Chính sách thông, tín dụng sẽ tăng
Nếu những vướng mắc về mặt chính sách có liên quan đến các bộ, ngành khác mà được tích cực phối hợp giải quyết, thì tỷ lệ tín dụng cho tam nông sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
- 21-08-2015Đến đầu tháng 8: Tín dụng của Tp HCM tăng trưởng 6%
- 20-08-2015Nhiều ngân hàng lớn “kẹt” với quota tín dụng
- 19-08-2015Fitch nâng mức tín nhiệm tín dụng của Hy Lạp lên một cấp
- 19-08-2015Phụ thuộc tín dụng, ngân hàng “sợ” giảm lãi suất cho vay?
Những năm qua, các chính sách với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm để hỗ trợ người nông dân. Đặc biệt từ năm 2010, với việc ban hành Quyết định 63/2010/QĐ-TTg đã hỗ trợ mạnh ở khâu đầu vào nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch cho người nông dân. Chính sách này cũng liên tục được sửa đổi, bổ sung (Quyết định 65/2011/QĐ-TTg và Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg) cho phù hợp với tình hình thực tế trong từng giai đoạn.
Đặc biệt, sau khi Quyết định 68 có quy định về việc ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp… được ban hành, NHNN đã kịp thời chỉ thị các TCTD tích cực triển khai Quyết định 68 (Thông tư 13/2014/TT-NHNN và văn bản số 8865/NHNN-TD).
Trong quá trình triển khai thực hiện, NHNN đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổng hợp, theo dõi tình hình thực hiện, kịp thời xử lý các khó khăn vướng mắc của các NHTM và người dân. Đơn cử, tháng 4/2014, NHNN đã ban hành Thông tư số 13/2014/TT-NHNN hướng dẫn các NHTM thực hiện việc cho vay theo Quyết định 68.
Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân đối với chương trình, NHNN đề nghị các NHTM: Chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch nghiêm túc triển khai cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành. Các chi nhánh, phòng giao dịch phải niêm yết công khai đối tượng, quy trình, thủ tục vay vốn để khách hàng biết và tiếp cận vốn vay.
Trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, các NHTM báo cáo NHNN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Tài chính để có giải pháp xử lý kịp thời.
Tính đến cuối tháng 6/2015, tổng dư nợ cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đạt 2.400 tỷ đồng, tăng 28,87% so với 31/12/2014, trong đó: Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt 2.020 tỷ đồng và dư nợ cho vay theo lãi suất tín dụng đầu tư đạt 380 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo phản ánh từ các NHTM, chính sách này đang bộc lộ một số bất cập làm ảnh hưởng đến kết quả cho vay của các NHTM do một số nguyên nhân không thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành NH như: Danh sách chủng loại máy, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp do Bộ NN&PTNT quy định còn một số hạn chế.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68 mới áp dụng đối với lĩnh vực nông sản mà chưa áp dụng trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong khi đây cũng là lĩnh vực quan trọng và đang gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, một số DN chưa thực hiện ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, dịch vụ cơ giới hóa với nông dân hoặc tổ chức đại diện của nông dân nên chưa được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 68...
Đại diện vụ chức năng của NHNN cho biết, để tháo gỡ những bất cập nêu trên, tại Hội nghị đẩy mạnh cơ giới hóa, tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, NHNN đã kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính xem xét sửa đổi một số quy định tại Quyết định 68 nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận vốn vay theo quy định. Về phía ngành NH, thời gian tới các NHTM sẽ tiếp tục tích cực triển khai Quyết định 68 nhằm đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp...
Quyết định 68 chỉ là một trong những chính sách để chúng ta thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, NHNN đã và đang chỉ đạo các TCTD ưu tiên tập trung vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tích cực triển khai các chương trình tín dụng đối với tam nông… Đó là việc trong “tầm tay” của ngành NH. Nếu những vướng mắc về mặt chính sách có liên quan đến các bộ, ngành khác mà được tích cực phối hợp giải quyết, thì tỷ lệ tín dụng cho tam nông sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, hỗ trợ cho việc thực hiện thành công các mục tiêu của Đề án cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thời báo ngân hàng