Chi phí dự phòng “bào mòn nửa non” lợi nhuận ngân hàng
Thống kê từ báo cáo tài chính của 12 ngân hàng thấy rằng, 46% lợi nhuận ngân hàng trong 6 tháng đầu năm bị "cắt lẹm" vì chi phí dự phòng rủi ro.
- 28-07-2015Lợi nhuận ngân hàng: Triển vọng lạc quan
- 10-07-2015Lợi nhuận ngân hàng quý II/2015: Khó tăng mạnh!
- 05-07-2015Lợi nhuận ngân hàng quý II sẽ khởi sắc?
Tính đến điểm hiện tại đã có 13 ngân hàng thương mại công bố báo cáo tài chính quý II/2015, trong đó đã có 8/9 ngân hàng niêm yết đã công bố. Điều đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận của nhiều ngân hàng bị bào mòn mạnh bởi chi phí dự phòng rủi ro.
Trong tổng số 31.313 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng của 12 ngân hàng đã được thống kê thì chi phí dự phòng rủi ro mà các ngân hàng trích lập đã lên tới 14.414 tỷ đồng, chiếm 46% tổng lợi nhuận.
Bảng thống kê từ báo cáo tài chính hợp nhất của 12 ngân hàng.
Mặc dù kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng hầu như khá tốt, lợi nhuận thuần tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2014, tuy nhiên, chi phí dự phòng tăng mạnh 38,5% khiến tổng lợi nhuận trước thuế chỉ tăng khiêm tốn 7,8%. Trong đó, ngoại trừ một số ngân hàng lớn vẫn lãi nghìn tỷ thì các ngân hàng khác đang thể hiện sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận.
Kết quả kinh doanh của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vẫn duy trì ở mức khá cân bằng so với 6 tháng đầu năm ngoái. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro đạt 176 tỷ đồng, chỉ kém 4 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Tuy nhiên chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2014 lên 216 tỷ đồng, chiếm gần 3/4 tổng lợi nhuận thuần, khiến tổng lợi nhuận trước thuế và sau thuế trong nửa đầu năm của OCB chỉ còn 64 và 51 tỷ đồng, bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, OCB mới chỉ hoàn thành được15,3% kế hoạch lợi nhuận 410 tỷ đồng đề ra từ đầu năm.
Một trường hợp đáng báo động về lợi nhuận tụt dốc là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank – mã EIB). Các chỉ tiêu kinh doanh của Eximbank sau 6 tháng đầu năm đều đi xuống mạnh. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của ngân hàng lần lượt đạt 566 và 442 tỷ đồng, đều giảm 14% so với kết quả cùng kỳ năm trước.
Nếu không nhờ lợi nhuận trước thuế của quý I/2015 ở mức 537 tỷ đồng “níu đà”, thì kết quả trên còn rơi mạnh hơn. Bởi lẽ trong quý II/2015, lợi nhuận trước thuế của Eximbank chỉ đạt chưa đầy 29 tỷ đồng, giảm 87% so với kết quả quý II/2014.
Nguyên nhân là do trong quý này, chi phí hoạt động của Eximbank phát sinh mạnh, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước lên 600 tỷ đồng khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro chỉ còn 195 tỷ đồng, giảm 46%. Hơn nữa, chi phí dự phòng quý II tăng 14% lên 166 tỷ đồng đã cắt xén mạnh vào lợi nhuận. Sau thuế, ngân hàng lãi vỏn vẹn 26,9 tỷ đồng.
Một số ngân hàng quốc doanh như BIDV cũng đã phải "bỏ ra" 3.565 tỷ đồng, chiếm 53% tổng số lợi nhuận trước dự phòng. Chi phí dự phòng của Vietcombank cũng ở mức 3.346 tỷ đồng, "ngốn" 51,5% lợi nhuận. Tại Vietinbank, tỷ lệ này nhỏ hơn, chiếm gần 40% lãi nhưng vẫn ở mức cao 2.536 tỷ đồng.
Việc các ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro là do đang chạy đua bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng (VAMC). Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, yêu cầu hàng đầu của các ngân hàng hiện nay là tăng trích dự phòng rủi ro để đảm bảo hoạt động an toàn.
Chủ tịch Công ty quản lý tài sản của các TCTD ( VAMC ), ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, tính đến nay, VAMC đã tiếp nhận 64.000 tỷ đồng từ các TCTD gửi để bán nợ cho VAMC và hiện đã phê duyệt được 59.000 tỷ đồng với giá gốc và giá mua là 54.000 tỷ đồng. Ngoài ra, VAMC đã phát hành được 51.300 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt.
Về bán nợ, sau 7 tháng đầu năm triển khai, VAMC xử lý bán tài sản đảm bảo, bán nợ và thu hồi được 6.513 tỷ đồng.
Ông Hùng kỳ vọng trước 30/9 các TCTD sẽ hoàn thành kế hoạch mà NHNN đã giao và có khả năng cuối năm tỷ lệ nợ xấu toàn ngành sẽ về dưới 3%.
Trí Thức Trẻ
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>- 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Quốc dân lãi trước thuế hơn 45 tỷ đồng
- ABBank đạt 179 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm
- LienVietPostBank lãi trước thuế 160 tỷ đồng, tín dụng tăng trưởng 21%
- 6 tháng, VIB báo lãi sau thuế 240 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ
- Quý 2/2015: Lợi nhuận trước thuế của SHB tăng gần 20%, tỷ lệ nợ xấu 2,48%