thống đốc NH Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu tiếp tục hạ thêm lãi suất cho vay trung dài hạn từ 1%-1,5%/năm và hỗ trợ thị trường tài chính trong huy động vốn cho đầu tư phát triển. Các NH thương mại cần tạo điều kiện thuận lợi cho DN, hợp tác xã và hộ gia đình tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh…
Phó tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP HCM lý giải đường cong lãi suất đã hình thành trở lại theo hướng gửi tiền càng dài lãi suất càng cao nên cho vay cũng tương tự. Hiện nhiều NH thường đưa ra mức lãi suất cho vay hấp dẫn chỉ trong 6-12 tháng đầu, sau đó sẽ thả nổi theo thị trường nên DN không dám mạnh dạn vay vốn đầu tư. “Quan trọng là NH phải tư vấn, giải thích cho DN hiểu về xu hướng những năm tiếp theo, cách tính lãi suất để lường trước và không bị “ngộp” nếu lãi suất biến động” - vị này nói.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Xuân Nghĩa phân tích mục tiêu giảm lãi suất cho vay sẽ khó đạt khi trái phiếu Chính phủ phát hành ngày càng nhiều, thậm chí có thể khiến lãi suất tăng trở lại. “Với đà phát hành trái phiếu Chính phủ nhiều như hiện nay, cuối năm nay có thể hình thành một mặt bằng lãi suất mới cao hơn nếu lạm phát vượt mức 5%. Khi đó, các DN đang “ngoi ngóp dưới mặt nước” sẽ gặp tình huống lãi suất tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động” - ông Nghĩa nói.
Theo VŨ PHONG