MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cầu tín dụng cao, các ngân hàng tăng lãi suất huy động

09-06-2015 - 17:59 PM | Tài chính - ngân hàng

Từ đầu tháng đến nay, lãi suất đầu vào đang được nhiều ngân hàng thương mại rục rịch điều chỉnh tăng. Nguyên nhân được các tổ chức tín dụng cho biết là do cầu tín dụng sẽ tăng mạnh hơn trong thời gian tới nên các ngân hàng phải chuẩn bị trước.

Lãi suất rục rịch tăng

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) là ngân hàng đầu tiên điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn từ 6-36 tháng với mức điều chỉnh tăng 0,2%. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại nhà băng này là 6,7% khi khách gửi 36 tháng. Còn các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng lần lượt là 6,2% và 6,5% một năm.

Tương tự, biểu lãi suất huy động bằng VND của Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) cũng đã được điều chỉnh tăng 0,1-0,4% ở các kỳ hạn ngắn. Lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tăng lên 4,6% thay cho 4,3%, kỳ hạn 3 tháng là 5% thay cho 4,9% và kỳ hạn 6 tháng là 5,5% thay cho 5,3% trước đó. Riêng kỳ hạn 9 tháng đã được nâng lên 6% từ mức 5,6%.

Tại Ngân hàng MB, lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn 8 tháng trở xuống cũng được điều chỉnh tăng thêm từ 0,1-0,2% từ hôm 5/6. Lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam kỳ hạn 1 tháng tại ngân hàng này được điều chỉnh tăng lên mức 4,3% thay cho 4,2%, kỳ hạn 3 tháng là 4,8% thay cho 4,6% và ở kỳ hạn 6-8 tháng là 5,2% thay cho 5%.

Tuy nhiên, biểu lãi suất tại các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước khác như Vietcombank, BIDV, VietinBank vẫn đang “án binh bất động”.

Duy chỉ có Agribank điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn dài từ 0,3-0,5%. Theo đó, lãi suất huy động áp dụng với tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng đồng Việt Nam kỳ hạn 18 tháng là 6,5%/năm (thay cho 6,2%/năm); kỳ hạn 24 tháng là 6,8%/năm (thay cho 6,3%/năm); lãi suất tiền gửi đối với các kỳ hạn khác áp dụng tại Sở Giao dịch Agribank không thay đổi.

Động thái tăng lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại đang khiến một số người lo lắng cho rằng, lãi suất có dấu hiệu tăng trở lại?

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho rằng, việc điều chỉnh lãi suất huy động tăng hay giảm nhẹ cũng là bình thường, mỗi ngân hàng có chiến lược huy động vốn khác nhau trong việc cơ cấu kỳ hạn huy động vốn. Đặc biệt, đợt điều chỉnh lãi suất huy động tăng chủ yếu là với các kỳ hạn dài để hút tiền gửi dài hạn nhằm giữ chân khách hàng.

Giao dịch tại Agribank. (Nguồn: TTXVN)

Đẩy mạnh cho vay trung dài hạn

Theo Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), tính đến ngày 28/5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 4,8%. Bằng thời gian này năm ngoái, tỷ lệ tương ứng mới đạt 1,31% và phải đến hết tháng 7/2014, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng mới đạt 3,6%.

Như vậy, có thể thấy đây là một tín hiệu khả quan cho thấy tăng trưởng tín dụng không còn bị dồn áp lực vào những tháng cuối năm.

Điều này được thể hiện ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, dòng tín dụng đã chảy đều hơn và tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Tổng cục thống kê Hà Nội cho biết, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn Hà Nội ước tính tháng Năm đạt gần 1.099 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so tháng trước và tăng 8,7% so tháng 12/2014, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 0,1% và tăng 8,5%, dư nợ trung và dài hạn tăng 0,9% và 9%.

Như vậy, tính chung 5 tháng đầu năm tín dụng của Hà Nội đã hoàn thành hơn một nửa kế hoạch đề ra của năm (13-15%).

Chính vì vậy, việc một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài cũng không có gì ngạc nhiên.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thực tế trong các kỳ hạn mà ngân hàng đã huy động thì kỳ hạn ngắn lại chiếm gần 70% tổng số vốn huy động. Trong khi đó, thời gian cho vay lại chiếm kỳ hạn dài hạn hơn, dư nợ trung dài hạn chiếm 53-55% tổng dư nợ. Chính vì vậy, việc tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài nhằm khắc phục tình trạng mất cân đối về kỳ hạn giữa huy động vốn và cho vay.

Cũng theo ông Minh, việc tăng lãi suất huy động sẽ đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vay vốn trung và dài hạn muốn vay với lãi suất ổn định hơn và dài hơi hơn.

Điều này cũng được lãnh đạo ngân hàng ACB khẳng định, việc nâng lãi suất lần này là do tác động của việc cân đối lại nguồn vốn chứ không hề chịu áp lực gì cả.

Cụ thể tại ACB, số dư huy động tính đến ngày 30/5 là trên 158 nghìn tỷ đồng, trong khi đó, số dư cho vay đạt mức 122 nghìn tỷ đồng. Việc này đã gây ra áp lực về độ an toàn trong cơ cấu vốn và tài sản của ngân hàng.

Các chuyên gia của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng đưa ra dẫn chứng, tính đến 31/3/2015, tổng huy động chỉ đạt 4.557 nghìn tỷ đồng tăng 0,98% so với đầu năm. Trong đó, vốn huy động bằng VND tăng 1,9%, ngoại tệ giảm 4,9%. Trong khi đó, tổng tín dụng đạt 3.826 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với đầu năm.

Tuy nhiên, câu chuyện lãi suất huy động đang nóng trở lại dấy lên lo ngại khó giảm lãi suất cho vay. Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang mong muốn lãi suất vay trung và dài hạn giảm thêm để thúc đẩy sản xuất.

Để giải tỏa nỗi lo lắng này, một lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước cho rằng, việc một số ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất tăng lần này chủ yếu là các kỳ hạn dài để cân đối nguồn vốn cho vay nên sẽ không ảnh hưởng gì đến lãi suất cho vay cả.

Như vậy, với việc tăng lãi suất chủ yếu diễn ra ở các kỳ hạn trên 1 năm được đánh giá là cần thiết để đưa lãi suất các mức kỳ hạn về đúng bản chất huy động và sử dụng vốn. Người gửi tiền tiết kiệm muốn có lãi suất tốt phải gửi kỳ hạn từ 1 năm trở lên. Với nguồn vốn kỳ hạn dài này, các ngân hàng mới hoạch định kế hoạch kinh doanh một cách chủ động. Đây cũng là cơ sở để ngân hàng có thể cho vay trung và dài hạn với lãi suất thấp hơn./.

Theo Thúy Hà

Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên